Đường vào làng Hà Ri thuộc xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh đã được bê tông hóa từ đầu làng đến cuối làng. Hai bên đường, những ngôi nhà ngói được xây dựng hiện đại không kém gì người Kinh (thậm chí có cái còn đẹp hơn) lần lượt hiện ra trong tầm mắt. Trước cổng làng, nơi có cây đa hàng trăm tuổi tỏa bóng mát cả vùng, một sân chơi cho trẻ con đã được dựng nên. Hà Ri hôm nay, cuộc sống đã thực sự lên màu.
* Làng chỉ còn 12 hộ nghèo
|
Nhà của một người dân trong làng |
Cơn mưa cuối năm nho nhỏ, vừa đủ để rửa sạch con đường bê tông của làng dài trên hai cây số. Buổi sáng, cả làng vắng hoe, chỉ có mấy người già ở nhà trông cháu và bọn trẻ đang ngồi xem chương trình bông hoa nhỏ trên kênh VTV3. Tôi vào một ngôi nhà gần nơi đầu làng, "Ba má đi làm hết rồi. Chỉ có cháu ở nhà thôi." - đứa bé chừng 12 tuổi nói chuyện, mắt vẫn liếc xem ti vi. Căn nhà rộng gần trăm thước vuông, lát gạch men sáng bóng, phía bên ngoài được ốp lát rất đẹp. "Ở dưới xuôi, nhiều gia đình chẳng được như thế", tôi thầm nhủ. Chả vậy mà trước khi tôi lên đây, ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, thông báo vớivẻ tự hào: "Hà Ri là một một trong những thôn giàu nhất xã Vĩnh Hiệp, mà có khi còn nhất cả huyện Vĩnh Thạnh này ấy chứ. Hà Ri đã được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh".
Những căn nhà ngói mới xây dựng hiện đại như ở dưới xuôi lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi. Hầu như nhà nào cũng đóng cửa. "Giờ này, thanh niên trai tráng trong làng đã đi lên rẫy hết rồi. Trưa chúng mới về. Hôm nay, ta phải trông cháu chứ không ta cũng đi lên vườn đào rồi" - bá Thạch, Bí thư Chi bộ làng Hà Ri giải thích.
Nói đến đào, năm nay, Hà Ri "trúng đậm" cả về số lượng lẫn giá cả. Cả làng có 250 ha đào, trong đó 150 ha cho quả, thu hoạch được 75 tấn. Tư thương đến tận từng nhà thu mua đào tươi với giá 11.000 đồng/kg. Có nhà như bá Cường năm nay thu không dưới 40 triệu đồng từ khoản bán đào. Mắt bá Thạch lấp lánh niềm vui: "Kết quả từ sức mạnh đoàn kết đấy". Những năm 2001 trở về trước, làng đã trồng đến 150 ha đào. Trồng nhiều vậy nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu vì cây đào chẳng khác gì cây rừng, không người chăm bón. Cuối năm họp làng lại tìm hiểu nguyên do. Thì ra, vườn đào của mỗi nhà quá rộng, vườn rộng nhất đến 2 ha, ít nhất cũng 5-6 sào, sức một nhà làm không xuể nên cứ để cỏ dại mọc đầy. Làng lập ra 3 tổ đoàn kết trong 3 xóm, trong mỗi xóm lại chia ra 7-8 tổ nhỏ. Các hộ trong tổ cứ thay phiên làm đổi công cho nhau. Hết công việc của nhà này rồi đến việc của nhà khác, vừa nhanh mà chẳng mất nhiều công. Kết quả đem lại thấy rõ: năm 2002, cả làng thu hoạch được 60 tấn đào, 2004: 75 tấn. Phát huy kết quả đó, bây giờ mọi việc trong làng đều áp dụng theo phương thức vần đổi công.
Ngoài cây đào, Hà Ri hiện có 15 ha ruộng trồng lúa nước 3 vụ và gần 100% hộ đều đào ao thả cá. Hiện tại, có khoảng 30 hộ sắm được xe máy, 40-50 nhà có ti vi. Thu nhập bình quân đầu người của cả làng đạt mức 5 triệu đồng/người/năm, chưa kể đến các khoản thu phụ khác như chuối, dứa, đu đủ... Kết quả điều tra hộ đói, nghèo trong làng năm 2004 cho thấy, chỉ có 12/103 hộ trong làng còn thuộc diện nghèo, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của các làng dân tộc thiểu số khác trong tỉnh.
* Nơi cuộc sống lên màu
|
Trẻ em Hà Ri đến trường |
Men theo đường làng, chúng tôi ngược lên nhà bá Hoàng, một trong những hộ còn nghèo trong làng. Bá Hoàng mới xây lại nhà mới, khang trang hơn. Những bao thóc chất đầy buồng, chưa phơi được vì mấy ngày nay trời cứ mưa sập sùi. Nói về cơ ngơi của mình, bá Hoàng khiêm tốn: "Nhà mình thuộc hạng nghèo nhất làng mà. Chỉ có 4 con bò, gần 1 ha đào chưa cho quả, chẳng bằng ai đâu". Vậy mà khi nói đến sự học của các con, bá Hoàng không giấu nỗi niềm tự hào: "Bốn đứa con, đứa nào cũng đi học cả. Thằng lớn học trường thiếu sinh quân ở Gia Lai, hai đứa nhỏ học trường Nội trú huyện, chỉ có thằng nhỏ ở nhà với vợ chồng mình thôi. Mà thằng lớn ấy à, cả làng chỉ có mình nó được học trường đấy thôi. Còn xét về sức khỏe, kết quả học tập nữa mà, nghe đâu cũng khó lắm". Dường như tất cả niềm hy vọng về một tương lai xán lạn hơn, giàu có hơn bá Hoàng đều gởi gắm vào sự học tập của các con.
Từ năm 2001, Hà Ri đã được tỉnh công nhận là làng văn hóa. Và đó cũng chính là động lực để người làng Hà Ri gắng sức lao động, thay đổi cách làm, cách nghĩ để cuộc sống của mình ngày càng no đủ hơn, làng giàu hơn xưa. Làng đã xây dựng được nghĩa trang riêng của làng, người chết được chôn trong nghĩa trang thay vì chôn trong rừng, rồi bỏ mả như trước. Việc vui chơi, học hành của con trẻ trong làng đã được quan tâm hơn. Làng có hẳn một sân chơi thiếu nhi ngay trước cổng làng với những cầu trượt, đu quay...
Gặp một phụ nữ xinh xắn đang bế con đứng trước nhà ở đầu làng, tôi dừng lại hỏi chuyện. "Mình tên là Đinh Thị H' Lớn, 26 tuổi. Năm 1999 lấy chồng, mới có cháu nhỏ này thôi. Cái nhà này mình mua năm ngoái 20 triệu đồng". "Sao không đẻ thêm nữa. Cháu lớn rồi còn gì?" - tôi hỏi. "Sợ khổ lắm. Đứa đầu phải cách đứa sau 5 năm, cán bộ tuyên truyền dân số đã dặn vậy rồi mà" -cô hồn nhiên trả lời.
Dọc đường trở về tôi gặp nhiều trẻ con của làng tan học trong đồng phục áo trắng, quần thun xanh đang tíu tít nói cười... Trông chúng thật khỏe mạnh, tươi vui. Rồi mai đây, sự đổi thay, phát triển của Hà Ri sẽ do lớp trẻ này kế tục và phát huy.
. Thu Hà |