Kỷ niệm 45 năm ngày khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959-6.2.2004)
Một chiến công, một niềm tự hào
15:58', 5/2/ 2004 (GMT+7)

Một lớp học ở làng Hà Ri hôm nay

Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ngày 6-2-1959 mãi mãi là một chiến công oanh liệt, sáng ngời, đi vào lịch sử của Đảng bộ Vĩnh Thạnh như một huyền thoại đẹp đẽ, hào hùng, thể hiện một ý chí kiên cường quyết tâm chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Thạnh không những là căn cứ của Tỉnh ủy Bình Định mà còn là nơi đứng chân của Ban cán sự Đảng tỉnh Gia Lai, Ban cán sự Đảng liên tỉnh II (gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Ngay từ buổi đầu, kẻ thù coi Vĩnh Thạnh là trọng điểm đánh phá, âm mưu của địch là phát hiện, đánh phá cơ sở cách mạng và cán bộ ở lại cùng cơ quan, kho tàng của tỉnh và các huyện lân cận (Bình Khê, Phù Cát) ở trên địa bàn huyện. Để thực hiện âm mưu trên, địch dùng lực lượng quân sự hỗn hợp tổ chức những cuộc hành quân lùng sục, tảo thanh, đánh phá, đồng thời dùng bọn thương lái xấu dò xét tình hình, phát hiện cơ sở, kho tàng, móc nối những phần tử xấu ở địa phương để lập tề điệp tại chỗ.

Để kịp thời đối phó với tình hình trên, Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã chủ trương, kiên trì phát động quần chúng, làm cho nhân dân thấy rõ Mỹ- Diệm là kẻ thù hiểm ác của cả người Kinh và Thượng. Cán bộ người Kinh phải gấp rút học tiếng dân tộc, thật sự tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào địa phương, hòa mình triệt để vào quần chúng, chăm lo đời sống nhân dân, kịp thời phát hiện các âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch, cùng thảo luận với quần chúng, bàn bạc thống nhất cách đánh địch theo phương châm "có lý, có lợi và đúng mức". Với chủ trương và phương châm đó, nhân dân các dân tộc Vĩnh Thạnh đã kiên quyết đấu tranh trước những âm mưu, thủ đoạn hiểm độc của địch, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để tự vệ và tiến công địch.

Địch tiến hành nhiều đợt khủng bố, đánh phá ác liệt, nhưng không một cán bộ nào bị lộ, không một cơ sở hợp pháp nào chịu khai báo, hầu như không lán trại bí mật nào của lực lượng "bất hợp pháp" bị địch phát hiện. Trái lại, qua các đợt đấu tranh này, sự đoàn kết và tin cậy, đùm bọc trong nội bộ quần chúng, sự gắn bó giữa quần chúng với cán bộ càng chặt chẽ. Ý thức cảnh giác chống địch lùng bắt người, nhất là chống địch bắt thanh niên lại càng cao. Phong trào chạy ra rừng sống bất hợp pháp, đòi thoát ly của thanh niên lại càng sôi sục, đòi hỏi phải có hành động quyết liệt hơn để chống lại kẻ thù. Chủ trương phát động quần chúng nổi dậy chống dồn dân, đã đưa phong trào toàn huyện tiến lên một bước mới.

Ngày 1-2-1959 tại cuộc họp các quận trưởng, tỉnh trưởng ngụy quyền Bình Định quyết định: "Năm 1959 là năm hướng về thượng du", "phải hoàn thành việc dời làng định cư càng sớm càng hay, tốt nhất là đầu năm 1959". Thực hiện chủ trương đó, Thái Qưới - quận trưởng Vĩnh Thạnh, qui định đến ngày 11-2-1959 (tức mồng 4 tết Kỷ Hợi) đưa đồng bào Thượng ở 2 xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo xuống khu định cư "ở quận lỵ" mở đầu cho "năm hướng về thượng du" của Vĩnh Thạnh. Kế hoạch chuyển dân là sẽ đưa lính lên từng làng đốc thúc, xúc dồn, nếu làng nào chống sẽ bị "làm cỏ" như vụ Nước Ly (An Lão).

