Ra đời từ tháng 7-2001 theo nhu cầu thực tế và xu hướng xã hội hóa y tế, BVĐK tư nhân Hòa Bình đã ra đời. Đây là mô hình bệnh viện (BV) tư nhân đầu tiên ở Bình Định. Sau 3 năm hoạt động, BV này đã có những phát triển tích cực nhưng vẫn chưa thu hút nhiều bệnh nhân.
* Mô hình mới
|
BVĐK tư nhân Hòa Bình chỉ sử dụng hết công suất của tầng trệt và tầng 1 |
Tháng 7-2001, phòng khám tư nhân Hòa Bình ra đời và đến năm 2002 BVĐK tư nhân Hòa Bình chính thức đi vào hoạt động. Ngay khi thành lập, BV đã kiện toàn cơ cấu quản lý với Hội đồng quản trị gồm 7 thành viên và các ban chức năng. Theo kế hoạch, nguồn vốn góp ban đầu của BV là 10 tỉ đồng (được chia thành 3 đợt huy động).
Vốn kế thừa từ một khách sạn cũ (Hòa Bình), BV đã bỏ ra kinh phí gần 2 tỉ đồng để nâng cấp lại các hạng mục: điện, nước máy, công trình vệ sinh, cống rãnh thoát nước. UBND tỉnh cũng tạo điều kiện để BV vay từ Quỹ Đầu tư-phát triển 1 tỉ đồng (không tính lãi trong 4 năm) để mua trang thiết bị, đầu tư máy móc và một số thiết bị y tế hiện đại khác. Hiện tại, nhiều loại máy móc, trang thiết bị đã được đưa vào phục vụ. BV có quy mô trên 100 giường bệnh với 3 liên khoa: Nội, Ngoại và Cận lâm sàng.
* Vẫn chưa thu hút mạnh bệnh nhân
Tuy là mô hình BV mới nhưng trong 3 năm, BV mới thực hiện được 27 ca phẫu thuật trung phẫu và 14 ca phẫu thuật đại phẫu. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại BV cũng rất ít. Trong 5 tháng đầu năm 2001, BV chỉ có 32 bệnh nhân; năm 2002 có 385 bệnh nhân; năm 2003 có 651 bệnh nhân và đến thời điểm hiện nay của năm 2004 có 778 bệnh nhân. Ngoài số phòng bệnh ở tầng trệt và tầng 1 được sử dụng hết công suất, các tầng còn lại tạm thời sử dụng vào mục đích khác hay phải… bỏ trống. Để thu hút thêm người bệnh, từ tháng 3-2004, BV đã ký kết hợp đồng với BHXH tỉnh triển khai thêm hình thức khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Theo quy định, BHXH chỉ trả 5.000 đồng/người (bao gồm cả tiền nằm và công chăm sóc) trong khi thực tế BV thu 20.000 đồng với bệnh nhân khác.
Trên thực tế, dù đã được tạo nền tảng và đầu tư khá nhiều, nhưng các điều kiện để phát triển mô hình BV tư nhân ở BVĐK tư nhân Hòa Bình vẫn chưa thật sự ngang tầm. Dù đã triển khai nhiều loại máy móc nhưng BV vẫn còn thiếu nhiều trang thiết bị hiện đại. Chỉ tính riêng ở khoa Cận lâm sàng, các loại thiết bị cần thiết để triển khai kỹ thuật cao như máy CT chụp cắt lớp vẫn chưa có. Trong khi đó, khu hậu phẫu với các loại máy móc, bàn mổ kinh phí hàng trăm triệu đồng vẫn hoạt động rất ít.
