Trò chơi điện tử vi tính: lợi ít, hại nhiều
16:44', 15/2/ 2004 (GMT+7)

Một điểm chơi game trên đường Ngô Mây (Quy Nhơn)

Trò chơi điện tử (TCĐT) trên máy vi tính có sức hấp dẫn với rất nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy TCĐT đã và đang gây ra nhiều tác hại không nhỏ cho trẻ em ở lứa tuổi này.

* Cuộc chơi bất tận

Đã 12 giờ trưa rồi mà thằng cu Lỳ 10 tuổi học lớp 4 vẫn chưa đi học về. Chị Nguyễn Thị Hương (KV1, phường Đống Đa, Quy Nhơn) đang loay hoay không biết phải tìm ở đâu thì một người hàng xóm cho biết vừa nhìn thấy cu Lỳ đang "chiến đấu" trong một điểm TCĐT trên đường Tăng Bạt Hổ. Chị Hương vội phóng xe đến đường Tăng Bạt Hổ và quả thật, cu Lỳ đang say sưa với trò chơi Comando 2 và đang chiến đấu với "kẻ thù". Mặc dù mẹ đã đứng bên cạnh đã lâu nhưng Lỳ vẫn không hề hay biết...

Trường hợp cu Lỳ chỉ là một trong số nhiều học sinh "quên đường về" sau buổi tan trường khi đã "lạc" vào các điểm TCĐT mọc lên khắp nơi ở Quy Nhơn. Đường Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, 1/4... (Quy Nhơn) là những nơi tập trung nhiều điểm TCĐT. Giá mỗi giờ chơi ở đó từ 2.000-3.000 đồng. Phần lớn các trò chơi trên máy vi tính là chiến tranh có đầy đủ súng ống, dao, kiếm... và có cả máu, được nối mạng với nhau. Một cháu trai học lớp 4 nói với tôi: "Cháu rất thích chơi điện tử vì nó hấp dẫn, đánh, đấm rất vui, có rất nhiều trò chơi. Chúng cháu có thể "đánh" nhau trên máy vi tính đã nối mạng, thằng nào thua thì trả tiền".

Anh Bảo - Một chủ điểm kinh doanh TCĐT có trên 20 máy tính trên đường Tăng Bạt Hổ, cho biết: "Khách hàng chủ yếu là các cậu học sinh cấp 1, cấp 2 thôi. Vào những ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật và các buổi trưa, chiều sau khi tan trường hầu như không còn máy nào trống. Các cháu tranh thủ sau giờ học ùa vào chơi. Nhiều đứa bị cha, mẹ đến đây cấm không được chơi nữa nhưng hôm sau lại thấy mặt tiếp. Bản thân mình thấy vậy cũng áy náy nhưng đã kinh doanh thì biết làm sao, vậy là để cho cháu nó chơi, mà nó không chơi nhà mình thì cũng nhảy sang chỗ khác".

Không chỉ chơi ở các điểm TCĐT, nhiều học sinh say sưa với những giờ chơi bất tận ngay trên bộ máy vi tính ở trong nhà mình. Nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế đã không tiếc tiền mua máy vi tính với mong muốn con mình có thể theo kịp thời đại thông tin, nhưng họ không hề biết rằng phần lớn con họ "chơi" nhiều hơn "học".

* Và những tác hại

Nhiều phụ huynh đã mua máy vi tính cho con mình học và chơi với mục đích giảm hẳn việc đi rong ngoài đường. Tuy nhiên, do lơ là trong việc quản lý nên nhiều em dành phần lớn thời gian cho TCĐT trên máy tính hơn thời gian học. Đến khi nhận kết quả báo cáo học tập ở nhà trường của con mình, nhiều phụ huynh mới sực tỉnh. Khi tìm hiểu thì biết được nguyên nhân chính là chiếc máy tính với trò chơi đánh nhau, đua xe...

Ngoài việc ảnh hưởng đến kết quả học tập, TCĐT còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, trí tuệ của học sinh. Chị Hương cho biết, từ ngày cu Lỳ biết chơi điện tử thì sức khỏe giảm hẳn vì đã dành số tiền mẹ đưa ăn sáng để chơi điện tử. Theo nhiều bác sĩ, hiện nay tỉ lệ trẻ em bị cận thị, nhức đầu giảm trí nhớ, thể lực giảm sút... trong đó có nguyên nhân nhân chính do ngồi nhiều giờ liền trước màn hình máy tính và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tia bức xạ trên màn hình... Đó là chưa kể các TCĐT trên máy tính với hình ảnh "bạo lực" như hiện nay, khó có thể lường hết được những tác hại của nó đối với các đối tượng trực tiếp sử dụng là thiếu niên.

. Anh Tú - Hải Yến

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong thời kỳ đổi mới  (13/02/2004)
Người "gieo chữ" bên sông  (12/02/2004)
Tự hào thanh niên xung phong  (11/02/2004)
Tưng bừng ngày hội tòng quân  (10/02/2004)
Thực đơn thời... cúm gà ở các trường bán trú, nội trú   (10/02/2004)
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTƯ Đảng (khóa IX) để tạo chuyển biến rõ nét hơn   (09/02/2004)
Xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo: Cái đích đang đến gần  (08/02/2004)
Kon-Tơlok mùa xuân này   (06/02/2004)
Hà Ri một lòng theo Đảng   (05/02/2004)
Một chiến công, một niềm tự hào   (05/02/2004)
Khi quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống  (04/02/2004)
Bạn trẻ nghĩ gì về Đảng?   (03/02/2004)
Đảng Cộng sản Việt Nam - Ngọn cờ tập hợp trí tuệ và tinh hoa dân tộc   (02/02/2004)
Mùa xuân bên những ngôi nhà mới ở Vân Canh  (01/02/2004)
Khi mỗi đảng viên xác định được trách nhiệm của mình  (01/02/2004)