Làm gì để nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đã được đặt ra nhiều lần trong các hội nghị của Đảng và chính quyền các cấp? Bài toán này đã có lời giải với đề án "Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn tỉnh Bình Định giai đoạn từ 2004 đến 2010" vừa được UBND tỉnh ban hành.
|
Phường Thị Nại (TP Quy Nhơn) tổ chức gặp mặt tọa đàm và trao quà cho các gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) |
Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, tổng số cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cán bộ xã) trong định biên hiện có 3.388 người, trong đó có 1.380 người là công chức xã đang đảm nhận các chức danh chuyên môn, 2.008 người là cán bộ chuyên trách ở xã. Trong những năm qua nhờ quan tâm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nên đội ngũ cán bộ xã từng bước được kiện toàn và trưởng thành, trình độ và năng lực từng bước nâng cao, góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, đến nay trình độ, năng lực của cán bộ xã vẫn còn thấp, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Trong 3.388 cán bộ xã, trình độ học vấn cấp I chiếm tỷ lệ 12,75%; cấp II: 41,58%; cấp III: 45,67%. Về chuyên môn, có 924 cán bộ đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên (27,27%). Đặc biệt, đối với công chức chuyên môn, yêu cầu tối thiểu phải đạt trình độ sơ cấp (ở miền núi) và trung cấp (ở đồng bằng). Nhưng hiện chỉ có 457 người được đào tạo chuyên môn (chiếm 33,12%); trong đó đào tạo phù hợp với nhiệm vụ được giao chỉ có 243 người, chiếm tỷ lệ 17,61%.
Về trình độ lý luận chính trị, có 614/952 cán bộ chuyên trách là Thường trực HĐND và thành viên UBND nhiệm kỳ 2004-2009 ở cơ sở đạt tiêu chuẩn (trình độ Trung cấp LLCT trở lên), chiếm tỷ lệ 64,50%; 33,38% các đồng chí Chủ tịch Mặt trận và Trưởng các đoàn thể đạt tiêu chuẩn. Riêng về công chức chuyên môn chỉ có 322 người đạt trình độ sơ cấp trở lên (tỷ lệ 19,22%). Trình độ quản lý nhà nước còn thấp hơn; toàn tỉnh chỉ có 396 cán bộ xã đã được đào tạo quản lý nhà nước, (11,69%).
Những hạn chế trên dẫn đến hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở xã còn nhiều bất cập; công tác quản lý của chính quyền ở nhiều nơi còn lỏng lẻo và sai phạm; hoạt động của cơ quan dân cử còn mang tính hình thức, sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đồng bộ; hoạt động của các tổ chức đoàn thể chưa có chiều sâu, chưa xây dựng được phong trào hành động cách mạng sôi nổi và hiệu quả.
Đối tượng đào tạo
* Cán bộ chuyên trách cấp xã:
- Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy xã
- Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND xã
- Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã
- Chủ tịch UBMT, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Nông dân xã
- Cán bộ trong diện quy hoạch các chức danh chủ chốt.
* Công chức cấp xã:
- Trưởng công an
- Chỉ huy trưởng quân sự
- Công chức xã là người dân tộc ít người. |
Vì vậy, củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn là yêu cầu bức xúc trong tình hình hiện nay và trước hết là tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ năng lực của cán bộ. Đề án "đào tạo đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn của tỉnh giai đoạn 2004-2010" đã đề ra mục tiêu: Xây dựng, chuẩn hóa và từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, đảm bảo tiêu chuẩn, đồng bộ về cơ cấu, có tính kế thừa giữa các độ tuổi. Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo tiêu chuẩn chức danh, trang bị kỹ năng quản lý điều hành tạo điều kiện cho cán bộ, công chức cấp xã có đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phấn đấu đến năm 2005, có trên 40% và đến năm 2007 có trên 70% cán bộ xã đạt tiêu chuẩn về lý luận chính trị và chuyên môn theo quy định của Nhà nước (trung cấp trở lên đối với xã đồng bằng; sơ cấp trở lên đối với xã miền núi). Đến năm 2010, có 100% cán bộ xã đạt tiêu chuẩn về lý luận chính trị và chuyên môn theo quy định của Nhà nước và đạt mục tiêu trẻ hóa đội ngũ cán bộ công chức cấp xã.
Nội dung đào tạo tập trung một số vấn đề chính là: Đào tạo về lý luận chính trị; đào tạo bổ túc văn hóa và chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức người dân tộc ít người; đào tạo về quản lý nhà nước và đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức đảm nhận chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự xã và Trưởng Công an xã.