Chính địch đã buộc ta phải hành động tức thì. Thi hành chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Thạnh ở Hội nghị Đák Trú (1-1959), ngày 6-2-1959 (tức ngày 29 tháng chạp năm Mậu Tuất), Ban cán sự quần chúng 2 xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo cùng một số già làng họp quyết định, trước mắt phải khẩn trương huy động nhân dân dời ngay vào làng bí mật, trước khi địch đưa lính lên từng làng cưỡng bức dồn dân, vừa tăng cường công tác bố phòng chống địch, vừa nhanh chóng ổn định nơi ăn ở của dân tại làng bí mật; đồng thời chú ý bảo vệ sản xuất, chống địch phá hoại hoa màu, chống âm mưu lập chính quyền làng, xã và cấy mạng lưới "cộng tác viên" để hình thành bộ máy chính quyền kẹp dân tại chỗ của địch.

Các làng trong huyện đồng loạt triển khai chủ trương: Lợi dụng thế hiểm trở của núi rừng, đồng bào đã xây dựng thế trận bố phòng thành 3 tuyến. Tuyến một gồm các ngả đường vào làng cũ nơi có thể xảy ra các trận chiến đấu giữa ta và địch, do các tổ chức tự vệ thay nhau ngày đêm đánh địch. Tuyến thứ hai là cả một mạng lưới hầm và bãi chông, kết hợp với bẫy đá, mang cung dày đặc cùng những tổ tác chiến lợi hại, bất ngờ. Đây là tuyến chiến đấu quan trọng với mục đích ngăn chặn địch đánh vào làng bí mật. Tuyến thứ ba là nơi ở của dân, vừa là nơi cất giấu lương thực và tài sản, vừa phục vụ các tuyến trước chiến đấu.

Tháng 3-1959 địch quyết dùng sắt thép hòng đè bẹp cuộc nổi dậy đầu tiên của Vĩnh Thạnh, chỉ trong vòng 1 tháng địch mở 3 trận càn vào cả 3 làng của xã Vĩnh Hiệp. Đáng chú ý nhất là trận đánh ở làng Tơ Lóc vào cuối tháng.

Với các trận chiến đấu tại làng Hà Ri, Tơ Lóc, Tơ Lét, quân dân xã Vĩnh Hiệp không những đẩy lùi 3 cuộc hành quân đàn áp, nổi dậy, loại hơn 40 tên địch, mà còn công khai dùng vũ trang để giữ vững quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đánh bại âm mưu dồn dân, lập chính quyền làng, xã để đàn áp dân tại chỗ của địch.

Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ngày 6-2-1959 là một chiến công oanh liệt và mãi mãi là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Vĩnh Thạnh.

. Long Vũ

 

CÁC TIN KHÁC >>
Khi quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống  (04/02/2004)
Bạn trẻ nghĩ gì về Đảng?   (03/02/2004)
Đảng Cộng sản Việt Nam - Ngọn cờ tập hợp trí tuệ và tinh hoa dân tộc   (02/02/2004)
Mùa xuân bên những ngôi nhà mới ở Vân Canh  (01/02/2004)
Khi mỗi đảng viên xác định được trách nhiệm của mình  (01/02/2004)
Tết này trên các bản làng  (30/01/2004)
Nguyễn Huệ và sự định vị nhân cách thời đại  (30/01/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa  (28/01/2004)
Đi theo con chữ vùng cao   (27/01/2004)
Chúng tôi rất tự hào về ba Ngài  (26/01/2004)
Tưng bừng từ ngày đầu tiên  (25/01/2004)
Mùa xuân trong mắt trẻ   (24/01/2004)
Khắp nơi tưng bừng đón giao thừa  (22/01/2004)
Tết, Tết, Tết…đến rồi  (21/01/2004)
Cuộc sống là mơ ước và vươn lên  (21/01/2004)