|
Những ngôi nhà tranh vách đất như thế này đang dần được thay thế bằng nhà kiên cố. |
Những đợt lũ cuối năm 2003 ở tỉnh Bình Định đã làm cho 1.103 ngôi nhà sập hoàn toàn, 623 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Điều đó làm tăng thêm gánh nặng trong việc cải thiện nhà ở cho người nghèo. Tuy vậy lãnh đạo và các ngành chức năng của tỉnh vẫn quyết tâm đến năm 2005 sẽ cơ bản
xóa xong nhà ở đơn sơ cho người nghèo.
Sau hai cơn lũ tháng 10 và 11 năm rồi, tỉnh đã quyết định hỗ trợ hơn 3,3 tỉ đồng để xây dựng lại 1.103 nhà bị sập hoàn toàn. Đến nay đã có hơn 700 nhà xây xong, số còn lại đang tiếp tục xây dựng. Ngoài ra, thông qua Hội LHPN tỉnh, Chương trình hỗ trợ của Chính phủ Canada đã giúp đỡ xây dựng lại nhà cho 40 gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Hội Chữ thập đỏ Na- uy cũng đã thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh ủng hộ 3.480 tấm tol cho 145 gia đình sửa lại nhà. Đặc biệt gần đây nhất, Tổ chức Cứu trợ phát triển CRS (LHQ) đã quyết định hỗ trợ xây dựng 125 nhà chất lượng cao hơn cho những gia đình bị sập nhà do lũ lụt, gia đình nghèo trong cộng đồng; và nhất là ưu tiên cho các gia đình có phụ nữ làm chủ hộ, gia đình đông con hoặc gia đình có người già yếu, tàn tật. Nhà xây theo thiết kế mẫu của Sở Xây dựng ban hành, được cấp thẩm quyền phê duyệt; mỗi nhà trị giá 15 triệu, trong đó CRS hỗ trợ 9 triệu, còn lại chính quyền địa phương và chủ nhà tự lo.
Trước đó, tỉnh đã quyết định trích ngân sách hỗ trợ xây dựng lại nhà cho 1.672 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ nghèo khác ở các xã vùng cao; đến nay đã có gần 400 nhà được xây xong, số còn lại đang tiếp tục xây dựng. Nếu xây xong, xem như đã cơ bản giải quyết xong số nhà ở đơn sơ ở 3 huyện miền núi: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão. Tính chung, trong 2 năm 2002 và 2003 toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng lại nhà cho 2.889 hộ, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2.272 hộ, các nguồn huy động khác: 617 hộ.
Theo ông Phan Như Hải, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Định, số nhà ở đơn sơ còn lại cần hỗ trợ xây dựng là 6.036 cái với tổng số tiền phải hỗ trợ hơn 18 tỉ đồng. Tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ xây dựng 3.000 nhà trong năm 2004 với số tiền 9 tỉ, trong đó ngân sách tỉnh 4 tỉ, các nguồn huy động khác: 5 tỉ. Năm 2005 sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng 3.036 nhà còn lại với số tiền là 9,108 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 4 tỉ, huy động trên 5,1 tỉ đồng. Nguồn huy động được hình thành theo 3 cấp (tỉnh 30%, huyện - thành phố 40% và xã - phường 30%); hướng vào các đối tượng là cán bộ công chức nhà nước, lao động trong các doanh nghiệp và nhân dân trong độ tuổi lao động.
Kế hoạch xem ra có tính khả thi nhưng việc thực hiện không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực lớn lao của các ngành, các cấp. Thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy một số nơi vẫn còn lúng túng, tiến độ chậm, cá biệt có một số trường hợp chưa được xét duyệt chính xác, hợp lý. Mặt khác, cuộc sống có thể sẽ biến động so với tính toán hôm nay. Ở một tỉnh thiên nhiên khắc nghiệt như Bình Định lấy gì bảo đảm sẽ không có những trận bão, lũ làm thiệt hại về nhà cửa không ai lường hết. Rồi theo quy luật tự nhiên, con cái các nhà sẽ được dựng vợ, gả chồng, ra ở riêng; một hộ nghèo sẽ chia thành 2-3 hộ nghèo; có nghĩa sẽ có thêm nhiều nhà tạm bợ mà hôm nay chưa thể biết được. Xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo - cái đích đang đến gần, nhưng không dễ có ngay được.
. Ngọc Minh