Người "gieo chữ" bên sông
16:54', 12/2/ 2004 (GMT+7)

. Phóng sự của Xuân Nguyên

Lớp học tình thương của thầy Nguyên

Trong rất nhiều cái nghèo thì nghèo chữ nghĩa được coi là nghèo nhất và cũng là cái nghèo đau đớn nhất. Có lẽ chính vì hiểu được điều đó mà trong hơn 10 năm qua, ở khu vực 7, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, có một người đã âm thầm vượt lên bao khó khăn của cuộc sống thường nhật để giúp lớp lớp trẻ em ở đây được đến trường học cái chữ, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Đó là ông Lê Sĩ Nguyên.

Đến phường Nhơn Bình mà hỏi thăm nhà ông Sáu Nguyên dạy lớp học tình thương thì có rất nhiều người biết và họ luôn nhắc đến ông với một tình cảm trân trọng. Lớp học của ông Lê Sĩ Nguyên nằm nép mình bên đê sông Hà Thanh. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyên kể: Cha ông vốn cũng là một người làm nghề "gõ đầu trẻ" từ năm 20 tuổi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 82. Nối nghiệp và cũng là thực hiện tâm nguyện cuối cùng của người cha, từ năm 25 tuổi ông Lê Sĩ Nguyên đã bắt đầu gắn bó với nghề dạy học. Ông bảo với chúng tôi là dường như ông rất có duyên nợ với nghề này bởi vì đi đến đâu thấy có trẻ em thất học là ông lại đau lòng, xót ruột và lại nghĩ đến chuyện mở lớp để dạy chữ cho các em. Trong khoảng 10 năm, từ 1979 đến 1989, gia đình ông chuyển lên sống ở Canh Hiệp, huyện Vân Canh, thấy con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây do điều kiện kinh tế quá khó khăn không có điều kiện đến trường để học lấy cái chữ, ông đã học tiếng nói của đồng bào rồi tình nguyện đứng ra dạy chữ cho các em. Đến năm 1990, khi trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở khu vực 7, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, thấy lũ trẻ ven dòng Hà Thanh có nhiều em thất học nhiều vì gia đình nghèo khổ, tình thương trong ông lại trỗi dậy và ông lại nghĩ đến chuyện mở lớp để "gieo chữ" ở đây.

Và để có được nơi học tập cho các cháu, ông Nguyên đã thuyết phục vợ bỏ ra 8 chỉ vàng để xây dựng một gian phòng làm lớp học. Vợ ông vốn là một người cũng thích làm việc thiện nên lớp học của ông sớm ra đời. Ban đầu, lớp học của ông Nguyên chỉ có 5-7 em. Vợ chồng ông mua đèn, dầu thắp sáng, mua sách vở cấp không và động viên các cháu theo học. Ngoài việc dạy cho các em biết chữ, ông Nguyên còn chú trọng đến việc dạy những điều hay, lẽ phải, dạy đạo lý làm người cho các em mà chẳng hề nhận lấy một đồng tiền công. Đến năm 1991, khi có chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ, ngành GD-ĐT thành phố Quy Nhơn đến vận động ông tham gia cộng tác ông cũng chẳng từ nan. Tiếng lành đồn xa, học sinh đến lớp học tình thương của ông Nguyên giờ đã lên đến 20-30 em và không chỉ có con em lao động nghèo ở khu vực 7, phường Nhơn Bình, mà còn có cả các em xóm lò vôi Trường Úc và cả các cháu ở Quảng Vân, Phổ Trạch thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, bên kia sông Hà Thanh. Học sinh đến lớp học của ông Nguyên đủ mọi lứa tuổi, từ các cháu mẫu giáo đến các cháu học lớp 5. Những cháu có học lực khá, ông Nguyên tạo điều kiện để các cháu theo học tại Trường tiểu học số 2 Nhơn Bình.

