Trang thiết bị dạy học: Đem con bỏ chợ
10:2', 23/12/ 2004 (GMT+7)

Để triển khai dạy chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới, mỗi năm, ngành GD-ĐT đã đầu tư hàng chục tỉ đồng mua thiết bị (TB) cấp phát cho các trường phổ thông lớp (1, 2, 3 và 6, 7, 8). Thế nhưng, hiệu quả sử dụng TB đến đâu lại bắt đầu từ chuyện nghe có vẻ ngược đời: thiếu phòng để chứa!

* Thiết bị - hồn ai nấy giữ

Trường THCS Lương Thế Vinh là 1 trong 5 trường có đủ phòng chức năng cho TB

Để dạy được chương trình và SGK mới, cả giáo viên (GV) và học sinh (HS) rất cần TB thực hành tương ứng. Vậy mà nghịch lý đã xảy ra! Ông Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Tiến (Phù Cát) cho biết: "TB về không nhận không dạy được, nhưng với tình trạng thiếu phòng ốc như hiện nay, năm tới, thêm TB lớp 4 nữa trường tôi chẳng biết cất nơi đâu!". Trường Tiểu học Cát Tiến có 3 điểm trường, tọa lạc tại 3 thôn. Mặc dù HS tiểu học mỗi năm một giảm, nhưng số lượng HS giảm vẫn không theo kịp sự xuống cấp về cơ sở vật chất nên thực trạng phòng ốc cũng không sáng sủa hơn. Điểm trường chính thì còn có phòng thư viện để "ké" TB, chứ các điểm trường phụ thì lấy đâu ra. Các phòng học thì đa số đều thiếu quy cách, nhìn vào, thấy HS ngồi học đã quá chật chội, nhét thêm TB cũng không đành. "Cách tốt nhất là cấp thẳng TB cho GV, của ai nấy giữ" - ông Phong kết luận như vậy. Tại Trường THCS Cát Lâm, tình trạng cũng không mấy sáng sủa. Ông Hà Sự, Hiệu trưởng nhà trường cũng băn khoăn không kém: "Trường có 20 lớp nhưng hiện tại chỉ có 8 phòng học, HS phải học nhờ trường tiểu học. Lấy đâu ra phòng mà chứa TB?" Thế là giải pháp tốt nhất được trường này chọn cũng là… giao cho GV. Bởi thế, từ khi triển khai dạy chương trình mới, "một tay hai xách" (ngoài cặp đựng giáo án, GV đến trường còn phải đèo sau xe một valy TB) là hình ảnh khá phổ biến của GV ở nhiều trường. Đến Trường THCS Cát Tiến, tôi thấy TB được chất đầy phòng Hội đồng giáo viên vốn cũng không rộng rãi. Nơi làm việc của hiệu trưởng nằm tạm bợ tận phía sau cũng phải dành chỗ cho TB. Vào thư viện, TB chen chân cùng với sách và TB tràn về các phòng ở tập thể của GV. Ông Võ Văn Tống, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Tiến cho biết: "Do còn thiếu 4 phòng học, trường phải dồn 60 HS/lớp. Chỉ riêng sĩ số HS quá tải như thế này, triển khai dạy chương trình mới có sử dụng TB đã là rất khó khăn…".

* Tiền tỉ…... "bỏ chợ"

Một lớp có đến 60 HS, sẽ rất khó tổ chức các hoạt động nhóm theo yêu cầu của chương trình và SGK mới ở bậc THCS

