Trẻ đánh giày và những giấc mơ
15:59', 9/12/ 2004 (GMT+7)

* Xoay theo dòng đời

Sáng cuối tuần tại quán cafe Sea View (Quy Nhơn), một cô bé ngồi bệt dưới đất cặm cụi đánh bóng những đôi giày. Một, hai, rồi ba đôi… tôi nhìn đồng hồ: gần 20 phút. Công việc kết thúc cũng là lúc cô bé nhận được 9.000 đồng. Cô bé có cái tên rất lạ Phan Thị Ari. Bố Ari là người Campuchia, hơn một tuổi Ari được mẹ đưa về Việt Nam. Trong đám trẻ đánh giày, Ari là đứa con gái duy nhất và là đứa duy nhất trong đám trẻ đánh giày tại Quy Nhơn còn đang đi học lớp 11 tại Trường PHPT Trần Cao Vân. "Cái gì nó cũng làm, bán bánh mì, bong bóng, đồ chơi, vé số. Tụi này gọi nó là pê-đê, vì con gái mà lại đi đánh giày!" - "đồng nghiệp" nam của Ari tiết lộ.

Đánh giày - cần nhất là sự khéo léo, nhanh nhẹn

Ở Quy Nhơn, đội quân đánh giày chỉ trên chục. Hầu hết ở tuổi choai choai, từ 13 - 18 tuổi, chủ yếu là dân Quy Nhơn. Hà ở xóm Hóc Bà Bếp (Đống Đa), Thủy, Huy ở xóm "Lò bò" (đường Bạch Đằng), Hải ở xóm Chuồng Gà (đường Nguyễn Thái Học). Chỉ vài người "ngoại thành" như Hiếu ở Đập Đá (An Nhơn), Trung (Thanh Hóa), An (Nghệ An)... Địa bàn hoạt động chủ yếu buổi sáng là các quán cà phê ở khu Sân Bay, dọc đường Phạm Hùng... Trưa, chiều chuyển sang các quán cơm, quán nhậu hoặc xuống cảng. "Đồ nghề" chỉ cần một bàn chải, vài miếng giẻ và một hộp xi Thái Lan chừng 11.000 đồng. Một số trẻ còn kiêm cả bán vé số hoặc bán báo.

* Mánh lới trong nghề

Thấy tôi vừa cởi đôi giày ra đưa cho một cậu bé, chị chủ quán cà phê Khánh Mỹ cảnh báo: "Em hỏi giá trước chưa, coi chừng bị chặt đẹp đó". Chừng như không yên tâm, chị còn ra cổng hỏi lại bọn trẻ: "Bao nhiêu?"- "Dạ 3.000 đồng". "Hôm trước khách vào quán, bọn nó cũng mời đánh giày. Xong rồi hỏi tiền công, bọn nó hét 18.000 đồng. Phải hỏi lại cẩn thận mới được" - chị chủ quán kể chuyện. Bàn bên kia, một anh thanh niên cũng góp thêm vào: "Hôm trước, em còn bị "đẫn" tới 20.000 đồng…".

Thật ra công đánh giày chỉ 3.000 đồng nhưng một số "thợ" lợi dụng khách sơ hở không hỏi tiền trước đã hét giá cao ngất. Hải, vẻ lanh nhất bọn, kể: "Em với một thằng nữa là hai đứa nghĩ ra chiêu dán một ít keo con voi rồi chặt đẹp 30.000-40.000 đồng đầu tiên". Gặp đôi giày hở keo, há mỏ, Hải đề nghị dán lại. Khách OK, chỉ tốn một ít keo con voi, vậy là có thể ung dung đòi… 30.000 đồng. Nhưng khách nếu chỉ cần hỏi lại "Hai chục được không?" thì cũng ừ. Có đứa ra "chiêu" láu cá hơn: khách đưa tờ tiền chẵn, không có tiền thối lại nên bảo khách chờ để mình đi đổi rồi "lặn" một hơi.

Mỗi ngày thợ đánh giày có thể kiếm trung bình 20.000 - 30.000 đồng, gặp bữa "trúng mánh" có thể nhiều hơn. Trừ mọi chi phí cơm trưa, giải trí... các em đưa về cho gia đình 15.000-20.000 đồng. Huy nói như khoe: "Em đi làm một năm đã tự mua được xe đạp rồi". Nghe kể, người kiếm tiền nhiều nhất chính là Hiếu quê ở Đập Đá. Hiếu có biệt danh là Hiếu "đĩ" vì khéo miệng mời khách, tài nghệ cũng vào hạng "cao thủ". Bởi vậy cậu có rất nhiều khách quen. Một ngày có thể kiếm được 100.000-200.000 đồng, thậm chí còn có thể nhiều hơn nữa. "Chỉ trong buổi sáng nó có thể làm đến mười mấy đôi. Bọn em đi cả ngày có khi cũng chẳng bằng nó làm buổi sáng" - Thủy nói, vẻ khâm phục.

