Sự phát triển của con người thể hiện sự phát triển của xã hội. Hiện đại hóa xã hội bao hàm "hiện đại hóa" con người, nhất là trong nền kinh tế tri thức. Muốn hiện đại hóa con người phải xây dựng những đức tính cơ bản, toàn diện, vừa tiếp nhận tinh hoa của thời đại, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Thanh niên tình nguyện gặt lúa giúp dân |
Những đức tính đó được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng ta xác định, và Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) khẳng định lại gồm 5 đức tính của con người Việt Nam, mà Đảng ta đang lãnh đạo xây dựng.
Đức tính thứ nhất "Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội". Đây là tiêu chí bao trùm, xuyên suốt nói lên phẩm chất chính trị của công dân đối với đất nước. Yêu nước ngày nay là phải gắn với mục tiêu, lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội; yêu nước là phải thể hiện ý chí quyết tâm thoát nghèo từ mỗi người dân, ở mỗi địa phương để vươn lên làm giàu cho mình và cho xã hội, tạo nên sức mạnh cho đất nước phát triển theo mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra là xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Đức tính thứ hai "Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung". Nội dung của đức tính này, nói lên sức mạnh của mỗi người nếu biết gắn kết với cộng đồng thì nguồn lực ấy sẽ được nâng lên gấp bội, bởi vì đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết làm nên sức mạnh. Dân tộc ta đấu tranh giành thắng lợi to lớn, vẻ vang trước các thế lực thực dân, đế quốc, phong kiến chính là nhờ đoàn kết. Trong sự nghiệp kiến thiết nước nhà, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang đặt ra cho mỗi chúng ta cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, chính trong đó có lợi ích của bản thân mình. Thực hiện đức tính này, đòi hỏi mỗi người phải đấu tranh với chính mình, vượt qua chính mình, ra sức tu dưỡng rèn luyện đạo đức, sống có nhân cách, trách nhiệm, xử lý hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng.
Đức tính thứ ba "Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái". Đức hạnh con người thể hiện ở hành vi giao tiếp, đó là việc xử sự giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng trong lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, hành động, biểu hiện thái độ… Vì vậy, mỗi người tự tu dưỡng rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi của mình, đồng thời biết lắng nghe ý kiến góp ý của người khác để sửa chữa và hoàn thiện mình, đó là nét đẹp của con người văn hóa. Trong quá trình xây dựng lối sống và nếp sống tốt đẹp phải hướng tới thực hiện đầy đủ các chuẩn mực đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng, là: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Đức tính thứ tư "Lao động chăm chỉ vì lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo". Bản chất cao nhất của con người là lao động, Nhưng, vấn đề đặt ra là lao động như thế nào, vì mục đích gì, thì không phải ai cũng giống nhau. Do đó, việc giáo dục cho mọi người lao động sáng tạo có ý thức, có tổ chức kỷ luật, hướng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả là cực kỳ quan trọng. Điều này, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải gắn lương tâm, trách nhiệm của mình với công việc, với nhiệm vụ, với sản phẩm của mình làm ra. Đặc biệt là phải quan tâm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển và phồn vinh của nước nhà.
Đức tính thứ năm "Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực". Đây là thước đo cơ bản của văn hóa, thông qua học tập mà tri thức của mỗi người được nâng lên và mở rộng, từ đó chuyển hóa vào trong cuộc sống, đời sống xã hội bằng những việc làm hữu ích vượt lên chính mình, chiến thắng bản thân mình, tạo được sự đồng tình, thán phục của nhiều người. Thường xuyên nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, nắm bắt kịp thời thành tựu văn hóa, thông tin hiện đại, biết huy động tài năng và các nguồn lực để hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra; nâng con người lên một vẻ đẹp mới về trí tuệ, tâm hồn, biết thưởng thức cái đẹp phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam và những giá trị mới tiến bộ của thời đại.
Năm đức tính của con người Việt Nam đã được Đảng ta xây dựng và xác định có thể coi đó là "cương lĩnh đạo đức công dân", trong đó các yếu tố quan trọng là yêu nước, tuân thủ pháp luật, đức sáng, thành tín, đoàn kết, làm việc thiện, cần kiệm, tự cường, yêu nghề và hiến thân. Đó là nét văn hóa trong các đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới.
. Th.S Nguyễn Bá Trà |