Tự hào thanh niên xung phong
16:5', 11/2/ 2004 (GMT+7)

Thanh niên tình nguyện thu hoạch lúa giúp dân

Trong hai cuộc kháng chiến, thanh niên xung phong (TNXP) là lực lượng đi đầu phục vụ chiến đấu. Thời bình, TNXP cũng là lực lượng nhận lãnh những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ đã có mặt ở công trường hầm đèo Hải Vân, đường Trường Sơn..

* Một thời hào hùng

Từ năm 1966, Bình Định đã thành lập được lực lượng TNXP. Sau đó, do chiến tranh ác liệt, lực lượng này được điều về khu, một số chuyển sang quân đội, các ban ngành khác. Đến năm 1968, Tỉnh ủy Bình Định quyết định thành lập Tổng đội TNXP với quân số gần 1.000 người. Lực lượng này có nhiệm vụ đi sát các xã từ Hoài Nhơn lên Hoài Ân, Gia Lai để tuyển quân, mở đường, chuẩn bị lương thực thực phẩm chi viện cho hậu cứ, tiền phương, vận chuyển vũ khí phục vụ chiến trường. Nhiệm vụ quan trọng của Tổng đội TNXP là tổ chức tiếp nhận vũ khí từ Trung ương vào, chuyển lương thực từ "khẩu" (đồng bằng) lên hậu cứ.

Ông Trần Đình Tạo - Phó Ban liên lạc cựu TNXP Bình Định trong thời kỳ chống Mỹ - nhớ lại: "Hồi đó, TNXP chúng tôi làm tất cả mọi việc trước và sau một trận đánh: vận chuyển lương thực, đưa bộ đội qua sông, tải đạn, tải thương, quyên góp lương thực, huy động lực lượng tại chỗ… Ai cũng hăng hái, chẳng từ nan việc gì mặc dù điều kiện sống và phục vụ chiến đấu rất gian khổ". Còn ông Lê Hữu Tâm - Trưởng Ban liên lạc cựu TNXP Bình Định - kể: "Mới đầu, có cô TNXP còn sợ vắt không dám đi cõng gạo, cõng đạn, nhưng rồi dần dần cũng quen và cõng được 15-20kg, rồi 40-50kg. Lại còn có cô bị đau rụng hết tóc. Dù vậy, ai cũng hăng hái làm việc".

Với bộ quần áo màu xanh (hoặc nâu), mũ tai bèo xanh, ba lô, thắt lưng, bi đông nước đeo bên hông, những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi hăng hái đi theo những lời giục giã "đi đầu quân, đi trong mùa động viên", "từ ngày đô thị vùng lên chị em mình đi tải đạn để các anh đi diệt thù…". Lấy sức người thay cho phương tiện, đội quân TNXP đã bất chấp máy bay, bom đạn để vận chuyển hàng về tới đích. Có người đã ngã xuống, và những người còn sống lại tiếp nối.

* Về lại đời thường

Bây giờ, những người lính áo xanh mũ tai bèo năm xưa, người trẻ nhất cũng đã 50 tuổi. Có người đã lên chức ông, bà, nhưng cũng có người kém may mắn không thể làm cha, làm mẹ. Sau giải phóng, có người tiếp tục ở lại công tác, có người ra quân, trở về với đời thường. Cuộc sống với bao bận rộn, lo toan nhưng những chiến sĩ năm xưa vẫn giữ mối liên lạc với nhau. Đầu năm 2001, Ban liên lạc cựu TNXP Bình Định trong thời kỳ chống Mỹ ra đời (tập hợp hơn 1.500 cựu TNXP) và đến nay, một số huyện như Hoài Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn… đã thành lập được tiểu Ban liên lạc cựu TNXP. Theo ông Lê Hữu Tâm, có hơn 200 TNXP đã hy sinh và hầu hết đã được công nhận liệt sĩ, các TNXP bị thương cũng đã được hưởng chế độ thương binh. Hiện nay, Tỉnh Đoàn Bình Định (cơ quan quản lý lực lượng cựu TNXP) cùng với Ban liên lạc cựu TNXP đã tổ chức trao Kỷ niệm chương TNXP, hướng dẫn, giúp đỡ các cựu TNXP xác minh lý lịch, chứng nhận để làm chế độ thương binh, được hưởng chế độ trợ cấp một lần của Nhà nước; giúp đỡ, động viên các gia đình cựu TNXP gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tiếp bước truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước và phát huy sức trẻ phục vụ đất nước trong sự nghiệp CNH-HĐH ngày nay, Tỉnh Đoàn Bình Định đã xây dựng đề án thành lập Tổng đội TNXP Bình Định (đang chờ các cơ quan liên quan góp ý để hoàn chỉnh, tiến tới triển khai). Anh Nguyễn Tuấn Thanh - Chánh văn phòng Tỉnh Đoàn - khẳng định: "Chương trình này vừa giải quyết việc làm cho thanh niên vừa phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh". Tuy vậy, để chương trình này đem lại hiệu quả, những người làm công tác tổ chức cần có một tầm nhìn xa và rộng, như lời ông Trần Đình Tạo góp ý: "Thành lập lực lượng TNXP bây giờ là một việc rất tốt. Nhưng để phát huy tối đa hiệu quả của lực lượng này, chúng ta cần phải nghĩ đến việc đào tạo TNXP, ngay trong họ khi đang làm công việc hiện tại và cả khi đã xong việc, đồng thời sau này phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng với sự cống hiến của họ".

. Nguyên Sương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tưng bừng ngày hội tòng quân  (10/02/2004)
Thực đơn thời... cúm gà ở các trường bán trú, nội trú   (10/02/2004)
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTƯ Đảng (khóa IX) để tạo chuyển biến rõ nét hơn   (09/02/2004)
Xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo: Cái đích đang đến gần  (08/02/2004)
Kon-Tơlok mùa xuân này   (06/02/2004)
Hà Ri một lòng theo Đảng   (05/02/2004)
Một chiến công, một niềm tự hào   (05/02/2004)
Khi quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống  (04/02/2004)
Bạn trẻ nghĩ gì về Đảng?   (03/02/2004)
Đảng Cộng sản Việt Nam - Ngọn cờ tập hợp trí tuệ và tinh hoa dân tộc   (02/02/2004)
Mùa xuân bên những ngôi nhà mới ở Vân Canh  (01/02/2004)
Khi mỗi đảng viên xác định được trách nhiệm của mình  (01/02/2004)
Tết này trên các bản làng  (30/01/2004)
Nguyễn Huệ và sự định vị nhân cách thời đại  (30/01/2004)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa  (28/01/2004)