Để thực hiện chương trình đổi mới ở các lớp tiểu học, GV cần phải sử dụng khá nhiều tranh ảnh. Cô Phương, GV Trường Tiểu học Cát Tiến cho biết: "Mỗi bài học tôi phải sử dụng từ 3-4 bức tranh!". Chưa nói đến chuyện tranh ảnh hiện vẫn đang thiếu trầm trọng, GV phải bỏ tiền túi photo phóng to các hình ảnh trong SGK để dạy thì việc đem tranh lên lớp hàng ngày và đem về đối với GV cũng là điều hết sức khó khăn. Hay như bộ đồ dùng học Toán của HS tiểu học có đến hàng trăm chi tiết nhỏ, lắt nhắt, HS  chưa có ý thức, đến giờ học thì xổ tung ra, rơi rớt là chuyện khó tránh khỏi, GV có tài mấy cũng không thể nào đảm bảo TB còn nguyên vẹn. TB cho GV các lớp 6, 7, 8 (các môn Toán, Lý, Hóa…) hầu hết mang tính chính xác cao. Nhiều TB sử dụng vật liệu bằng thủy tinh dễ vỡ… Để sử dụng được TB vào quá trình giảng dạy, GV phải có thời gian chuẩn bị, thao tác trước với TB mỗi giờ lên lớp. Cô Trần Thị Tình, GV dạy Hóa Trường THCS Cát Tiến mô tả lại hành trình của TB như sau: "Trước mỗi bài học, HS giúp cô chuyển TB từ thư viện về nhà ở tập thể để chuẩn bị trước. Sau đó, TB lại được cô, trò di chuyển đến lớp này, qua lớp kia rồi lại quay về phòng ở tập thể GV…". Bởi vậy: "TB khi mới đưa về còn đảm bảo được độ chính xác, nhưng đã qua đến năm thứ hai, thứ ba sử dụng thì đã mất mát và hư hỏng ít nhiều" - cô Tình cho biết thêm.

Tình trạng thiếu phòng chứa TB như trên là khá phổ biến ở rất nhiều trường phổ thông trong toàn tỉnh. Trường nào tâm huyết với TB thì cố gắng khắc phục khó khăn. Nhận TB về chịu khó phân loại theo từng môn và sắp xếp TB theo thứ tự phân phối chương trình để tiện cho GV khi lấy ra sử dụng. Trường nào hiệu trưởng thiếu tinh thần vượt khó thì TB nhận về bị bỏ "ùm bà lằng" trong kho và tiền tỉ sẽ nhanh chóng bị lãng quên hay làm mồi cho bụi, mốc. Trong khi vài chục năm nay, nhiều GV đã quen với việc giảng dạy theo lối đọc, chép, với kiểu "dạy chay, học chay" thì để hình thành được thói quen sử dụng TB đã là một thách thức. Vậy mà, giờ đây thách thức đối với họ còn là nỗi lo canh cánh làm sao đảm bảo cho TB  được an toàn, tránh mất mát, hư hỏng.

* Có tiền nhưng... chưa may túi đựng

Năm học 2004-2005, ngành GD-ĐT Bình Định đã đầu tư 9,8 tỉ đồng mua 2.866 bộ TB lớp 8 và 7.758 bộ TB lớp 3 sử dụng cho GV và HS. Trong đó, TB lớp 8 là 244 bộ/ môn học (đối với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa…) và 142 bộ/ môn (đối với các môn Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật). TB lớp 3 có 1.104 bộ/ môn (đối với các môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Thủ công...) và 248 bộ/ môn (đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục). Tuy năm học mới đã bắt đầu từ 25-8-2004 nhưng mãi đến ngày 10-11-2004 TB mới được đưa về để cấp phát cho các trường.

Ông Lê Huy, Giám đốc Công ty Sách- Thiết bị, đơn vị "đầu mối" trong việc cung ứng TB dạy học chương trình mới của tỉnh cho biết: "Năm nay, tỉnh đã đầu tư gần 10 tỉ đồng để mua sắm thiết bị lớp 3, lớp 8 cho các trường phổ thông trong tỉnh. Tiền mua TB năm ngoái cho các lớp 2, lớp 7 là 7,1 tỉ đồng và ở lớp 1, lớp 6 là 5,3 tỉ đồng". Tuy vậy, những con số tiền tỉ này cũng mới chỉ cho phép ngành GD-ĐT trang bị được TB cho các trường ở mức tối thiểu. Vậy mà, trên thực tế việc triển khai sử dụng và sử dụng cho hết công suất của TB lại vô cùng khó khăn, ngay từ khâu cơ sở vật chất. Đúng là chuyện "có tiền… nhưng chưa may túi đựng!". Ông Bùi Gia Thịnh, tác giả của cuốn SGK môn Vật lý lớp 6 khẳng định: "Thời lượng thực hành sẽ chiếm khoảng 50-60% trong thời lượng học Vật lý 6". Ông Đỗ Đình Hoan, chủ biên cuốn SGK môn Toán lớp 1 cũng kết luận rằng: "HS phải biết phát huy, giải quyết vấn đề thông qua việc sử dụng đồ dùng thực hành"... Như vậy, có thể thấy, TB có vai trò quyết định rất lớn trong việc triển khai dạy chương trình và SGK mới. Do đó, việc GV và HS không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả TB trong quá trình dạy học không đơn thuần chỉ là sự tốn kém, lãng phí về tiền đầu tư, mua sắm TB mà còn ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng GD-ĐT.

