Tan trường và nỗi lo ùn tắc giao thông
16:3', 30/11/ 2004 (GMT+7)

Do hệ thống trường học được xây dựng ngay trên những tuyến đường có lưu lượng xe qua lại khá lớn, nhiều trường tập trung ở khu vực trung tâm TP. Quy Nhơn, nên đã khiến cho áp lực giao thông trở nên căng thẳng vào những giờ cao điểm. An toàn giao thông cho học sinh trở thành nỗi lo thường trực của các ngành chức năng, ban giám hiệu các trường và các bậc phụ huynh.

* Nhiều trường cùng trên một tuyến đường

Cảnh ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên trước cổng trường THPT Nguyễn Thái Học (ảnh: Văn Lưu)

Hiện có khá nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Quy Nhơn tập trung nhiều trường học như: đường Trần Hưng Đạo có đến 4 trường THCS, 1 trường cao đẳng và nhiều trường mẫu giáo, mầm non; đường Trần Cao Vân, Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học cũng có nhiều trường nằm rải rác trên mỗi tuyến đường. Các tuyến đường này đều có số lượng xe và người lưu thông khá lớn, nên vào giờ tan trường thường xuyên xảy ra việc ùn tắc giao thông ngay trước cổng trường. Do đó, chuyện kẹt xe, tắc đường trước cổng trường sau giờ tan học đã trở thành một hình ảnh khá quen thuộc. Cũng vì thế, an toàn giao thông trước cổng trường đang là một trong những vấn đề mà mọi người hết sức quan tâm.

Đường Nguyễn Thái Học nối giữa trung tâm thành phố với bến xe,  nhưng ở trên tuyến đường này lại có đến 2 trường (THPT Nguyễn Thái Học và Tiểu học Ngô Mây). Bên cạnh đó, là hàng loạt các cửa hàng buôn bán và các chợ nên số người lưu thông trên đường Nguyễn Thái Học khá lớn, dễ gây ra tai nạn. Mỗi khi đến giờ tan trường, học sinh của Trường THPT Nguyễn Thái Học ào ra một lượt là giao thông trên tuyến đường này bị ách tắc, gây khó khăn cho người đi đường.

Mặc dù giờ tan trường cho từng khối lớp đã được ban giám hiệu các trường điều tiết một cách hợp lý, song tình trạng kẹt xe vẫn cứ diễn ra hàng ngày, nguyên nhân do ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều học sinh và nhiều người dân chưa cao. Vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, phụ huynh đưa đón con đậu xe tràn xuống lòng đường, học sinh tan trường tụ tập thành hàng ba, hàng tư giữa đường... Hậu quả là giao thông ở trước các cổng trường trở nên rất phức tạp và đã có một số vụ va quẹt xảy ra trước cổng một số trường.

* Làm gì để bảo đảm an toàn giao thông?

Từ đầu năm học đến nay, các cơ quan chức năng và ngành giáo dục thường xuyên phối hợp với ban giám hiệu các trường thực hiện các biện pháp nhằm ổn định trật tự giao thông ở khu vực trọng điểm. Chẳng hạn, tuyên truyền luật giao thông và các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông cho học sinh vào các buổi chào cờ đầu tuần. Cảnh sát giao thông thành phố vận động các trường sắp xếp giờ ra lớp chênh lệnh giữa các khối, nhằm giảm áp lực trước cổng trường; báo cho ban giám hiệu các trường biết số học sinh vi phạm an toàn giao thông để nhắc nhở, giáo dục. Đối với các trường mầm non, mẫu giáo thì yêu cầu nhà trường cho phụ huynh đón con sớm, không đợi đến đúng giờ quy định mới mở cửa. Theo thiếu tá Phạm Nhất Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP. Quy Nhơn, đến nay đã có 13 trường học trên địa bàn thành phố phối hợp với Đội tổ chức tuyên truyền phổ biến về các luật giao thông đường bộ cho học sinh.

Ông Lê Đình Phùng, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thái Học, cho biết: "Hiện nay nhà trường có đến 1.962 học sinh của 3 khối lớp, cứ mỗi buổi học có đến 1.500 học sinh ra về một lúc nên đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường. Trước tình hình này, nhà trường cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế, kể cả việc mở thêm cổng phụ ở phía đường Nguyễn Thị Minh Khai."

Cố gắng là vậy nhưng giờ học sinh tan trường cũng là giờ tan ca của công nhân, giờ nghỉ của cán bộ viên chức... Do đó, việc ách tắc giao thông trước cổng các trường học là điều khó tránh khỏi. Để tránh những tai nạn giao thông có thể xảy ra, theo chúng tôi, phải có sự kết hợp đồng bộ của các ngành chức năng và các trường học trong việc tìm ra giải pháp của vấn nạn này. Bên cạnh đó là việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh và phụ huynh học sinh.

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phước Thắng "điểm nóng" về quản lý đất đai   (30/11/2004)
Những chuyển động tích cực trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn   (30/11/2004)
Những phụ nữ vươn lên thoát nghèo  (28/11/2004)
Xây dựng 5 đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới  (26/11/2004)
Đa dạng dịch vụ truyền hình  (26/11/2004)
AIDS: Nỗi oan khiên của nhiều phụ nữ   (25/11/2004)
Những ghi nhận đầu tiên từ các trang web xã   (25/11/2004)
Hào hứng, sôi nổi cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng   (24/11/2004)
Nghị định 181 sẽ làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản   (24/11/2004)
Xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng đất   (24/11/2004)
Một già làng giàu uy tín   (23/11/2004)
Thu nhập của giáo viên: Cao hay thấp?   (23/11/2004)
Một người thầy yêu nghề   (23/11/2004)
Góp phần nâng cao vai trò, vị trí của công nghệ thông tin   (22/11/2004)
Tuổi trẻ với 5 cuộc vận động lớn của Hội   (22/11/2004)