Trong bão táp cách mạng những năm 1930-1931, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Xô viết Nghệ - Tĩnh của công nông, tự vệ Đỏ đã ra đời. Đó là mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, của quân đội cách mạng ở Việt Nam.
|
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22-12-1944 |
Từ cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bắt đầu, cách mạng Việt Nam chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ trọng tâm vào giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, các cuộc khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích cục bộ đã diễn ra trên nhiều địa phương. Những tổ chức vũ trang không tập trung và tập trung sinh ra từ lực lượng cách mạng đông đảo của quần chúng đã xuất hiện trong khắp cả nước.
Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh của quần chúng, sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức.
Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22-12-1944 ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN được thành lập, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Chỉ thị Người ghi rõ:
"Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền".
"Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác".
"Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta".
Những đội vũ trang tập trung và không tập trung trong cả nước sinh ra từ lực lượng cách mạng đông đảo của quần chúng, là những tổ chức tiền thân của các lực lượng vũ trang nhân dân, của quân đội nhân dân. Tháng 4-1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước thành lập Việt Nam giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám thành công. Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân, rồi thành Quân đội quốc gia Việt Nam và về sau, đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày 22-12-1944, ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước đây, quân với dân một ý đánh thắng mọi kẻ thù, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, quân với dân một ý chí xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc XHCN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh. Theo nguyện vọng của nhân dân trong cả nước, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944) cũng là Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
. M.H |