Những phụ nữ vươn lên thoát nghèo
14:48', 28/11/ 2004 (GMT+7)

Thực hiện nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp và chủ trương của tỉnh về xóa đói giảm nghèo, những năm qua nhiều phụ nữ đã đầu tư làm kinh tế vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, tham gia tích cực chương trình công tác của Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Dưới đây là một số gương mặt phụ nữ tiêu biểu.

* Chị Huỳnh Thị Điểm

Từ nguồn vốn vay của Hội, đã tạo việc làm cho nhiều chị em. Trong ảnh: Chế biến cá cơm tại phường Trần Phú (Quy Nhơn).

Chị Điểm là người dân tộc H're ở xã vùng cao An Vinh (An Lão) và là hội viên nòng cốt nhiều năm liền. Khi được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, chị hết lòng với công việc, luôn gương mẫu để chị em noi theo. Chị có 2 con đang theo học tại Trường Dân tộc nội trú huyện. Chồng chị là Hiệu trưởng Trường bán trú Đinh Nĩ (An Lão) công việc nhiều nên việc quán xuyến gia đình đều do chị định liệu. Mặc dù vậy, chị Điểm luôn sâu sát cơ sở, hiểu từng hoàn cảnh chị em, cùng BCH Hội lãnh đạo phong trào phụ nữ xã nhiều năm liền đạt xuất sắc, là xã điển hình của huyện. Ngoài ra, chị còn làm kinh tế gia đình rất giỏi. Chị thường xuyên nuôi 30 con heo, xây dựng mô hình vườn tiêu, cây ăn quả, ao thả cá, sản xuất lúa và mở quầy bán tạp hóa… thu nhập hàng năm 25-30 triệu đồng. Thông cảm với hoàn cảnh của nhiều chị em hội viên, năm 2004, chị đã giúp 7 hội viên nghèo mượn không lấy lãi gần 5 triệu đồng, 6 chỉ vàng, 5 heo giống và 2 con bò.

* Chị Phùng Thị Tường

Chị Tường hiện ở thôn Tân Trung, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Khi mới lập gia đình, hoàn cảnh chị Tương vô cùng khó khăn, chồng công tác xa nhà, một mình phải cáng đáng công việc gia đình và chăm sóc con cái. Chị suy nghĩ: "Muốn thoát khổ và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn thì phải làm kinh tế thêm". Từ đó chị mạnh dạn làm nghề buôn hàng xáo, nấu rượu và chăn nuôi heo… Sau nhiều năm tích lũy, chị đã từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Khi cuộc sống gia đình đã khá hơn, chị bắt đầu tham gia các hoạt động do Hội tổ chức, thông qua chương trình giúp nhau phát triển kinh tế chị đã tự nguyện cho mượn 12 triệu đồng để giúp cho một số chị khó khăn về vốn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, buôn bán và trồng trọt. Không chỉ giúp vốn, chị còn giúp con giống, kỹ thuật và đến mùa thu hoạch mới hoàn trả. Là tổ phó phụ nữ xóm 2, chị còn vận động chị em có điều kiện xây dựng tổ phụ nữ đoàn kết. Qua đó đã có 25 chị tham gia với số vốn góp được hơn 12 triệu đồng, giúp 15 chị vươn lên thoát nghèo.

* Chị Bùi Thị Miên

Quê chị Miên ở vùng miền núi Thanh Hóa. Vợ chồng chị làm ăn lam lũ nhưng không đủ ăn. Năm 1993, khi địa phương có chủ trương đi kinh tế tự do, chị cùng chồng bàn bạc xa quê lập nghiệp. Vợ chồng chị đã chọn Canh Vinh - Vân Canh là quê hương thứ 2. Ban đầu gia đình chị xin đất sản xuất, làm nhà vách đất để có chỗ che nắng, che mưa với bao khó khăn thiếu thốn. Năm 1996 nhờ theo dõi thông tin và tham gia sinh hoạt Hội, chị đã mạnh dạn học hỏi và mượn vốn đầu tư mô hình trang trại trồng 50 cây xoài cát, hàng ngày vợ chồng thay nhau gánh nước tưới. Năm 1997 chị vay 2,5 triệu đồng đào ao thả cá, nuôi heo, nuôi bò, trồng cây ăn quả… Chỉ 5 năm sau, gia đình chị đã có tích lũy, hoàn trả xong vốn và có điều kiện xây nhà cải thiện đời sống. Hiện nay, gia đình chị Miên có thu nhập 20 triệu đồng/năm. Chị vô cùng biết ơn Hội phụ nữ đã giúp chị vay vốn để thoát nghèo.