Đặc biệt, trong năm vừa qua, từ số tiền phụ cấp ít ỏi hàng tháng gom góp được, vợ chồng ông Lê Sĩ Nguyên đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng đổ đất dưới chân đê sát cạnh nhà để xây dựng một phòng học mới. Hôm chúng tôi đến thăm ông Nguyên cũng là lúc ông vừa lên Trường Úc, Tuy Phước, mua một chiếc sõng tre về để chở các em học sinh ở Quảng Vân, Phổ Trạch thuộc xã Phước Thuận (Tuy Phước) bên kia sông Hà Thanh sang bên này học chữ. Ông bảo, thấy các cháu lội sông ông không an tâm một chút nào nên mua chiếc sõng tre về để đưa đón các cháu đến lớp. Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, một phụ huynh có con theo học tại đây, kể: "Thầy Sáu Nguyên dạy mấy đứa nhỏ tận tình lắm. Tôi suốt ngày quần quật với công việc, không có thời gian chỉ bảo việc học cho con nhưng tôi thấy con bé Hoa ở nhà theo học tại lớp học tình thương của thầy rất mau tiến bộ. Mùa mưa lũ, thầy còn đưa đón học sinh đến lớp rất tận tình vì sợ lũ trẻ lội nước nguy hiểm. Bà con chúng tôi ở đây biết ơn thầy nhiều lắm".

Nhưng có lẽ thú vị nhất là chuyện người bán chiếc sõng tre cho ông Nguyên. Biết ông là người nhiều năm dạy lớp học tình thương và mua sõng về để đưa đón học trò đi học nên mặc dù đã bán với giá 150.000 đồng, nhưng ông này chỉ lấy 120.000 đồng. Hay như chuyện ông Ba Kỳ, một bác sĩ ở TP Quy Nhơn, biết được những việc làm của ông Nguyên nên đã tự mình mua 1 cái bảng lớn và trực tiếp chở bằng xe máy lên tặng cho lớp học của ông Nguyên. Ông Nguyên xúc động và vui lắm.

Với những đóng góp của mình, trong những năm qua, ông Lê Sĩ Nguyên đã được trao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam" cùng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Thế nhưng, trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyên bảo, với ông niềm vui lớn nhất và cũng là hạnh phúc lớn nhất của đời ông là làm sao cho lũ trẻ 2 bên bờ sông Hà Thanh này đều được đi học, đều biết cái chữ để có điều kiện vươn lên thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng từ bao đời nay. Mà một khi đã thoát khỏi đói nghèo thì chắc chắn là sẽ thoát được cái vòng lẩn quẩn là đói nghèo thì thường dễ thất học, mà thất học thì thường dẫn tới đói nghèo. Niềm mong mỏi của ông Lê Sĩ Nguyên mới đáng quý làm sao.

. X.N

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tự hào thanh niên xung phong  (11/02/2004)
Tưng bừng ngày hội tòng quân  (10/02/2004)
Thực đơn thời... cúm gà ở các trường bán trú, nội trú   (10/02/2004)
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTƯ Đảng (khóa IX) để tạo chuyển biến rõ nét hơn   (09/02/2004)
Xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo: Cái đích đang đến gần  (08/02/2004)
Kon-Tơlok mùa xuân này   (06/02/2004)
Hà Ri một lòng theo Đảng   (05/02/2004)
Một chiến công, một niềm tự hào   (05/02/2004)
Khi quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống  (04/02/2004)
Bạn trẻ nghĩ gì về Đảng?   (03/02/2004)
Đảng Cộng sản Việt Nam - Ngọn cờ tập hợp trí tuệ và tinh hoa dân tộc   (02/02/2004)
Mùa xuân bên những ngôi nhà mới ở Vân Canh  (01/02/2004)
Khi mỗi đảng viên xác định được trách nhiệm của mình  (01/02/2004)
Tết này trên các bản làng  (30/01/2004)
Nguyễn Huệ và sự định vị nhân cách thời đại  (30/01/2004)