Một trong những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở là xây dựng đội ngũ cán bộ xã có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó còn là những người thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân. Do vậy, việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ là một trong những giải pháp quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, đòi hỏi các cấp các ngành phải thực hiện nghiêm túc.
. Thủy Tiên
Ông Phạm Đình Sinh, Giám đốc Sở Nội vụ:
6,9 tỉ đồng dành cho việc đào tạo cán bộ xã
* Ông có thể cho biết chừng nào thì bắt đầu mở các lớp đào tạo cán bộ xã?
- Nằm trong khuôn khổ Đề án đào tạo cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn của tỉnh giai đoạn 2004-2010, trong tháng 9 và tháng 11 vừa qua đã khai giảng 2 lớp chuyên môn dành cho 108 đồng chí là Chỉ huy trưởng Quân sự xã. Các lớp còn lại, Sở Nội vụ sẽ hướng dẫn các huyện, thành phố lập kế hoạch đào tạo, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng nội dung, chương trình cho từng khóa học; hợp đồng với các cơ sở đào tạo mở lớp. Thời gian mở lớp từ đầu năm 2005 đến hết 2010. Tổng kinh phí đào tạo của đề án dự kiến khoảng 6,9 tỉ đồng.
* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các lớp này?
- Các lớp Trung cấp lý luận chính trị (LLCT) sẽ được mở mỗi năm hai lớp, mỗi lớp 90-100 người cho cán bộ chủ chốt của Đảng và chính quyền xã; trước hết là các đồng chí Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Các lớp sơ cấp LLCT mở tại ba huyện đồng bằng và thành phố Quy Nhơn, mỗi năm 4 lớp, mỗi lớp 70-80 học viên, nhằm đảm bảo đến năm 2007 công chức xã có trình độ phổ cập sơ cấp LLCT. Các lớp công chức chuyên ngành dành cho Trưởng Công an xã sẽ được khai giảng chậm nhất là giữa năm 2005. Các lớp bổ túc văn hóa dành cho cán bộ công chức xã người dân tộc ít người sẽ được mở trong 2 năm 2005-2006.
* Có nguyên tắc nào dành cho các lớp đào tạo này không, thưa ông?
- Tất nhiên là có! Nguyên tắc và phạm vi đào tạo được đặt ra là: Đào tạo đối với những cán bộ hiện đang đảm nhận các chức danh chuyên trách và công chức cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định để tiếp tục công tác lâu dài ở xã. Đào tạo nâng cao đối với những cán bộ, công chức ở xã đã đạt tiêu chuẩn quy định của từng chức danh đang đảm nhận, nhằm nâng cao trình độ để có thể đảm nhận cương vị, chức vụ công tác cao hơn. Đào tạo đối với những cán bộ, công chức đã được quy hoạch các chức danh dự nguồn cho cán bộ chủ chốt ở xã. Đào tạo theo hệ chính quy tập trung cho những cán bộ công chức đang công tác có độ tuổi dưới 35; đào tạo không chính quy tập trung cho những cán bộ công chức đang công tác ở xã trong độ tuổi từ 35 đến 45 (nữ đến 40). Đào tạo văn hóa đối với những cán bộ, công chức là người dân tộc đang công tác ở các xã miền núi, vùng cao chưa hoàn chỉnh chương trình phổ thông trung học để có cơ hội đào tạo tiếp về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quy định của từng chức danh.
Đối với những người đang đảm nhận các chức danh chuyên môn nếu chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn phù hợp với lĩnh vực công tác đảm nhận thì trong thời hạn từ nay đến 31-12-2006 phải tự học để đạt tiêu chuẩn chuyên môn theo quy định. Đến thời hạn quy định trên nếu không đạt tiêu chuẩn thì kiên quyết thay thế. Việc bố trí cán bộ, công chức xã đi đào tạo theo yêu cầu phải bố trí cán bộ thay thế đảm nhiệm công việc, không tăng thêm định biên.
Đối với những người đang đảm nhận các chức danh chuyên môn nhưng chưa có bằng cấp đúng chuyên môn thì UBND cấp xã có trách nhiệm bố trí thời gian hợp lý, tạo thuận lợi để cán bộ tự theo học chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp đảm bảo việc bố trí công tác phù hợp và được bổ nhiệm vào ngạch tương ứng kể từ khi có bằng cấp chuyên môn, không phải qua thời gian tập sự.
. Minh Hiếu
|