Ngày 23-5-2004, vụ cháy xảy ra tại DNTN Sơn Hải (KCN Phú Tài) đã làm đơn vị này thiệt hại khoảng 90 triệu đồng. Đây là vụ cháy thứ 6 (tính từ cuối tháng 11-2003) tại các đơn vị chế biến gỗ, với tổng thiệt hại ước tính gần 200 triệu đồng. Các vụ cháy này đều có một đặc điểm chung là nguyên nhân gây cháy đều xuất phát từ các lò sấy gỗ nguyên liệu.
|
Lò sấy gỗ của Công ty Nafor |
Hiện nay, các doanh nghiệp thường sử dụng 2 loại lò sấy: sấy bằng hơi nước và sấy bằng hơi nóng từ lò đốt. Ưu điểm của lò sấy bằng hơi nước là không có nguy cơ cháy nguyên liệu, nhưng chi phí xây dựng khá cao, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng (tùy theo diện tích lò) vì vậy, chỉ một số ít các doanh nghiệp sử dụng loại lò này. Ngoài ra, còn một loại lò sấy có độ an toàn và hiệu quả cao hơn, là lò hút chân không. Tuy nhiên, chi phí để xây dựng một lò sấy như vậy lên đến hàng tỉ đồng, hiện chưa có doanh nghiệp nào ở Bình Định sử dụng loại lò sấy này.
Các lò sấy sử dụng hơi nóng có nguy cơ gây cháy cao nhất. Lò gồm một buồng đốt tạo hơi nóng. Hơi nóng này được dẫn qua các ống hình ruột gà (làm bằng tôn) vào trong buồng sấy, nơi gỗ nguyên liệu được xếp theo từng lớp. Xung quanh buồng sấy có gắn các quạt gió dùng để luân chuyển không khí trong buồng sấy. Nguyên nhân gây ra cháy thường do thủng đường ống dẫn nhiệt (nơi thường bị thủng nhất là điểm tiếp xúc giữa buồng sinh nhiệt và buồng đặt ống dẫn nhiệt) làm cho hơi nóng thổi trực tiếp vào gỗ với nhiệt độ cao. Ông Hoàng Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico - nơi có 28 lò sấy gỗ (tất cả đều là lò sấy bằng hơi nóng) cho biết: "Chúng tôi luôn nhắc nhở các công nhân làm việc tại khu vực lò sấy, nhất là công nhân trực đêm phải thường xuyên kiểm tra đường ống trước khi đốt lò và liên tục theo dõi nhiệt độ trong lò để tránh sự cố cháy lò. Trong tương lai, nếu điều kiện cho phép, chúng tôi cũng sẽ xây dựng các lò sấy bằng hơi nước để bảo đảm an toàn PCCC tốt hơn".
Theo Thiếu tá Lê Hồng Quang, cán bộ hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC - Công an tỉnh: "Để thực hiện tốt công tác PCCC, các doanh nghiệp phải trang bị các máy bơm và bể nước dành riêng cho chữa cháy. Trước khi đưa gỗ vào buồng sấy phải kiểm tra độ kín, độ bền vững, làm vệ sinh bên trong và ngoài đường ống dẫn nhiệt, tránh tình trạng muội bám vào ống. Thường xuyên theo dõi nhiệt độ trong lò sấy. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh đều có lượng nước chữa cháy tại chỗ nhưng không đủ, nguồn nước này rất quan trọng vì cách chữa cháy ở các lò sấy là vừa phun nước làm nguội bên trong, vừa làm công tác thoát khói, đồng thời phải huy động công nhân kéo gỗ ra nơi an toàn, nếu cứ để nguyên gỗ trong lò thì phun nước bao nhiêu cũng không đủ".
Với nguyên liệu chủ yếu là chất dễ cháy, lại phải trải qua các công đoạn có sử dụng nhiệt, nguy cơ cháy ở các đơn vị sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ là rất cao, thiệt hại từ những vụ cháy rất lớn vì khi cháy có thể lan sang nhiều khu vực xung quanh. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến công tác PCCC ở đơn vị mình để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra, nhất là ở khu vực các lò sấy gỗ.
. Lê Cường |