Ngày đầu tiên Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X:
Thông qua các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh và các ngành
8:49', 14/12/ 2004 (GMT+7)

Như báo Bình Định đã đưa tin, hôm qua (13-12), tại Hội trường Nhà khách Thanh Bình (thành phố Quy Nhơn), HĐND tỉnh khóa X đã khai mạc Kỳ họp thứ 3. Dưới đây là ghi nhận của Báo Bình Định về ngày đầu tiên của kỳ họp.

Sau diễn văn khai mạc của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐND tỉnh, trọn ngày hôm qua, các đại biểu họp tại Hội trường để nghe và thông qua các báo cáo, đề án, tờ trình khác của UBND tỉnh và các ngành liên quan.

Quang cảnh kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng năm 2004 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2005 do Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà trình bày, nhấn mạnh những kết quả chủ yếu đạt được năm 2004 và khẳng định: năm qua, tình hình kinh tế - xã hội Bình Định tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách nội địa đạt khá, các lĩnh vực xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ. Chủ tịch cũng nêu lên 7 nhóm vấn đề vẫn còn tồn tại, yếu kém. Đáng chú ý là một số chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết HĐND tỉnh, tỉ trọng dịch vụ trong GDP giảm so với năm 2003... Về nhiệm vụ năm 2005, mục tiêu đặt ra là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương phải đạt từ 11 - 11,5% so với năm 2004.

Đáng chú ý trong các tờ trình, đề án của UBND tỉnh là Tờ trình Về việc xây dựng, ban hành và sửa đổi, bổ sung một số loại phí trên địa bàn tỉnh. Trong đó, về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, mức thu được đề nghị là 100 đồng/m3 nước sử dụng đối với hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt và 200 đồng/ m3 đối với các đối tượng còn lại. Mức thu trên áp dụng cho các đối tượng tại thành phố Quy Nhơn và thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước). Cũng theo tờ trình này, phí đấu giá đất sẽ được sửa đổi, bổ sung với mức thu: 250.000 đồng/tổ chức, cá nhân/lần (lô đất có giá khởi điểm từ 500 triệu đồng trở xuống); 500.000 đồng/lần (lô đất có giá khởi điểm từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng); 800.000 đồng/lần (lô đất có giá khởi điểm từ trên 1 tỉ đồng đến 2 tỉ đồng) và 1 triệu đồng/lần (lô đất có giá khởi điểm trên 2 tỉ đồng).

Việc điều chỉnh mức thu học phí cũng là một vấn đề được quan tâm. Theo kế hoạch điều chỉnh mức thu học phí của Sở GD-ĐT tỉnh, thời gian qua, việc đầu tư ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục hàng năm có tăng, song không đáp ứng với số lượng học sinh tăng nhanh (khoảng từ 10.000 đến 15.000 học sinh/năm với cấp THCS và THPT) nên thực tế định mức cho ngân sách nhà nước trên học sinh không tăng. UBND tỉnh đã cho phép ngành GD-ĐT thực hiện thu tiền học phí, quỹ xây dựng trường học và điều chỉnh học phí bán công nhằm bổ sung cho ngân sách sự nghiệp giáo dục nhưng từ năm học 2004-2005 mức thu này không còn phù hợp so với tình hình thực tế. Mức thu học phí của Bình Định so với các tỉnh duyên hải miền Trung còn thấp và nếu so với mức thu tối đa Chính phủ cho phép thì chỉ mới đạt bình quân 60%. Do đó, theo văn bản này, việc điều chỉnh mức thu tiền học phí từ năm học 2004-2005 trở đi là cần thiết.

Mức thu học phí được điều chỉnh theo nguyên tắc không vượt quá khung thu học phí do Chính phủ quy định. Với mức thu học phí với các ngành học mầm non công lập chỉ bổ sung mức thu cho các xã đảo của thành phố Quy Nhơn vào vùng miền núi thấp. Với các trường bán công, mức thu tăng được tính bằng: (mức thu đang thực hiện x 31%)/9 tháng x 85%. Với các Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp, mức thu điều chỉnh được tính toán trên cơ sở đảm bảo các khoản chi và bổ sung một phần kinh phí hoạt động (không tính phần chênh lệch tăng lương).

Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng mức đề nghị tăng như trong Tờ trình của UBND tỉnh là phù hợp, tuy nhiên đề nghị không điều chỉnh mức thu học phí với các Trung tâm Kỹ thuật - Hướng nghiệp - Dạy nghề và bổ sung thêm đối tượng là học viên bổ túc văn hóa, học sinh hệ B trong trường công lập.

Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra cho biết: qua khảo sát của Ban về tình hình thu và sử dụng học phí và các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh ở một số trường THPT trong tỉnh cho thấy, số học sinh bỏ học từ lớp đầu cấp đến lớp cuối cấp THPT, chủ yếu là các trường bán công nhất là ở khu vực nông thôn còn cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng được đề cập nhiều nhất là lý do các khoản thu của nhà trường quá nhiều, trong khi đó tỉ lệ hộ gia đình có thu nhập, khó khăn còn cao nên phụ huynh khó kham nổi việc cho con em đi học. Bình quân một học sinh THPT bán công ở khu vực vùng núi thấp phải nộp từ 109.000 đến 132.889 đồng/tháng; khu vực đồng bằng, thành phố khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng/tháng.

Do vậy, theo Ban Văn hóa - Xã hội, UBND tỉnh nên chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn mức thu tối đa cho tất cả các môn học thêm do nhà trường tổ chức với học sinh cấp THPT như sau: khu vực thành phố thực hiện mức thu tối đa không quá 60.000 đồng/học sinh/tháng tùy theo khối lớp; khu vực đồng bằng thực hiện mức thu tối đa không quá 40.000 đồng/học sinh/tháng và khu vực miền núi thấp thực hiện mức thu tối đa không quá 20.000 đồng/tháng.

Hôm nay (14-12), các đại biểu thảo luận ở tổ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2004 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2005.

. Lê Viết Thọ

 

Mức thu học phí điều chỉnh theo Tờ trình của UBND tỉnh

I. Hệ công lập:

1. Mầm non: mức 1 - 30.000, mức 2 - 12.000, mức 3 - 9.000 đồng/học sinh/tháng.

2. THCS: 20.000, 10.000, 8.000 đồng/học sinh/tháng.

3. THPT: 35.000, 25.000, 15.000 đồng/học sinh/tháng.

4. Trung tâm Kỹ thuật Hướng nghiệp - Dạy nghề:

- THCS: 12.000, 8.000 và 5.000 đồng/học sinh/tháng.

- THPT: 15.000, 10.000 và 8.000 đồng/học sinh/tháng.

II. Hệ bán công THPT:

120.000, 100.000, 80.000 đồng/học sinh/tháng.

(Trong đó, mức 1 áp dụng cho Quy Nhơn, mức 2 áp dụng cho vùng đồng bằng và trung du, mức 3 áp dụng cho vùng miền núi thấp).

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
LLVT Bình Định: Đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi Quân khu  (13/12/2004)
Để nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn   (13/12/2004)
Hà Ri - nơi cuộc sống mới lên màu  (12/12/2004)
BVĐK tư nhân Hòa Bình: Vì sao chưa thu hút mạnh bệnh nhân?   (10/12/2004)
Chiếc xích lô và tấm lòng của Công an phường Lê Lợi   (10/12/2004)
Trẻ đánh giày và những giấc mơ  (09/12/2004)
Tư nhân thu gom rác: Tại sao không?   (09/12/2004)
Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh 2004: Hiếu "chí mén"   (08/12/2004)
Để tăng cường nguồn lực cho Đảng   (08/12/2004)
Anh bảo vệ không ham của rơi  (07/12/2004)
Giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ: Cần chú trọng và thiết thực  (07/12/2004)
Một đảng viên xung kích trên hai "mặt trận"  (06/12/2004)
Bộ đội Cụ Hồ thắp sáng niềm tin   (05/12/2004)
Niềm vui của ông Cử  (03/12/2004)
Cuộc gặp mặt cảm động của những cựu chiến binh   (03/12/2004)