Dự án sức khỏe bà mẹ và trẻ em tỉnh Bình Định: Khởi động nhanh, khó khăn nhiều
14:59', 23/12/ 2004 (GMT+7)

Ngay khi Dự án "Tăng cường chất lượng và sử dụng các dịch vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh Bình Định" (viết tắt: Sức khỏe bà mẹ và trẻ em) được ký kết giữa 3 bên: đại diện Cơ quan hỗ trợ phát triển Quốc tế New Zealand, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) và UBND tỉnh Bình Định, Ban Quản lý dự án Sức khỏe bà mẹ và trẻ em tỉnh Bình Định đã tiến hành triển khai một loạt các hoạt động theo kế hoạch năm 2004. Tuy nhiên, với quy mô rất lớn, dự án đã đặt ra nhiều khó khăn trong chặng đường phía trước.

* Khởi động nhanh

Châm cứu cho các cháu khuyết tật ở Bệnh viện Y học Dân tộc Bình Định

Dự án Sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai trong 4 năm 2004-2007, nhưng mãi đến tháng 3-2004 mới chính thức được 3 bên ký kết. Trong một hội thảo được tổ chức vào tháng 10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc dự án, đã nhấn mạnh: "Đối với Bình Định đây là dự án có quy mô rất lớn và toàn diện trong công tác đào tạo lẫn kỹ thuật. Do đó, chúng ta cần phải có kế hoạch cụ thể ngay từ ban đầu, huy động nhân lực và sự phối hợp tích cực của các thành viên". Dự án được triển khai trong 4 năm (2004-2007) nên học hỏi được những kinh nghiệm từ các tỉnh đã thực hiện từ trước đó. Hơn nữa, thuận lợi lớn nhất là Ban Quản lý dự án có sự linh động trong quá trình tiến hành và điều chỉnh các hoạt động sao cho phù hợp.

Các hoạt động của năm 2004 được xem là sự khởi động cho việc huy động lực lượng để bước sang năm 2005 đồng loạt tổng triển khai dự án. Do đó, ngay khi được ký kết, tỉnh đã chỉ đạo thành lập 11 tiểu ban từ các sở, ban, ngành, có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện các hoạt động. Các buổi hội thảo tiểu ban dự án cũng được tiến hành nhằm tìm kiếm sự đồng thuận cũng như việc bàn bạc, tháo gỡ những vướng mắc ban đầu.

Thông qua UNFPA, dự án đã mua sắm trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển cấp cứu, thuốc thiết yếu với kinh phí hơn 500.000 USD. Điều đáng nói, số thiết bị y tế cần thiết này được mua hàng loạt trong năm nay chứ không theo hình thức "nhỏ giọt" như các dự án khác. Do đó, dù đến cuối năm 2004, dự án mới giải ngân 70% kinh phí nhưng trên thực tế đã vượt ngưỡng (vì mua sắm hàng loạt thiết bị y tế). Số trang thiết bị được tập trung cho cả 3 tuyến. Ở tuyến tỉnh và huyện có các loại máy siêu âm, đầu đo âm đạo, lồng ấp cho trẻ sơ sinh, tủ sấy… 155 xã được trang bị đầy đủ 7 bộ dụng cụ, đặc biệt lần đầu tiên 1.500 túi y tế (bao gồm 14 dụng cụ sơ cấp cứu cơ bản) được trang bị cho lực lượng y tế thôn bản. Số thuốc thiết yếu cũng được ngành y tế lên kế hoạch phân bổ về các địa phương, trong đó ưu tiên cho 3 huyện miền núi và các xã đảo.

Với mục tiêu chính của dự án là truyền thông vận động và truyền thông thay đổi hành vi của đối tượng, cải thiện chất lượng sử dụng các dịch vụ sức khỏe bà mẹ trẻ em nên hoạt động đào tạo được chú trọng xuyên suốt dự án. Đến cuối năm 2004, các lớp đào tạo theo kế hoạch đã được hoàn thành, gồm 58 lớp đào tạo với 1.267 người tham gia. Trong đó, lớp đào tạo chiếm tỉ trọng lớn nhất là chuẩn quốc gia chăm sóc SKSS, phục vụ chiến lược quốc gia DS-KHHGĐ và chiến lược quốc gia SKSS giai đoạn 2001-2010; đặc biệt lớp y tế thôn bản thuộc các huyện trung du và miền núi có hẳn chương trình riêng về chăm sóc SKSS. Điểm nổi bật của dự án là các đối tượng được truyền thông thay đổi hành vi rất được quan tâm. Ban Quản lý dự án đã tổ chức chuyển thể, in ấn tài liệu truyền thông với phần dịch sang tiếng Chăm và tiếng Ba na, phục vụ đồng bào là người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, lần đầu tiên hệ thống quản lý thông tin y tế quốc gia (HMIS) cũng được đưa vào thực hiện từ tỉnh xuống đến các địa phương.