* Chị Hoàng Thị Tư

Chị Tư hiện ở phường Đống Đa (Quy Nhơn). Sau khi nghỉ hưu, chị đã tham gia công tác Hội và làm Phân hội trưởng. Điều chị quan tâm là làm thế nào giảm tỷ lệ phụ nữ nghèo ở đây. Chị bắt tay vào việc chọn đối tượng, lập danh sách và bàn bạc trong BCH Hội. Đối tượng vay vốn là số chị em chưa có việc làm ổn định, mua gánh bán bưng, có nhiều chị phải làm thuê xa nhà hàng tháng trời… Chính từ nguồn vốn này, chị em đầu tư chăn nuôi, bán rau… Bên cạnh đó, chị còn hỗ trợ heo giống và tự tay tiêm phòng bệnh không lấy tiền ngay (sau khi heo xuất chuồng mới hoàn trả). Ngoài ra chị còn vận động chị em có kinh tế khá hơn góp công của giúp những chị khó khăn vươn lên. Sau thời gian vận động thực hiện, phân hội của chị hiện chỉ còn 23 hộ nghèo so với 58 hộ trước kia. Riêng hộ đói còn 3 hộ (giảm 6 hộ).

* Chị Hồ Thị Thanh Dung

Chị Dung là chi hội trưởng thôn Quảng Nghiệp - Phước Hưng (Tuy Phước), nơi có tỷ lệ giáo dân đông nhất xã, tỷ lệ hộ nghèo là 18%. Quảng Nghiệp chỉ sản xuất độc canh cây lúa nên ở đây, lao động nông nhàn vừa nhiều nhưng cũng vừa thiếu vốn. Với trách nhiệm của mình, chị luôn gần gũi chị em, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và có những đề xuất kịp thời. Thông qua các hoạt động công tác Hội, trong 3 năm qua, chi hội đã tập huấn cho 83 lượt chị kiến thức về mọi mặt. Hội vận động xây dựng tổ tín dụng tiết kiệm, vay vốn dự án ngân hàng… và đã giải ngân hơn 1 tỉ đồng cho 185 chị. Đến nay có 42 hộ phát triển nghề truyền thống: tráng bánh, làm chổi… trong đó có nhiều chị vươn lên khá, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,86%.

. Thanh Hồng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng 5 đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới  (26/11/2004)
Đa dạng dịch vụ truyền hình  (26/11/2004)
AIDS: Nỗi oan khiên của nhiều phụ nữ   (25/11/2004)
Những ghi nhận đầu tiên từ các trang web xã   (25/11/2004)
Hào hứng, sôi nổi cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng   (24/11/2004)
Nghị định 181 sẽ làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản   (24/11/2004)
Xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng đất   (24/11/2004)
Một già làng giàu uy tín   (23/11/2004)
Thu nhập của giáo viên: Cao hay thấp?   (23/11/2004)
Một người thầy yêu nghề   (23/11/2004)
Góp phần nâng cao vai trò, vị trí của công nghệ thông tin   (22/11/2004)
Tuổi trẻ với 5 cuộc vận động lớn của Hội   (22/11/2004)
Xây dựng nhà cho hộ nghèo ở An Nhơn: Chậm, vì sao?  (21/11/2004)
Chuyện về một giáo viên vượt khó dạy giỏi   (19/11/2004)
Nhà giáo - nghề giáo: Cho và nhận   (19/11/2004)