Kỷ niệm 45 năm ngày khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959-6.2.2004)
Hà Ri một lòng theo Đảng
15:59', 5/2/ 2004 (GMT+7)

Sau khi phá vỡ Hiệp định Giơnevơ, chế độ Ngô Đình Diệm đã ráo riết mở chiến dịch tố cộng từ nông thôn đến thành thị, cục diện chiến trường ở miền Nam mở ra một bước ngoặt mới. Cũng như bao vùng cao khác ở Bình Định, giữa khói lửa ác liệt, nhân dân làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp) luôn một lòng theo Đảng.

Với trọng trách giữ kho lúa của huyện do bộ đội sản xuất bàn giao lại trước khi đi tập kết (1954), cả làng đã ra tay kẻ chặt cây, người cắt tranh, cõng lúa vào ban đêm để che mắt quân giặc. Thanh niên trai tráng mỗi đêm phải gùi 2 chuyến từ chập tối đến khi con gà rừng cất tiếng gáy canh tư để nhanh chóng đưa hết 6 tấn lúa về bảo quản vùng núi sâu cho cách mạng. Không đầy 1 năm sau kho lúa bị lộ. Để bảo vệ bí mật những hạt gạo của Bok Hồ, nhiều người con của bản làng Hà Ri như Đinh Đum, Đinh Thong… đã bị địch bắt và tra tấn rất dã man, nhưng tất cả họ đều nhất quyết không khai. Cụ Đinh Chơn đã kéo cả lũ làng đến tận đồn giặc ở Hà Rơn đấu tranh để giành lại lúa gạo cho bà con. Đó là ngày 15 tháng 8 năm 1955. Cả làng từ già chí trẻ, đầy đủ giáo mác, cung, tên đến giáp mặt quân thù, không hề nao núng với lý lẽ sắt thép: "Đây là lúa của Cụ Hồ giúp dân làng cứu đói, chống dịch bệnh, các ông không thể lấy của chúng tôi…". Được sự chỉ đạo của một số đảng viên bí mật lúc bấy giờ và sự hỗ trợ kịp thời của nhân dân thôn Vĩnh Phúc, cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi, buộc kẻ địch phải trả lại gạo cho dân.

Nhưng cũng từ đó Hà Ri đã trở thành một điểm nóng trong huyện. Kẻ thù luôn dòm ngó và rắp tâm dồn vào ấp chiến lược để dễ bề kiểm soát nhưng ý đồ cách ly cộng sản của chúng đã liên tục thất bại trước ý chí sôi sục của người dân Hà Ry. Vào một dịp đầu năm mới, biết trước ý định của địch sẽ tổ chức dời làng về vùng kiểm soát của chúng, theo sự chỉ đạo, mọi hoạt động làm ăn của bà con vẫn diễn ra bình thường nhằm đánh lừa kẻ địch, song bên những ché rượu cần đầu năm, bài hát đồng ca chống dồn dân, lập ấp đã vang lên giữa rừng núi Hà Ry, như khơi mạch tinh thần cho cuộc chiến đấu mới. Đêm đó có mưa phùn, cuộc họp bí mật đã thống nhất kế hoạch sẽ xử tội tên chỉ điểm, phục kích giết lính đi càn, rồi tự đốt làng và di chuyển vào rừng sâu lập làng mới. Ông Đinh Gằm là cán bộ bí mật đã phối hợp chỉ đạo dân làng chia thành 4 bộ phận, vừa cảnh giới địch, vừa đi cắm chông, mang cung, vận chuyển lúa gạo và có một bộ phận trang bị đầy đủ cung tên học tập cách đánh ở các nơi, mai phục sẵn ở các vị trí xung yếu chờ địch. Đúng như dự kiến của dân làng, sáng hôm sau, quân lính đã kéo đến hung hăng đốt phá nhà cửa. Khi tốp lính đi đầu rơi vào tầm ngắm của tổ tự vệ do ông Đinh Chơn làm tổ trưởng, tại vùng nước xiết, hàng loạt mũi tên đã bất ngờ phóng ra từ các khe đá, tên chỉ huy phản dân đã bị thương nặng, nhóm lính còn lại chạy tán loạn, rơi vào địa hình chông và mang cung gài sẵn, gây thương vong đáng kể cho bọn càn quét. Đây được coi là cuộc tổng diễn tập thắng lợi của dân làng Hà Ri. Qua đó mỗi người dân đã tự khẳng định được sức mạnh của ý chí con người trước vũ khí, bom đạn của kẻ thù. Ngay sau đó dân đã dời làng lên núi cao hơn, đi sâu hơn để bảo tồn lực lượng, tiếp tục chiến đấu.

Không đầy 3 tháng sau, một đại đội bảo an của địch đã mở cuộc càn quét thứ 2 đến làng mới nhằm bắt ép bà con quay về với "quốc gia", nhưng cũng như các lần trước, bọn chúng đã gặp sự chống trả quyết liệt của tổ tự vệ ông Đinh Lợi tại suối Tà Lớ. Dân làng đã quá rõ thủ đoạn mị dân của địch nên đồng tâm kiên quyết: "Thà chết trên gốc cây muồng, cây ké còn hơn quay về hợp tác với giặc". Ý chí đó đã một lần nữa chiến thắng quân thù. Trong cuộc đấu tranh kéo dài qua nhiều năm của người dân Hà Ri cho đến ngày toàn thắng đã có biết bao người con trong làng anh dũng ngã xuống, trong số đó có đồng chí Đinh Trang, một đảng viên dũng cảm, kiên cường.

Hà Ri hôm nay là một ngôi làng tiêu biểu cho những đổi thay trong thời kỳ đổi mới, đó là sự tiếp nối truyền thống của các bậc cha anh đi trước, là biểu tượng của mảnh đất một thời đã từng chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng rất hào hùng.

. Thái Bình Trọng

(Ghi theo lời kể của các đồng chí Đinh Krăng, Đinh Khê và Đinh Ni)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một chiến công, một niềm tự hào   (05/02/2004)
Khi quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống  (04/02/2004)
Bạn trẻ nghĩ gì về Đảng?   (03/02/2004)
Đảng Cộng sản Việt Nam - Ngọn cờ tập hợp trí tuệ và tinh hoa dân tộc   (02/02/2004)
Mùa xuân bên những ngôi nhà mới ở Vân Canh  (01/02/2004)
Khi mỗi đảng viên xác định được trách nhiệm của mình  (01/02/2004)
Tết này trên các bản làng  (30/01/2004)
Nguyễn Huệ và sự định vị nhân cách thời đại  (30/01/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa  (28/01/2004)
Đi theo con chữ vùng cao   (27/01/2004)
Chúng tôi rất tự hào về ba Ngài  (26/01/2004)
Tưng bừng từ ngày đầu tiên  (25/01/2004)
Mùa xuân trong mắt trẻ   (24/01/2004)
Khắp nơi tưng bừng đón giao thừa  (22/01/2004)
Tết, Tết, Tết…đến rồi  (21/01/2004)