Mấy năm gần đây, diện mạo thành phố Quy Nhơn đã có nhiều thay đổi tích cực. So với những đô thị cùng nhóm, trong lĩnh vực "sáng - xanh- sạch", Quy Nhơn được đánh giá cao. Đó là kết quả của một quá trình nỗ lực không ngừng.
* Từ thắp sáng đơn thuần đến chiếu sáng trang trí
|
Hệ thống chiếu sáng đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn) |
Nếu cần một ví dụ để thấy rằng Quy Nhơn đang tiến bộ rất nhanh trong vấn đề chiếu sáng, bạn có thể nhìn vào các đường hẻm. So với cách đây chừng 3 năm, hệ thống điện chiếu sáng ở các đường hẻm Quy Nhơn đã tăng lên gần gấp đôi. Lợi ích vật chất và tinh thần, hệ quả tác động kéo theo từ việc đầu tư cho các công trình phúc lợi này gần như không thể đo đếm được. Bởi hệ thống đèn chiếu sáng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông về đêm; góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự ở các khu vực và phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Trong một lần về Quy Nhơn dự Hội nghị Môi trường đô thị toàn quốc, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Đạt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi trường đô thị Việt Nam nhận xét - Quy Nhơn không chỉ có quỹ cây xanh được phát triển sáng tạo mà thành phố còn được chiếu sáng khá tốt. Đi dạo ở Quy Nhơn người ta có cảm giác rất an toàn, yên ổn.
Không chỉ thắp sáng đường phố, trong mấy năm gần đây, thành phố đã đầu tư mạnh hơn để tiến tới chiếu sáng trang trí và tăng nét mỹ quan đô thị. Hiện thành phố có 5.600 bộ đèn chiếu sáng, trang trí và tín hiệu giao thông, trong đó 1/5 là đèn trang trí; so với năm 1999, hệ thống đèn chiếu sáng và công suất tiêu thụ điện năm 2004 tăng gấp 3 lần. Hiện nay, ở Quy Nhơn đã có gần 250 km đường đã có điện chiếu sáng, các giao lộ đều tăng cường lượng ánh sáng về đêm. Tất cả các công viên đều có hệ thống chiếu sáng trang trí hoàn chỉnh và có 25 bộ đèn pháo hoa điện tử, tăng vẻ mỹ quan và văn minh cho thành phố.
* Công viên - cây xanh và sức sống đô thị
|
Thành phố đã có hàng chục công viên cây xanh như Công viên Quang Trung |
Nếu năm 1999, cả thành phố chỉ có khoảng 20 ha công viên thì nay diện tích này đã tăng lên trên 42,5 ha. Diện tích thảm cỏ, hoa kiểng, cây làm hàng rào từ 30.000 m2 (1999) nay phát triển đến 160.000 m2. Nếu như năm 1999, tổng số cây xanh trồng ở thành phố chỉ có 22.000 cây thì nay đã phát triển khoảng 80.000 cây. Do thành phố đang thời kỳ mở rộng quy mô đô thị, nhiều đường phố, khu dân cư mới xuất hiện nên việc "xanh hóa" đô thị theo lãnh đạo thành phố tự nhận xét là tuy có nhiều tiến bộ nhưng còn chậm. Bởi theo tiêu chuẩn đô thị loại II thì bình quân diện tích tán cây che phủ từ 10 đến 15 m2/người, hiện nay tán che phủ ở Quy Nhơn chỉ đạt chừng 4m2/người; như vậy chúng ta mới đạt 1/3 so với yêu cầu.
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Đạt đã khá bất ngờ với việc một thành phố nhỏ như Quy Nhơn lại tổ chức được một hệ thống công viên - cây xanh đường phố tốt đến thế. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nếu không có một chiến lược phát triển bài bản thì sự trong lành mà Quy Nhơn đang có khó lòng bền vững. Cây xanh trong thành phố (bao gồm cây trong công viên, cây tạo bóng mát đường phố và cây rừng trồng phòng hộ trên đồi, tại các lâm viên) thoạt nhìn có vẻ như chúng tách rời nhau nhưng thật ra không phải vậy, ít ra là với Quy Nhơn. Trên thực tế, nhiều công viên hiện đang "kiêm nhiệm" chức năng vườn ươm để tạo nguồn cây xanh phục vụ các nơi khác. Nhờ xác lập được sự liên quan này mà có lẽ hiếm nơi nào lại phát triển công viên cây xanh nhanh như Quy Nhơn.
Với những gì đang có, Quy Nhơn đang được đánh giá là một trong những thành phố xanh nhất ở duyên hải Nam Trung bộ. Một thành phố phát triển tốt không chỉ được nhìn nhận qua các chỉ số tăng trưởng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, mà còn được bộc lộ qua những chỉ tiêu an sinh xã hội trong đó các yếu tố như: môi trường, công viên cây xanh, chiếu sáng đô thị… giữ vai trò quan trọng. Với đà phát triển trong những năm qua, chắc chắn trong thời gian tới thành phố Quy Nhơn sẽ còn sáng hơn - xanh hơn - và sẽ đẹp hơn.
. Ngọc Diên |