* Chặng đường khó khăn phía trước

Dù sự khởi động ban đầu của dự án được triển khai theo đúng kế hoạch, nhưng vẫn còn ngổn ngang nhiều nỗi lo. Năm 2004 chỉ mới là năm bản lề chủ yếu tập trung vào ngành y tế và dân số trong khi các hoạt động còn lại rất lớn.

Bình Định nằm trong số 12 tỉnh của Việt Nam được Chính phủ New Zealand tài trợ dự án thông qua UNFPA. Dự án của các tỉnh khác được tiến hành theo từng chu kỳ (mỗi chu kỳ có thời hạn 4 năm) với kinh phí 800.000 USD/chu kỳ cho mỗi hoạt động. Trong khi đó, được xem là một thử nghiệm của UNFPA nên Dự án Sức khỏe bà mẹ và trẻ em tỉnh Bình Định được chia thành 4 năm, nhưng lại bao gồm tất cả các hoạt động triển khai trong cùng một thời điểm, tức là khối lượng công việc nhiều gấp 6 lần so với các địa phương khác.

Dự án có quy mô lớn trong khi đội ngũ cán bộ điều hành đều chưa hoàn thiện cả về số lượng lẫn chất lượng. 11 tiểu ban được thành lập từ các sở, ban, ngành có liên quan chưa tiếp cận với nội dung chăm sóc SKSS nên chưa có kinh nghiệm trong những hoạt động của dự án. Đó cũng là những băn khoăn mà các tiểu ban đưa ra thảo luận trong các buổi hội thảo được tổ chức thời gian qua. Đến thời điểm hiện nay, Ban Quản lý dự án buộc phải bổ sung thêm một cán bộ tư vấn để "cầm tay chỉ việc" cho các tiểu ban lập kế hoạch hoạt động.

Thêm vào đó, do chính sách ban hành biên chế của ngành y tế ở tuyến xã chưa phù hợp nên chỉ tiêu về nhân lực vẫn chưa thực hiện được. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 16 xã chưa có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, tập trung chủ yếu ở 3 huyện miền núi. Đơn cử như huyện miền núi An Lão, chỉ có 3/9 xã có khả năng… khám chữa bệnh cho người nghèo tại tuyến cơ sở.

Thạc sĩ Lê Quang Hùng, Quản đốc dự án, cho biết: "Nhiều khó khăn sẽ nảy sinh từ năm 2005 khi dự án đi vào tổng triển khai. Việc huy động nhiều nguồn lực tham gia sẽ đồng thời tạo ra thách thức trong khả năng phối hợp. Tầm hoạt động của dự án quá lớn, các tiểu ban không triển khai thống nhất sẽ dễ dẫn tới tình trạng phá vỡ khối mắt xích".

. Lê Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trang thiết bị dạy học: Đem con bỏ chợ  (23/12/2004)
Hướng đến một thành phố sáng - xanh - sạch - đẹp   (22/12/2004)
Đại đội thông tin: "Thông tin phải thông suốt như mạch máu trong cơ thể mình"  (22/12/2004)
Lịch sử Ngày thành lập QĐND Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22-12  (22/12/2004)
Những chiến công tiêu biểu  (22/12/2004)
Phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ  (22/12/2004)
Tướng về hưu trên "miền đất võ"  (21/12/2004)
Sự cố nguy hiểm và nạn trộm cắp vật tư đường sắt còn nhiều  (21/12/2004)
Người nữ chỉ huy anh hùng  (20/12/2004)
Hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh năm 2004: Bước khởi động tích cực  (20/12/2004)
Nguy cơ hỏa hoạn từ các lò sấy gỗ  (19/12/2004)
Tiếp tục chất vấn và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng  (17/12/2004)
Quy hoạch cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa   (16/12/2004)
Thảo luận và chất vấn - tập trung vào những vấn đề nóng   (16/12/2004)
Những lời tâm huyết với Đảng ta   (15/12/2004)