Thực đơn thời... cúm gà ở các trường bán trú, nội trú
16:48', 10/2/ 2004 (GMT+7)

Kể từ khi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ra công bố có dịch cúm gà trên địa bàn tỉnh, tại những trường học có học sinh bán trú và nội trú, thực đơn đã được các trường chủ động thay đổi.

* Cùng đồng loạt thay đổi

Từ khi dịch cúm gà xảy ra, bữa ăn hàng ngày của học sinh - sinh viên các trường đã có sự thay đổi (ảnh: Cát Hùng)

Trong buổi chợ sáng ngày 9-2 cho các học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định, chị Hoa Lý đã mua các loại thực phẩm đúng như kế hoạch đề ra của trường. Món thịt heo nấu canh với cải cúc, món cá nục kho mặn thêm chút nước sốt cà cộng với món xào củ quả thập cẩm, mỗi thứ được đôn thêm một ít thế là thành một bữa ăn trưa ngon lành cho các em. Đã thành thói quen gần nửa tháng nay, trong thực đơn của chị Lý không hề có các loại thực phẩm từ gia cầm. Món trứng chiên, đổ chả là món truyền thống được các học sinh ưa thích cũng bị loại bỏ ra khỏi thực đơn. Tại trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định với 480 học sinh nội trú, Ban Giám hiệu trường đã chỉ đạo cho nhà bếp tuyệt đối không được đưa vào bữa ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm.

Trong khi đó, tại Trung tâm phục vụ sinh viên trường Đại học Quy Nhơn, Ngân Hà (sinh viên khoa Ngữ Văn) đang dùng bữa bỗng buông đũa nói như thanh minh với người viết bài này: "Từ trước đến nay, trứng gà trứng vịt đổ chả hay kho nấu đều là món khoái khẩu của tôi. Nhưng kể từ khi có dịch cúm gà, Trung tâm phục vụ sinh viên của trường không nấu món trứng nữa và tôi cũng "cạch" luôn, không dám rờ tới. Dù có thèm đến đâu chăng nữa cũng phải chờ cho qua trận dịch này đã". Nói xong, Ngân Hà chỉ tay vào đĩa cơm cá với đậu phụ rán và tiếp tục hoàn thành nốt bữa trưa của mình.

Có thể nói, sự thay đổi khẩu phần ăn trong thực đơn thời... cúm gà diễn ra rõ nhất là tại các trường tiểu học và mầm non bán trú. Hiệu trưởng Trường mầm non bán trú Quy Nhơn, bà Nguyễn Thị Hồng Lê cho biết: "Nhà trường hiện có 480 cháu của cả ba khối lớp mầm, chồi và lá. Do đó, không đợi đến khi tỉnh công bố có dịch mà ngay từ đầu tháng 1 khi vừa mới biết qua các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin về tình hình dịch bệnh gà tại một số tỉnh phía Nam và phía Bắc, nhà trường đã kịp thời có sự điều chỉnh khẩu phần ăn cho các cháu. Nếu trước kia trong thực đơn của các cháu, các buổi ăn sáng, trưa, chiều cho đến món quà xế đều có món trứng, cháo gà, cháo vịt, bánh bông lan thì nay chúng tôi đã thay đổi bằng các món ăn khác nhưng vẫn cân đối năng lượng hấp thụ cho các cháu". Để đảm bảo thực đơn ăn hàng ngày, bà Hồng Lê tự tay mình lên... thực đơn để tổ cấp dưỡng thực hiện. Những món ăn giàu chất dinh dưỡng như: trứng đổ chả, miến gà, cháo gà, cháo vịt, phở gà, trứng cút kho thịt... không còn trong thực đơn hàng tháng của trường. Thay vào đó, bà thay đổi bằng các món ăn nấu với cá, lươn, tôm, cua, ghẹ và các món thịt kèm đậu phộng. Món quà xế trước đây thường là trứng gà, bánh bông lan thì bây giờ nhà trường bỏ hẳn, đồng thời tăng cường thêm các loại trái cây và nước ép hoa quả.

* Và những khó khăn

Một thực tế, khi sản phẩm của các loại gia cầm không còn xuất hiện trong bữa ăn thì cũng đồng thời các thực phẩm khác bắt đầu có hiện tượng "leo thang" giá cả một cách đột biến. Chính điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các trường, đặc biệt đối với các trường mầm non và tiểu học. Bởi lẽ, thực đơn của các trường cũng bị hạn chế đi ít nhiều. Đặc điểm phát triển của các cháu ở lứa tuổi này cần có đầy đủ các chất để đảm bảo lượng Protit, Lipit và Gluxit trong mỗi bữa ăn. Sản phẩm từ các loại gia cầm có lượng đạm cao nên khi thay thế bằng các sản phẩm khác thường rất khó. Bà Phan Thị Thiện, Hiệu trưởng Trường mầm non bán công Hoa Hồng (Quy Nhơn), boăn khoăn: "Các sản phẩm từ gia cầm thường phong phú, dễ chế biến vì lượng đạm cao nên được tổ cấp dưỡng sử dụng thường xuyên trong thực đơn của mỗi tuần. Do đó, khi bị cắt đi bắt buộc chúng tôi phải bổ sung thêm các loại sản phẩm cá tươi, thịt bò, thịt heo... Nhưng với sự gia tăng giá cả như hiện nay, chúng tôi phải đau đầu để vạch ra những thực đơn thích hợp cho mỗi suất ăn của các cháu". Còn bà Hồng Lê thì cho hay, khi thực đơn thay đổi, tổ cấp dưỡng của trường phải dày công hơn vừa để chế biến thức ăn phong phú vừa đảm bảo khả năng hấp thụ của trẻ.

Tuy các trường đã có sự linh hoạt trong việc phục vụ ăn uống cho học sinh - sinh viên trong thời gian dịch cúm gà đang diễn ra nhưng vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn nảy sinh. Và hơn ai hết, họ mong muốn cơn dịch sớm bị dập tắt để mọi thứ được trở lại bình thường.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTƯ Đảng (khóa IX) để tạo chuyển biến rõ nét hơn   (09/02/2004)
Xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo: Cái đích đang đến gần  (08/02/2004)
Kon-Tơlok mùa xuân này   (06/02/2004)
Hà Ri một lòng theo Đảng   (05/02/2004)
Một chiến công, một niềm tự hào   (05/02/2004)
Khi quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống  (04/02/2004)
Bạn trẻ nghĩ gì về Đảng?   (03/02/2004)
Đảng Cộng sản Việt Nam - Ngọn cờ tập hợp trí tuệ và tinh hoa dân tộc   (02/02/2004)
Mùa xuân bên những ngôi nhà mới ở Vân Canh  (01/02/2004)
Khi mỗi đảng viên xác định được trách nhiệm của mình  (01/02/2004)
Tết này trên các bản làng  (30/01/2004)
Nguyễn Huệ và sự định vị nhân cách thời đại  (30/01/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa  (28/01/2004)
Đi theo con chữ vùng cao   (27/01/2004)
Chúng tôi rất tự hào về ba Ngài  (26/01/2004)