Hút thuốc, đánh bài, chơi games là thú tiêu khiển hàng ngày của đám trẻ đánh giày. "Dân đánh giày, thằng nào cũng hút thuốc như sâu. Có thằng một ngày đốt gần 2 gói. Môi cứ thâm xịt" - Ari tiết lộ. "Như em đây, trước đâu có chơi, bạn bè nó rủ rê, giờ ghiền riết rồi. Món nào cũng rành" - Tèo tâm sự.

* Trong những giấc mơ

"Em tính, làm hết năm nay rồi đi học sửa xe Honda. Bây giờ nhiều người đi xe máy" - Huy ngồi vẽ ra tương lai của mình. Tháng trước, hai cha con Huy đã đến xin ông chủ tiệm xin học nghề sửa xe, "ông chủ đòi tới hai chỉ lận, ba em năn nỉ quá ổng hạ xuống còn một chỉ". Bây giờ điều duy nhất khiến nó lo lắng nhất là thân hình quá còi của mình. 14 tuổi mà cái quần từ hồi lớp 5 mặc vẫn vừa. Bên này, thằng Hải đang sôi nổi bàn chuyện với Tèo, cả hai đang rủ nhau bữa nào xuống xóm Chuồng Gà xin học nghề làm giày dép. Dẫu sao, nghề này chúng cũng đã biết sơ sơ rồi.

Trong những giấc mơ, Hiếu mong tìm lại được ba của mình. Bởi vậy, từ Đập Đá nó xuống Quy Nhơn đánh giày chỉ với mục đích để tìm ba ruột đang sống đâu đó ở Quy Nhơn như lời má nó kể. Một người đàn ông nào đó nhận vơ là cha của Hiếu. Suốt ngày nó đi đánh giày, bán báo, vé số, được bao nhiêu đều gom góp đưa cho "cha". Mấy năm trời số tiền Hiếu kiếm dễ đến gần chục triệu bạc. Vợ chồng ông ta chẳng cần làm gì, ung dung đánh bài bằng tiền đứa con "hờ". Một hôm, chắc vì lương tâm cắn rứt, ông ta mới tiết lộ cho Hiếu mình không phải là cha ruột của cậu. Nghe xong, Hiếu chỉ biết khóc. Số tiền gần chục triệu cậu đã đưa, người "mẹ ghẻ hờ" hứa sẽ bán nhà trả lại, nhưng cuối cùng chỉ đưa cho cậu được hai triệu bạc. Sau đận đó, Hiếu về quê, không trở lại Quy Nhơn, giấc mơ tìm cha tan vỡ.

Còn Ari thì mong ước đến cháy bỏng là thi đậu đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3. Suốt những năm học lớp 8, 9,10 tiền học phí là do cô bé tự kiếm được. "Chỉ có học lên mới đỡ nghèo khổ thôi" - Ari nói. "Nhưng lấy gì mà sống, rồi đóng học phí". "Thì bán bóng bay, vé số. Nghe nói, bán bóng bay ở Sài Gòn được lắm. Miễn là thi đậu, lo gì không kiếm được việc. Bé làm quen rồi" - Ari cười hồn hậu.

Ừ, biết đâu được, nay mai, khi gặp lại, Huy đã là chủ tiệm sửa xe, còn Ari là một cô giáo. Một phép màu nào đó sẽ đưa Hiếu đến gặp cha ruột của mình… Biết đâu trên đường đời, tôi tự nhủ.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tư nhân thu gom rác: Tại sao không?   (09/12/2004)
Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh 2004: Hiếu "chí mén"   (08/12/2004)
Để tăng cường nguồn lực cho Đảng   (08/12/2004)
Anh bảo vệ không ham của rơi  (07/12/2004)
Giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ: Cần chú trọng và thiết thực  (07/12/2004)
Một đảng viên xung kích trên hai "mặt trận"  (06/12/2004)
Bộ đội Cụ Hồ thắp sáng niềm tin   (05/12/2004)
Niềm vui của ông Cử  (03/12/2004)
Cuộc gặp mặt cảm động của những cựu chiến binh   (03/12/2004)
Những ngôi nhà tình nghĩa ở Vĩnh Thạnh   (02/12/2004)
Đến với những con tàu Thanh niên   (02/12/2004)
Bệnh nhân AIDS ở Trung tâm GDLĐXH: Cuộc sống không hề ngưng đọng   (01/12/2004)
Nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ xã: Bài toán đã có lời giải   (01/12/2004)
Tan trường và nỗi lo ùn tắc giao thông   (30/11/2004)
Phước Thắng "điểm nóng" về quản lý đất đai   (30/11/2004)