Chị Võ Thị Yến sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo của làng Tân Nghi, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn). Xung quanh xóm nhà của chị toàn là đồi núi sỏi đá. Cả vùng này quanh năm chỉ trông chờ vào một vụ lúa trì gieo khô, chờ nước trời, năm được năm mất nên đời sống nhân dân cơ cực.
Con đường Võ Thị Yến chọn là lên đường làm cách mạng cầm súng giết giặc, dù rằng lúc ấy mẹ chị đã già yếu, gia đình đang khó khăn. Tham gia du kích xã rồi vào bộ đội huyện, đi học lớp trinh sát đặc công, ra trường được về công tác ở Huyện Đội An Nhơn, phụ trách công tác quân báo và chỉ huy một trung đội nữ.
Những năm 1966-1967, quân Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên mở nhiều đợt càn quét với quy mô lớn vào vùng giải phóng giết hại hàng ngàn người dân vô tội, trong tay không có tấc sắt. Vốn nhanh nhẹn nên chị Yến đã từng cải trang, có lúc là người đi chợ phiên, đi buôn hàng chuyến, hoặc cô gái giàu sang tay cầm xách đầm… trà trộn trong các khu dồn, nơi địch đóng quân để nắm tình hình lên phương án đánh địch. Tháng 7-1967, chị chỉ huy một bộ phận lực lượng chiến sĩ nữ của Huyện Đội, cùng với đội vũ trang công tác xã Đập Đá tập kích phá hủy Nhà máy đèn Phương Danh do một trung đội dân vệ đóng giữ, diệt 5 tên, bắt sống 7 tên, thu 11 khẩu súng. Sáng ngày sau địch phản kích, lực lượng ta bắn cháy 2 xe tăng, diệt tại chỗ 2 tên, bẻ gãy trận càn. Tháng 6-1968 chị Yến đã cải trang hoạt động hợp pháp ở xã Nhơn Hậu. Một mình chị đã dũng cảm mưu trí dùng lựu đạn và súng ngắn bất ngờ tấn công một trung đội bảo an, địch không kịp trở tay, 10 tên bỏ xác tại chỗ, số còn lại bị thương, chị rút lui an toàn.
Thị trấn Đập Đá là một trong những đô thị lớn trong tỉnh lại nằm ngay trên Quốc lộ 1A, bị lực lượng ta đánh chiếm trong chiến dịch Mậu Thân, địch điên cuồng phản kích, dùng máy bay ném bom cháy rụi cả làng dệt Nam Phương Danh. Gọi là bồi thường nhà cửa cho dân, chúng dồn dân, xây dựng khu định cư thí điểm. Cuối tháng 8-1968, địch tổ chức khánh thành khu "ấp tân sinh" Nam Phương Danh, có đại diện chính quyền Trung ương ngụy từ Sài Gòn ra dự, lính Nam Triều Tiên và quân địch bảo vệ vòng trong, vòng ngoài nghiêm ngặt. Chị Yến đã khéo léo cải trang thành một cô gái đi dự lễ, lẫn lộn vào đám đông trong khu vực sát lễ đài, bất ngờ chị tung lựu đạn diệt 2 tên đại úy và lái xe Nam Triều Tiên, làm bị thương 1 sĩ quan cấp tá ngụy, 2 sĩ quan Nam Triều Tiên, phá hủy xe Jeep, bọn địch tán loạn, chị rút lui an toàn.
Lập nhiều chiến công xuất sắc, tháng 9-1968 chị Yến được bầu là Chiến sĩ thi đua đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân khu và được thăng quân hàm từ thiếu úy lên thượng úy, cử đi học Trường Quân chính Quân khu. Ra trường được phân công về lại chiến trường An Nhơn và giữ cương vị mới là Huyện đội phó, tiếp tục chỉ huy đánh địch.
Tháng 2-1970, chị Yến cùng một trinh sát chuẩn bị phương án đánh cầu Ngãi Chánh (Nhơn Hậu) để ngăn chặn địch càn quét. Gần sáng 14-2-1970, hai đồng chí vừa xuống hầm bí mật ẩn nấp thì 1 đại đội bảo an, 1 trung đội dân vệ ập đến bao vây. Biết bị lộ, 2 đồng chí đã tung nắp hầm, dùng lựu đạn đánh diệt nhiều tên địch, nhưng cuộc chiến đấu không cân sức, chỉ còn một mình, không chịu để rơi vào tay giặc, chị đã quyết chiến và anh dũng hy sinh.
Chị Võ Thị Yến - người nữ chỉ huy của Huyện Đội An Nhơn hy sinh lúc vừa tròn 25 tuổi, trong niềm thương tiếc, mến phục của nhân dân, đồng chí đồng đội và khiếp sợ của quân thù. Chị đã vinh dự được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND.
. Trần Duy Đức |