* Thiếu hụt quan trọng nhất là nhân lực
|
Trang bị máy siêu âm hiện đại Siemen của Đức |
Một trong những mục đích của BV ngoài công lập là làm cơ sở ứng dụng, phát triển thành tựu y học cao để phục vụ cho nhu cầu của người dân. Do đó, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, yêu cầu cạnh tranh đòi hỏi BV phải có nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao. Ngay khi lập kế hoạch thành lập BV, Ban sáng lập cũng đồng thời thu nhận, cử đi đào tạo thực hành cho 70 điều dưỡng, kỹ thuật viên ở BVĐK tỉnh và Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn; giới thiệu hơn 20 bác sĩ (BS) đa khoa đi học chuyên khoa sơ bộ ở các BV của TP. HCM, Hà Nội và Huế. Tuy nhiên, đến thời hạn quay về chỉ còn… 1/3 số người, số còn lại bỏ đi tìm việc khác. Trong 3 năm qua, cán bộ ở BV, nhất là BS vẫn thường xuyên bỏ việc. Đáng lo hơn, đến nay số BS còn lại, đặc biệt là BS trẻ cũng chưa thật sự yên tâm công tác. Trong số 45 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại BV có 14 BS (2 BS chuyên khoa II, 3 BS chuyên khoa I, 2 BS học chuyên khoa I) thì đã có 4 BS về hưu, tuổi tác khá cao, 4 BS mới ra trường.
BS Lê Văn Đại, Giám đốc BV giải thích: "Hiện nay, tư tưởng thích công bỏ tư đang diễn ra ở cả lớp trẻ lẫn cán bộ đã về hưu. Nhiều BS trẻ chưa có việc làm vẫn chỉ thích làm ở BV công chứ nhất định không làm cho BV tư nhân. Bên cạnh đó, mức thu nhập chênh lệch giữa BV tư nhân ở tỉnh lẻ và các thành phố lớn đã làm mất khá nhiều chất xám của tỉnh, nhất là trong ngành y". Được biết, UBND tỉnh cũng đã từng có một chính sách rất ưu ái cho BV khi quy định cán bộ nhân viên đang hợp đồng tại BVĐK Hòa Bình không được thi tuyển công chức. Hiện tại, để triển khai các ca phẫu thuật, BV đã ký hợp đồng mời 2 đoàn BS ở BV 108 và BV 103 thuộc Bộ Quốc phòng; 3 đoàn BS phẫu thuật chỉnh hình ở BV Chấn thương-chỉnh hình TP HCM. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Sau 3 năm đầu khó khăn, liên tục thua lỗ (năm 2001 lỗ 60 triệu đồng, năm 2002 lỗ 34 triệu đồng, năm 2003 lỗ 36 triệu đồng), 9 tháng đầu năm nay BV đã có lãi chung 102 triệu đồng. Tuy nhiên, trong xu hướng xã hội hóa y tế, mô hình BVĐK tư nhân Hòa Bình là một nỗ lực đáng ghi nhận.
. Lê Thu Hiền
BS Hồ Việt Mỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế: Hiện nay, ở bất kỳ một địa phương nào cũng có tình trạng quá tải ở các BV công. Ngành y tế đang phục vụ rất nhiều đối tượng, có cả những người... có tiền. Họ có quyền dùng tiền của mình để lựa chọn loại hình y tế phù hợp. Do đó, việc triển khai BV ngoài công lập ở Bình Định như BVĐK Hòa Bình để phục vụ theo yêu cầu của khách hàng là cần thiết. Tuy nhiên, đối với một tỉnh lẻ như Bình Định, việc phát triển một BV ngoài công lập là rất khó. Trong đó, việc thu hút, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trẻ, nâng cao chất lượng chuyên môn vượt trội đòi hỏi phải có thời gian và con người. Hiện nay, thực trạng chảy máu chất xám đang diễn ra ở nhiều đơn vị y tế trong tỉnh chứ không chỉ ở BV tư nhân. Nhưng vấn đề cốt lõi là BVĐK tư nhân Hòa Bình phải biết cách tạo nên sức hút, có nghĩa là phải có chế độ lương bổng thỏa đáng và cả điều kiện làm việc cho BS trẻ. |