Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa X đã có Nghị quyết thông qua kế hoạch điều chỉnh học phí kể từ tháng 9 (năm học 2004-2005) của UBND tỉnh. Vậy mức học phí của một số ngành học, cấp học sẽ tăng bao nhiêu và sẽ sử dụng như thế nào trong năm tới.
* Mức học phí cũ- không còn phù hợp
|
Học sinh Trường THPT bán công Nguyễn Hữu Quang (Phù Cát) trong giờ học hướng nghiệp |
Theo Sở GD-ĐT, ngân sách đầu tư cho sự nghiệp GD-ĐT hàng năm đều tăng. Năm 2002, tỉnh đầu tư cho GD-ĐT gần 196,5 tỉ đồng; năm 2003 gần 221,5 tỉ đồng; năm 2004 gần 269 tỉ đồng. Tuy nhiên, cùng với việc ngân sách tăng thì số lượng học sinh (HS) cũng tăng theo (khoảng từ 10.000-15.000 HS/năm ở bậc học THCS và THPT). Do đó, trên thực tế định mức chi ngân sách nhà nước/HS không tăng.
Ngày 21-8-1997, Chính phủ đã có Nghị quyết về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và ra Quyết định về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thực hiện chủ trương này, được sự đồng ý của HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh đã cho phép ngành GD-ĐT thực hiện thu tiền học phí, quỹ xây dựng trường học và điều chỉnh học phí bán công nhằm bổ sung cho ngân sách sự nghiệp giáo dục. Mức thu trong những năm qua cơ bản đã giải quyết được phần chi trả lương cho cán bộ quản lý và giáo viên hệ bán công… Nhưng từ năm học 2004-2005, mức thu học phí này không còn phù hợp với tình hình thực tế vì những lý do: Nhà nước chuẩn bị thực hiện điều chỉnh tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước; và từ năm học 2004-2005, theo Quyết định của UBND tỉnh (ngày 10-11-2004), ngành GD-ĐT không thu các khoản lệ phí thi tốt nghiệp, xét tuyển, lệ phí cấp văn bằng chứng chỉ các cấp… nên cần nguồn học phí để bù đắp.
Mặt khác, mức thu học phí của Bình Định trong những năm qua, so với các tỉnh Duyên hải miền Trung thì còn thấp. So với mức thu tối đa của Chính phủ cho phép, mức thu học phí của tỉnh mới đạt bình quân 60%.
* Điều chỉnh tăng thêm 31%
Việc thu học phí được áp dụng đối với tất cả HS đang học tại các trường mầm non, THCS, THPT, Trung tâm KTTH-HN hệ quốc lập và học phí các trường, lớp bán công, HS Trường chuyên Lê Quý Đôn, các trung tâm ngoại ngữ trực thuộc Sở GD-ĐT (chế độ miễn, giảm học phí theo quy định của nhà nước thực hiện cho cả hệ công lập và bán công).
Theo đề nghị của Sở GD-ĐT, mức thu điều chỉnh được xây dựng theo mức thu học phí cho từng cấp học theo vùng (thành phố, đồng bằng, miền núi) và không vượt quá khung học phí do Chính phủ quy định. Như vậy, để đảm bảo nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục theo tỉ lệ chi lương và chi cho các hoạt động giáo dục, học phí các trường bán công được xây dựng trên nguyên tắc chi con người chiếm 85% (đã tính điều chỉnh lương dự kiến 31%), chi cho công việc 15% và cộng thêm chi phí cho các hoạt động như thi tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ…
* Chi học phí như thế nào?
Đối với các phòng GD-ĐT huyện, thành phố: 40% quỹ học phí thu được để thực hiện điều chỉnh lương; 17% tăng cường cơ sở vật chất trường học; 29% bổ sung kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp GD-ĐT, hỗ trợ cho các hoạt động trực tiếp giảng dạy và chi hỗ trợ cho các đơn vị không thu học phí (Trong đó, trích 6% nộp về Sở GD-ĐT để chi cho công tác tổ chức thi tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ; 10% chi cho khen thưởng, phúc lợi và 4% cho quản lý phí). Đối với các trường THPT công lập, các mức trên sẽ là 40% để điều chỉnh lương; 20% tăng cường cơ sở vật chất trường học; 15% bổ sung kinh phí cho các hoạt động giảng dạy; 13% điều tiết về Sở GD-ĐT; 7% chi cho khen thưởng, phúc lợi và 5% cho công tác quản lý. Đối với các trường THPT bán công, lớp bán công trực thuộc Sở GD-ĐT 85% học phí ưu tiên chi trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…; 5% chi cho công tác quản lý; 7% chi khen thưởng, phúc lợi; 3% điều tiết về Sở GD-ĐT…
. Minh Ngọc |