Một nội dung cơ bản và nhất quán trong Tư tưởng Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng XHCN. Ngay từ rất sớm Người đã nói rõ "ham muốn" tột bậc của mình là làm sao cho đất nước được hoàn toàn độc lập, dân tộc được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Và qua 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, cuối cùng Người khẳng định, tin tưởng rằng: chỉ có CNXH mới là con đường để "ham muốn" đó được thực hiện. Tư tưởng của Bác đã trở thành tư tưởng hướng đạo cho cách mạng Việt Nam.
Thực tế cho thấy, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc. Không giành được độc lập dân tộc thì không có điều kiện để xây dựng CNXH. Độc lập dân tộc thật sự đòi hỏi xóa bỏ áp bức, nô dịch của dân tộc này với dân tộc khác, gắn liền độc lập dân tộc với tự do, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân, do đó chỉ có thể gắn liền với sự phát triển xã hội XHCN. Chính nhờ sự kiên định nội dung tư tưởng đó mà Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết nên một lịch sử Việt Nam anh hùng với những mốc son chói lọi: Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và đi lên xây dựng CNXH. Tư tưởng đúng đắn, hợp quy luật, hợp lòng dân đó đã được Đảng quán triệt xuyên suốt trong cả tiến trình cách mạng, đặc biệt là trong quá trình đổi mới.
Đại hội lần thứ VI (12-1986) của Đảng mở đầu thời kỳ đổi mới đất nước đã khẳng định: "Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII tiếp tục nhấn mạnh: "Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta".
Tiếp tục dòng chảy xuyên suốt và thống nhất đó, Báo cáo chính trị được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VIII xác định bài học quan trọng đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: "Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh".
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (4-2001) - Đại hội đầu tiên của thế kỷ XXI, đại hội của dân chủ, trí tuệ, đoàn kết và đổi mới đã tiếp tục khẳng định: "Trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh". Như vậy, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trên thực tế đã trở thành dòng chủ lưu, là tư tưởng xuyên suốt, được quán triệt và đề cao trong sự nghiệp đổi mới mà toàn dân ta đang tiến hành.
Chính nhờ sự kiên định đầy quyết tâm đó cùng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng mà nhân dân ta đã đứng vững và tiếp tục kiên trì mục tiêu CNXH trong khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đã lâm vào thoái trào, tan rã; tạo cơ sở khẳng định vị thế và sức mạnh của cách mạng Việt Nam trên trường quốc tế. Niềm tin đối với Đảng trong lòng nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường, tạo đà cho sự phát triển mạnh hơn, cao hơn, triệt để hơn của thời kỳ CNH-HĐH.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, trước tình trạng nhiều vấn đề xã hội bức xúc và gay gắt chưa được giải quyết tốt như nạn thiếu việc làm, sự phát triển của tệ nạn xã hội, sự khó khăn về đời sống của một bộ phận nhân dân, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã cảnh báo là nguy cơ chệch hướng XHCN, tụt hậu xa hơn về kinh tế, "diễn biến hòa bình" và tệ quan liêu tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp thì việc giữ vững định hướng, mục tiêu XHCN càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Hơn 70 năm chiến đấu và trưởng thành, Đảng ta đã hoàn thành được một phần sứ mệnh lịch sử: đất nước độc lập, thống nhất, đi lên CNXH. Song con đường phía trước không hoàn toàn bằng phẳng, trơn tru. Sự đan xen sâu sắc giữa những thời cơ và thách thức mà thời đại đặt ra, buộc dân tộc ta, Đảng ta và bản thân mỗi người dân Việt Nam chúng ta phải "lớn" hơn ngày hôm qua. Trên bệ phóng của những thành công rực rỡ mà cha ông đã xây dựng, thế hệ trẻ Việt Nam khát khao được là người kế nghiệp xứng đáng. Thiết nghĩ, để khát khao ấy được thắp sáng, điểm xuất phát trước hết phải là sự trung thành đối với Tổ quốc, với lý tưởng của Đảng và của nhân dân, kiên định lập trường cách mạng, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, đặc biệt là nhất quyết thực hiện sứ mệnh: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, xây dựng thành công CNXH.
. Thi An |