Hôm qua (14-12), ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận ở tổ về đánh giá tình hình kinh tế- xã hội năm 2004, phương hướng, nhiệm vụ năm 2005 và các tờ trình của UBND tỉnh…
* Những vấn đề nóng
|
Các đại biểu thảo luận ở tổ |
Đa số ý kiến của các đại biểu đều tỏ ra thống nhất đánh giá, tình hình năm 2004 mặc dù là năm nền kinh tế tỉnh nhà tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng những kết quả đã đạt được như vậy là khả quan. Đây là năm có tốc độ tăng cao nhất trong 4 năm qua.
Tuy nhiên, có ý kiến tỏ ra băn khoăn, Tuy Phước và An Nhơn là hai huyện sản xuất nông nghiệp chính của tỉnh nhưng sản xuất nông nghiệp đều gặp khó khăn, vậy tốc độ tăng của ngành nông nghiệp năm 2004 là 6,9% có thực chất không? Số vụ tai nạn giao thông, số liệu báo cáo của hai ngành công an và kiểm sát chênh lệch nhau khá xa, vậy đâu là số liệu chính xác?
Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề đang đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp tháo gỡ. Liên quan đến việc phát triển đàn bò sữa, theo ĐB Mai Thanh Thắng (Tuy Phước) cần chú ý cả từ khâu giống đến kỹ thuật chăm sóc, trình độ chăn nuôi. Bên cạnh đó, trong nông nghiệp vẫn chưa có sự đột biến về năng suất cây trồng, vật nuôi.
Ngoài ra, còn không ít vấn đề tồn tại kéo dài nhưng chậm được khắc phục. Trong đó, vấn đề được nói đến nhiều là tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp. ĐB Trần Kim Hùng (Tuy Phước) cho rằng việc thanh tra, kiểm tra xử lý môi trường thời gian qua như vậy là chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, có ĐB đặt câu hỏi: cứ nói giải tỏa mặt bằng chậm, doanh nghiệp chờ mặt bằng nhưng vấn đề là phải trả lời câu hỏi: vì sao chậm, ai chịu trách nhiệm?
Chất lượng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch bệnh kéo dài như dịch tôm, bọ dừa… cũng là vấn đề cần được quan tâm. Về chất lượng các công trình xây dựng hạ tầng, ĐB Huỳnh Thị Thu Cúc (Vân Canh) đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đầu tư và thiết kế các công trình xây dựng cơ bản. Trong vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông, ĐB Lê Thanh Long (Tuy Phước) cho rằng, chúng ta mới chú trọng đến các giải pháp kiểm tra, xử lý người vi phạm mà chưa chú ý đến các giải pháp đồng bộ khác như tuyên truyền, xây dựng hệ thống tín hiệu giao thông…
* Năm 2005: làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng 11% -11,5%
Mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương đặt ra năm 2005 là 11% đến 11,5%. Về các giải pháp, ĐB Phạm Minh Dựng (An Lão) đề nghị phát triển vùng nguyên liệu dứa cần chú trọng giao diện tích cho doanh nghiệp trồng, khi mà việc trồng phân tán trong dân đang gặp khó khăn. ĐB Nguyễn An Điềm (Phù Cát) cho rằng việc cổ phần hóa cần được tập trung giải quyết một cách tích cực hơn.
Có ý kiến đề nghị trong xây dựng cơ bản, cần tập trung đầu tư dứt điểm các dự án trọng điểm, tránh dàn trải, hiệu quả thấp và tiến hành phân cấp đầu tư. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà, tại buổi thảo luận sáng qua tại tổ 2, cho biết: "Tỉnh sẵn sàng phân cấp nhưng các huyện phải chuẩn bị đủ các điều kiện về nhân lực, thi công".
Liên quan đến vấn đề con người, ĐB Nguyễn Ngọc Trợ (Phù Cát) cho rằng: "Báo cáo năm nào cũng nêu nguyên nhân của những yếu kém là do năng lực và trách nhiệm của một số thủ trưởng sở, ban, ngành, địa phương còn yếu, thiếu năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện… Vấn đề là cần xác định rõ yếu kém thì yếu kém đến đâu? Giải quyết như thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai?… Trả lời được những câu hỏi đó thì mới có thể thay đổi được gốc rễ của vấn đề".
Trong phiên họp chiều qua, cũng có nhiều ý kiến thảo luận quanh tờ trình về việc bổ sung, điều chỉnh các loại phí, lệ phí của UBND tỉnh, nhất là việc tăng học phí. Nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với việc tăng học phí theo Tờ trình này, cũng như đề nghị của Ban Văn hóa - Xã hội tăng học phí hệ B trường công lập bằng với trường bán công, nhưng đề nghị không tăng với hệ bổ túc văn hóa. "Tăng học phí nhưng các khoản nộp khác như lệ phí xét tuyển, lệ phí thi tốt nghiệp… được bỏ và nếu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn mức thu tối đa tất cả các môn học thêm thì sự đóng góp của học sinh không tăng" - ĐB Nguyễn Thanh Hòa (Quy Nhơn) nói.
. Viết Thọ - Quỳnh Hoa
Ý kiến đại biểu
* Ông Mai Thanh Thắng (Đại biểu huyện Tuy Phước): Cần định ra chương trình giải quyết những tồn tại kéo dài: Thời gian tới, theo tôi, với những bức xúc kéo dài, người dân kêu ca nhiều, chúng ta cần định ra một chương trình để giải quyết. Trong chương trình này, xác định những gì còn tồn tại cần giải quyết, những giải pháp cụ thể và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân cụ thể phải giải quyết.
* Ông Võ Thành Tiên (Đại biểu huyện Phù Mỹ): Cấp 1 hóa giống lúa đạt 85-90% là con số thực tế: Cấp 1 hóa giống lúa từ 85-90% là thực tế chứ không phải là con số báo cáo. Nhưng việc tăng năng suất của cây trồng không thể đột biến mà phải từ từ, phải có bước đệm. Hơn nữa, đưa giống không chưa đủ mà song song với nó là huấn luyện người dân, chuyển giao kỹ thuật canh tác. Thêm vào đó, nếu không bảo đảm thủy lợi thì năng suất sẽ ảnh hưởng. Năng suất tăng chậm còn do 2 năm gần đây vật tư nông nghiệp tăng cao, người dân giảm đầu tư. Cũng cần nói thêm rằng, với điều kiện thời tiết khó khăn như năm 2004 mà năng suất tăng 1 tạ/ha là kết quả khá chứ không phải là thấp.
* Ông Nguyễn An Điềm (Đại biểu huyện Phù Cát): Phải đánh giá cái được, cái mất của việc khai thác gỗ rừng tự nhiên: Trong báo cáo chỉ nói đến trồng mới mà không nói đến chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên nên không thể xác định hiện trạng và độ che phủ rừng một cách chính xác. Những năm gần đây, tỉnh ta khai thác hàng năm khoảng 6.000 - 8.000m3 gỗ tròn chính phẩm tương ứng với số lượng lớn ha rừng tự nhiên bị khai thác. Giá trị bảo vệ môi trường của 1 ha rừng tự nhiên chắc chắn lớn hơn nhiều so với rừng trồng. Vậy tại sao không đánh giá nó để thấy được cái được, cái mất của việc khai thác gỗ rừng tự nhiên hàng năm ra sao?
|