Nữ cửu vạn
14:14', 30/12/ 2004 (GMT+7)

Từ lâu, trong suy nghĩ của nhiều người nghề cửu vạn chỉ dành cho nam giới nhưng nay ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào nghề này. Và trên đường mưu sinh, phụ nữ làm nghề này cũng còn nhiều điều ái ngại…

* Nghề của đàn ông

Khuân vác - một nghề nặng nhọc đối với phụ nữ

Chị Võ Thị Lĩa, ngoài 50 tuổi, nhà tổ 23 khu vực 5, phường Đống Đa (TP.QN), như lọt thỏm giữa đống hàng cao ngút tầm mắt cùng với những đồng nghiệp nam đang vội vã tải hàng từ xe vào kho. Mỗi lần thấy chị xốc những bao phân hóa học lên đôi vai gầy guộc của mình, tôi có cảm giác như chị đang rút gan rút ruột của mình ra. Hôm ấy, họ "bốc" gần trăm tấn phân bón hóa học tại kho Quang Trung. Vừa lau mồ hôi túa ra đầm đìa trên gương mặt gầy tọp của mình, chị vừa kể: "Đàn bà, chẳng ai muốn làm cái nghề của đàn ông này đâu em ạ. Nhà nghèo, nuôi 5 đứa con ăn học nên chị phải làm. Để có được 50.000 đồng, chị phải vác hơn 100 bao hàng; mỗi bao nặng hơn trọng lượng của chị nhiều. Làm vất vả vậy nhưng hàng lúc có, lúc không nên thu nhập bình quân của chị cũng chỉ được 700.000 - 900.000đồng/tháng". Tính đến nay chị gắn bó với nghề cửu vạn này gần 20 năm. Cách đây khoảng 5 tháng, tan ca làm, chị về đến nhà bỗng dưng hai chân không cử động được, cứ nhức mỏi liên hồi. Chị chạy chữa hết đông y rồi tây y, sau mới biết mình bị bệnh khớp. Nằm nhà thời gian, gia đình lại rơi vào cảnh túng quẫn và chị lại tiếp tục đi làm trên đôi chân chưa khỏi hẳn.

Lần theo dòng hồi ức chắp vá, chị Tô Thị Nón, 46 tuổi, nhà ở phường Đống Đa, Quy Nhơn kể lại: "Mang thai tôi vẫn cứ đi làm, ăn uống kham khổ, lại mang vác nặng nên tôi đẻ rớt con bé đầu ngay tại kho xi măng Đầm Thị Nại. Khi ấy tôi mới mang thai được 8 tháng. Rồi đến con bé sau tôi cũng lại đẻ rớt ngay trong khi làm. Thành ra tôi đặt tên cho hai đứa là Rớt chị, Rớt em". Ở kho Quang Trung, mọi người vẫn không quên cái chết đầy thương tâm và tức tưởi của chị Võ Thị Phẩm mới hồi đầu năm 2004. Chị mất sau một ngày làm việc quần quật liên tiếp 3 ca cũng chỉ vì với mong muốn kiếm thêm một ít tiền cho con nộp học phí. Một ngày làm việc quá sức, đã khiến chị bị đột quỵ, chị đã mất trên đường đi cấp cứu, để lại hai con nhỏ cùng với người chồng kiếm sống bằng nghề đạp xích lô.

Hiện nay, lực lượng nữ cửu vạn đang làm việc tại các kho hàng như kho Quang Trung, Đầm Thị Nại… không nhiều nhưng lại là vấn đề bức xúc của xã hội. Đây là công việc đòi hỏi người lao động phải đảm bảo sức khỏe, nhưng với thể trạng của người phụ nữ khi tham gia vào công việc nặng nhọc này thường hay mắc những chứng bệnh: lao lực, đau khớp, đột quỵ, viêm đường hô hấp…

* Bên những mảnh đời

Nhìn vóc dáng mảnh khảnh của chị Nguyễn Thị Tuyển, 50 tuổi, nhà số 78 đường Nguyễn Huệ (QN), ít ai có thể nghĩ rằng đôi vai ấy đang gánh 4 số phận của những người ruột thịt: cha mẹ già và hai con nhỏ. Quê ở Nam Định, chị theo chồng về Quy Nhơn từ những năm 1990. Chồng làm bốc vác, vợ buôn bán rau ở chợ, cuộc sống cứ túng thiếu triền miên. "Đầu năm nay, ảnh mất trong một vụ tông xe, buôn bán rau không đủ sống nên tôi đành phải thế vào chân của chồng, tiếp tục bốc vác" chị kể chuyện. Chị Võ Thị Đức, nhà hẻm 293 Trần Hưng Đạo (QN), hiện làm tại kho hàng của Công ty Lương thực lại là một hoàn cảnh khác. Chị tham gia Lực lượng Thanh niên Xung phong từ năm 1976, sau khi ra quân (1981) chị được phân về công tác tại Xí nghiệp Nước ngọt Quy Nhơn đến năm 1985 Xí nghiệp có đợt giảm biên chế, vì trình độ học vấn hạn chế nên chị nằm trong số những người thất nghiệp. Về nhà, chị tần tảo với nhiều nghề khác nhau: buôn bán một thời gian thì cụt vốn làm ăn, phải chuyển sang phụ việc ở quán ăn, giúp chồng sửa xe đạp… Nhưng những công việc ấy không giữ chân chị lâu được và thế là chị tìm đến công việc nặng nhọc này đã hơn 12 năm nay.

Ông Nguyễn Trọng Tuyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Bốc xếp Quy Nhơn nói: "Đây là công việc cực nhọc, trong quá trình làm lại không được trang bị đầy đủ về phương tiện bảo hộ, khi về già không được hưởng quyền lợi như: chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội như những ngành nghề lao động khác. Tôi luôn chủ trương vận động chị em nên sớm rời bỏ công việc này ở tuổi 40. Nhưng khi họ nghỉ rồi, thì lại không biết xoay xở đâu ra tiền để lo cuộc sống hàng ngày, vì khi cho nghỉ HTX cũng chỉ lo được cho mỗi người hơn triệu đồng. Nên họ lại xin làm tiếp, tôi cũng chẳng ngăn được. Vì mưu sinh mà".

. Quốc Việt

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà cho người có thu nhập thấp: bao giờ có ?   (30/12/2004)
Nhiều đối tượng vi phạm trong lĩnh vực thuế đã được xử lý  (29/12/2004)
Vân Canh: Nhiều biện pháp để phát triển đảng viên ở thôn, làng   (29/12/2004)
Cô giáo vùng cao tận tụy với nghề   (28/12/2004)
Năm học 2004-2005: Thu - chi học phí như thế nào?  (28/12/2004)
Những ngôi nhà mới của đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh  (27/12/2004)
Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước   (27/12/2004)
Học sinh dân tộc thiểu số tăng cao: Một cố gắng vượt bậc của An Lão  (26/12/2004)
Công tác dân số 2004: Mừng và lo  (26/12/2004)
Dự án sức khỏe bà mẹ và trẻ em tỉnh Bình Định: Khởi động nhanh, khó khăn nhiều  (23/12/2004)
Trang thiết bị dạy học: Đem con bỏ chợ  (23/12/2004)
Hướng đến một thành phố sáng - xanh - sạch - đẹp   (22/12/2004)
Đại đội thông tin: "Thông tin phải thông suốt như mạch máu trong cơ thể mình"  (22/12/2004)
Lịch sử Ngày thành lập QĐND Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22-12  (22/12/2004)
Những chiến công tiêu biểu  (22/12/2004)