Chúng tôi trở lại làng Kon-Tơlok thuộc xã vùng cao Vĩnh Thịnh huyện Vĩnh Thạnh vào một ngày đầu xuân, hàng điều hai bên đường làng đã phủ màu xanh non.
Bok Thư, một người dân trong làng vui vẻ cho biết: "Năm nay dân làng vui lắm vì ăn Tết trong ánh sáng của nguồn điện lưới quốc gia. Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, Tết này, bà con biết được các phong tục tập quán ăn Tết của các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước qua chương trình Đài truyền hình Việt Nam".
|
Bà con làng Kon-Tơlok chuẩn ăn Tết |
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng Kon-TơLok là nơi khởi nghĩa đầu tiên của huyện Vĩnh Thạnh với cuộc khởi nghĩa Tà Lók - Tà Lék (6-2-1959) nổi tiếng. Sau ngày giải phóng, truyền thống vẻ vang ấy được tiếp tục phát huy, người dân nơi đây đã ra sức khôi phục kinh tế, đưa vùng đất này thoát khỏi nghèo đói, ngày càng giàu đẹp.
Làng hiện có 62 hộ với 268 nhân khẩu là người Ba na, bà con chủ yếu sinh sống bám vào ruộng vườn, nương rẫy. Diện tích tự nhiên của làng gần 500 ha, chủ yếu là đồi núi, sông suối. Diện tích canh tác chỉ khoảng 70 ha, trong đó diện tích lúa ba vụ 7,5 ha và 61 ha điều…
Đầu năm 1997, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa" do huyện Vĩnh Thạnh phát động đã tác động mạnh đến đời sống bà con, thu hút được các giới, các đoàn thể tham gia hưởng ứng. Các phong trào thi đua rầm rộ, liên tục được dấy lên giữa các hộ, giữa các đoàn thể với những chỉ tiêu cụ thể, thiết thực như: thi đua thực hiện tốt ba công trình vệ sinh; thi đua sản xuất, nhà vườn sạch đẹp; thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình để xóa đói giảm nghèo; phong trào "ông bà mẫu mực" "trẻ em chăm ngoan" cũng được hưởng ứng tích cực.
Đặc biệt là từ sau khi đăng ký làng văn hóa thí điểm của tỉnh (19-8-1999) làng đã khôi phục 40 khung cửi dệt thủ công, 3 bộ cồng chiêng, xây dựng nhà rông là nơi để hội họp, diễn ra các sinh hoạt cộng đồng góp phần cho làng giữ được bản sắc văn hóa của người Bana. Có 100% gia đình đã đăng ký gia đình văn hóa và được các cấp công nhận (trong đó có 90% đạt xuất sắc). Việc cưới, việc tang đều tổ chức theo nếp sống mới. Tinh thần đoàn kết trong khu dân cư ngày càng gắn bó; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng giữ vững…
Đến nay, bộ mặt làng Kon-Tơlok đã nhiều khởi sắc, đời sống vật chất nâng lên rõ rệt. 100% số nhà được ngói hóa, đời sống nhân dân từng ngày ổn định, làng không còn hộ đói; 25 gia đình đã mua được xe máy.
Cơn "khát điện" ở Kon-Tơlok đã được giải tỏa bởi dự án phát triển điện nông thôn từ nguồn vốn vay của ADB. Điện được kéo đến tận gia đình đúng vào dịp kỷ niệm 58 năm Quốc khánh 2-9 (1945-2003). Điện về làng giúp nâng cao đời sống tinh thần, làm thay đổi cách sống, cách nghĩ của bà con. Giờ đây, gần 100% số hộ đã dùng điện lưới quốc gia. Nhiều gia đình đã mua được ti vi, đầu đĩa VCD, quạt điện, máy bơm nước và các vật dụng sinh hoạt gia đình. Mí Cứu khoe với tôi: "Nhà mí vừa mua tivi và đầu đĩa VCD hơn một triệu rưỡi đồng, mí xem tivi kênh nào cũng rõ, cũng hay, thật là ưng cái bụng. Từ khi có điện, nhà mí sáng sủa lắm, lại không tốn tiền nhiều như thắp đèn dầu trước kia".
Anh Bá Mẫu, trưởng thôn phấn khởi cho biết: "Làng có điện là một bước ngoặt lớn làm nên sự đổi thay của làng. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có 15 hộ mua tivi, đầu đĩa và hơn 95% số hộ có radio, cát-sét. Nhiều hộ đã học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình".
Chúng tôi chia tay làng Kon-Tơlok trong tiếng cồng chiêng của các thanh niên, điệu múa xoang uyển chuyển của các cô thiếu nữ, bà con vui mừng ăn Tết trong sự đổi thay của làng, mừng làng 5 năm liền được công nhận là làng văn hóa, đã được UBND tỉnh công nhận là làng văn hóa thí điểm của tỉnh. Một tương lai tràn đầy sức sống đang mở cho vùng đất này khi điện lưới quốc gia đã về đến từng gia đình, thắp thêm "nguồn sáng" cho bản làng.
. Long Vũ
|