Quy hoạch cán bộ (QHCB) là một trong những công tác quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng. Kết luận của Hội nghị lần thứ 6, BCHTƯ Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII; Nghị quyết Trung ương 7, khóa VIII về công tác tổ chức và cán bộ đã nêu rõ: "Tăng cường công tác QHCB lãnh đạo và quản lý trẻ có thành tích xuất sắc, những cán bộ xuất thân công nhân, con em công nông, gia đình có công với cách mạng, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Trên cơ sở quy hoạch, đẩy mạnh việc đào tạo, đào tạo lại cán bộ theo chức danh và cán bộ dự nguồn".
Thực hiện chủ trương của Trung ương, thời gian qua công tác QHCB đã được các cấp ủy Đảng Bình Định quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt được kết quả bước đầu. Đến nay đã cơ bản hoàn thành QHCB A1,A2, đang tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch A3. Công tác QHCB nhìn chung đã được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai; bước đầu thực hiện phương châm "động" và "mở", nghĩa là một chức danh quy hoạch nhiều người và một người quy hoạch nhiều chức danh. Trên cơ sở QHCB, các cấp ủy Đảng đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận, giới thiệu nhân sự để bầu cử, nhất là bầu cử HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức Đảng nhận thức chưa đầy đủ về công tác QHCB, chưa tập trung chỉ đạo thực hiện nên kết quả công tác quy hoạch chưa cao, dẫn đến tình trạng hẫng hụt cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là cán bộ cấp cơ sở; chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH). Một số nơi còn tình trạng khép kín trong công tác QHCB; chưa có quy hoạch tổng thể cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của toàn hệ thống chính trị.
Nhằm đẩy mạnh công tác QHCB, nhanh chóng khắc phục những thiếu sót hạn chế, Bộ Chính trị BCHTƯ vừa ra Nghị quyết số 42-NQ/TW về công tác QHCB lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Sau khi nêu rõ công tác QHCB thời gian qua, mục đích, quan điểm, nguyên tắc và phương châm của công tác này, Nghị quyết nêu rõ: Đối tượng quy hoạch cán bộ là tất cả các chức danh lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến cơ sở.
Trong QHCB, Nghị quyết nhấn mạnh: Quy trình quy hoạch phải bảo đảm mở rộng dân chủ, khách quan trong việc phát hiện nguồn, có sự tham gia của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, Mặt trận, các đoàn thể trong việc nhận xét, đánh giá và giới thiệu cán bộ; lấy kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ thường xuyên và định kỳ làm cơ sở để lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch; bảo đảm quyền tập trung của tập thể Ban Thường vụ các cấp ủy Đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy, lãnh đạo các ban đảng, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong việc quy hoạch cán bộ; đồng thời có cơ chế để nhân dân, Mặt trận, các đoàn thể giám sát việc xây dựng và thực hiện QHCB.
Về nội dung và phương hướng QHCB, Nghị quyết quy định các tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch; các cơ quan có thẩm quyền quyết định QHCB; đối tượng quy hoạch; quy trình xây dựng QHCB. Về quản lý và thực hiện QHCB, Nghị quyết nhấn mạnh: QHCB cần được đưa vào thực tế cuộc sống; kiên quyết khắc phục tình trạng QHCB mang tính hình thức. Với mục đích đó, trên cơ sở QHCB cần xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sắp xếp, bố trí, điều chuyển cán bộ nguồn quy hoạch vào các vị trí phù hợp, để qua công tác thực tế các đồng chí đó được rèn luyện, thử thách, tạo uy tín và vị thế cần thiết, chuẩn bị cho việc giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh quy hoạch...
. Thủy Tiên |