. Ngọc Quỳnh

 

NGƯT Bùi Đình Chi, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Tuy Phước số 1:

Một trong những điều quan trọng của đổi mới phương pháp là đưa các TB thí nghiệm thực hành vào trong quá trình giảng dạy. Không có thí nghiệm thì không thể nói đến đổi mới phương pháp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các phòng thí nghiệm chủ yếu ở dạng kho chứa mà đã là kho chứa thì hiệu quả sử dụng rất ít. Chỉ khi có các phòng chức năng, phòng học chung thì thiết bị mới ở tư thế sẵn sàng chuẩn bị để sử dụng. Mặt khác, GV thực hiện một tiết dạy có sử dụng thiết bị sẽ phải vất vả gấp 3-4 lần so với dạy chay, học chay. Do đó, nếu lãnh đạo trường không thúc, không ủng hộ, động viên, thì TB sẽ mãi chỉ nằm trong kho chứa.

Ông Võ Văn Tống, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Tiến:

Trong khó khăn chung về tình trạng thiếu phòng chức năng để triển khai dạy chương trình và SGK mới, nhà trường đã vận động Hội phụ huynh HS và chính quyền địa phương hỗ trợ mua sắm hàng loạt tủ đứng đựng thiết bị. Nhờ đó, đã giúp trường bảo quản, giữ gìn được TB dạy học. Trong "cái khó ló cái khôn", GV dạy các lớp thay sách được trường tập huấn các thao tác chuyển TB từ các tủ ở phòng hội đồng, phòng thư viện ra bên ngoài để chuẩn bị giảng dạy sao cho an toàn, hiệu quả nhất. Bên cạnh việc chuẩn bị giáo án  GV phải có danh mục các TB kèm theo từng bài dạy. Những thiết bị nào chưa đủ, trường động viên GV, HS cùng làm thêm. Việc bảo quản, sử dụng TB của GV và HS được đưa vào các tiêu chí thi đua của trường, do đó, hầu hết GV đều sử dụng hết công suất của TB phục vụ giờ dạy.

Ông Lê Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (Quy Nhơn):

Thông qua hoạt động nhóm, GV hướng dẫn từng nhóm HS (từ 6-8 HS) sử dụng TB để thực hành các thí nghiệm. Từ đó, các em đã tự phát hiện ra vấn đề, vỡ vạc được kiến thức một cách hứng thú, đầy ấn tượng. Do đó, HS sẽ nhớ kiến thức lâu hơn. Thông qua hoạt động nhóm có nhiều đối tượng HS cùng tham gia, HS khá có thể hướng dẫn cho HS yếu hơn cùng lĩnh hội kiến thức. Do đó chất lượng giờ dạy có sử dụng TB sẽ lớn hơn rất nhiều so với dạy chay, học chay.

 

 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hướng đến một thành phố sáng - xanh - sạch - đẹp   (22/12/2004)
Đại đội thông tin: "Thông tin phải thông suốt như mạch máu trong cơ thể mình"  (22/12/2004)
Lịch sử Ngày thành lập QĐND Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22-12  (22/12/2004)
Những chiến công tiêu biểu  (22/12/2004)
Phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ  (22/12/2004)
Tướng về hưu trên "miền đất võ"  (21/12/2004)
Sự cố nguy hiểm và nạn trộm cắp vật tư đường sắt còn nhiều  (21/12/2004)
Người nữ chỉ huy anh hùng  (20/12/2004)
Hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh năm 2004: Bước khởi động tích cực  (20/12/2004)
Nguy cơ hỏa hoạn từ các lò sấy gỗ  (19/12/2004)
Tiếp tục chất vấn và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng  (17/12/2004)
Quy hoạch cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa   (16/12/2004)
Thảo luận và chất vấn - tập trung vào những vấn đề nóng   (16/12/2004)
Những lời tâm huyết với Đảng ta   (15/12/2004)
Tập trung thảo luận quanh những vấn đề bức xúc   (15/12/2004)