Bệnh nhân AIDS ở Trung tâm GDLĐXH: Cuộc sống không hề ngưng đọng
15:0', 1/12/ 2004 (GMT+7)

Khi biết mình đã mắc căn bệnh thế kỷ, họ càng trân trọng, càng khát khao được kéo dài cuộc sống, được làm việc có ích. Đó là những gì chúng tôi ghi nhận được khi đi thăm những người nhiễm HIV ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) tỉnh.

* Họ đã sống...

Chuẩn bị cho ngày tuyên truyền 1-12

Anh Thái Văn Trực, cán bộ y tế của Trung tâm TTGDLĐXH tỉnh, cho biết: "Từ đầu năm đến giờ, trung tâm đã có 3 người chết vì bệnh AIDS. Chỉ riêng trong tháng 10 đã có hai thành viên rất nhiệt tình của nhóm nòng cốt qua đời. Điều làm tôi khâm phục ở họ là ý chí tự khẳng định, là khát khao được kéo dài cuộc sống và được làm điều có ích. Với họ, còn phút giây nào được sống đều được tận dụng tối đa để làm điều có ích".

Các học viên cũng như cán bộ đang làm việc tại TTGDLĐXH coi anh Phan Văn Đức như là một bệnh nhân AIDS đặc biệt. Anh "nổi tiếng" không chỉ vì anh là thành viên tích cực của nhóm nòng cốt có nhiều tài lẻ mà còn vì đã biết đem niềm đam mê hội họa vào cuộc sống đầy khổ đau trong những ngày bị bệnh AIDS. Hằng ngày, ngoài những giờ làm việc ở vườn rau, giúp các bạn cùng cảnh ngộ khi ốm đau, anh lại miệt mài bên giá vẽ. Anh vẽ riết róng, vẽ cả đêm vì biết quỹ thời gian của mình gần cạn. Năm 2002, sau cơn sốt kéo dài hơn một tháng trời, cơ thể ngày một suy kiệt chỉ còn da bọc xương nhưng anh đều cố gắng tự tổ chức cuộc sống hằng ngày, cả những lúc cơn đau hoành hành, một ấm nước sôi, một bát cơm anh cũng không muốn nhờ vả ai. Trong tháng chiến dịch truyền thông phòng chống AIDS năm đó, khi biết sức khỏe đã rất yếu, anh vẫn tham gia cùng đội văn nghệ đi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở khắp nơi và cặm cụi vẽ. Bây giờ, khi xem lại băng hình vở kịch "Tiếng nói nhân văn" mà anh cùng đội văn nghệ của trung tâm biểu diễn ở phường Thị Nại mới thấm thía sự nỗ lực bản thân của anh trong những ngày cuối đời. Sau khi đã hoàn thành 7 tập tranh vẽ lại cuộc đời mình như một lời nhắn gửi, anh ra đi.

Sức sống mãnh liệt ấy còn có Đội trưởng Đội văn nghệ Trương Quốc Hùng. Trước lúc mất vài ngày, anh Hùng vẫn say sưa hát những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vẫn cùng với nhóm nòng cốt đi tuyên truyền phòng chống HIV ở khắp nơi. Còn chị Lê Thị Nuôi, khi bệnh suy tim tái phát trở lại, tay chân chị không lúc nào được yên. Chị lao vào công việc say sưa như khi chị nghiện… ma túy vậy. Những hôm rất mệt, chị cũng cố đi lại trong phòng, không dám nằm vì sợ không còn dậy được nữa.

*. .. như những người đang sống

Một ngày của anh Đào Văn C. - một trong số 5 bệnh nhân AIDS đang sống ở TTGDLĐXH được bắt đầu bằng công việc quét dọn vệ sinh khuôn viên nơi ở, chăm sóc vườn rau và trông đàn gà. 45 tuổi, từng nghiện chích ma túy, hai lần vào trại cải tạo Nghĩa Điền, anh C. đã sống qua 9 năm ở khu nhà dành cho bệnh nhân AIDS của trung tâm. Trong nhóm nòng cốt của trung tâm, 9 năm qua, anh đã từng nhiều lần chứng kiến và đưa tiễn những người bạn của mình. Anh tâm sự: "Cứ mỗi lần như thế anh em chúng tôi lại se lòng. Và tự hứa cố gắng để làm sao quãng đời còn lại của mình càng trở nên có ích hơn". Hiện tại, anh là thành viên tích cực của nhóm nòng cốt.

Ông Trần Quốc Quyền, Phó Giám đốc TTGDLĐXH đúc kết: "Khi biết mình mắc căn bệnh này, nhiều người đã bị sốc. Nhưng một khi đã vượt qua, họ càng trân trọng hơn cuộc sống và càng mong muốn được làm điều có ích". Đó cũng là khát khao của chị L., một thành viên còn rất trẻ trong nhóm nòng cốt ở trung tâm. Chị L, 29 tuổi, bị nhiễm bệnh từ chồng. Để lại đứa con gái 6 tuổi cho bà ngoại nuôi, chị tự nguyện gắn thời gian còn lại của cuộc đời với những chuyến đi tuyên truyền về HIV/AIDS ở cộng đồng. Không còn oán giận người chồng nghiện ngập hay than thân trách phận như những ngày vừa mới vào trung tâm, mỗi ngày chị lại cùng đội văn nghệ tập luyện một bài hát hay, một điệu múa mới để đi tuyên truyền. "Đợt này, đội sẽ về huyện Hoài Nhơn để tuyên truyền. Tuy không về gần nhà nhưng như thế cũng đỡ nhớ quê. Chỉ sợ lúc đó lại run vì chưa bao giờ tôi đứng trước đám đông để kể về cuộc đời của mình" - chị cười pha chút lo lắng.

Như vậy đấy, có lẽ những anh Đức, anh Hùng, chị Nuôi, anh C... và cả những người từng nhiễm HIV/AIDS do nghiện chích trước khi phát hiện ra mình là nạn nhân của đại dịch thế kỷ, họ không hề nhận thấy chân lý giá trị của cuộc sống. Tiếc thay khi họ nhận ra chân lý của sự sống là được làm nhiều điều có ích cho xã hội thì cơ hội đã không còn dành cho họ được nhiều.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ xã: Bài toán đã có lời giải   (01/12/2004)
Tan trường và nỗi lo ùn tắc giao thông   (30/11/2004)
Phước Thắng "điểm nóng" về quản lý đất đai   (30/11/2004)
Những chuyển động tích cực trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn   (30/11/2004)
Những phụ nữ vươn lên thoát nghèo  (28/11/2004)
Xây dựng 5 đức tính của con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới  (26/11/2004)
Đa dạng dịch vụ truyền hình  (26/11/2004)
AIDS: Nỗi oan khiên của nhiều phụ nữ   (25/11/2004)
Những ghi nhận đầu tiên từ các trang web xã   (25/11/2004)
Hào hứng, sôi nổi cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng   (24/11/2004)
Nghị định 181 sẽ làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản   (24/11/2004)
Xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng đất   (24/11/2004)
Một già làng giàu uy tín   (23/11/2004)
Thu nhập của giáo viên: Cao hay thấp?   (23/11/2004)
Một người thầy yêu nghề   (23/11/2004)