Chuyện ăn ở trường mầm non
17:17', 16/2/ 2004 (GMT+7)

Giờ học ở trường mầm non Hoa Hồng

Có một bài hát của tuổi mẫu giáo: "Cô cho cháu ăn ngon, ngon lắm đấy. Cháu cám ơn cô nhiều, nhiều lắm đấy…". Nếu bạn có một đứa con nhỏ thì một trong những điều đầu tiên mà bạn luôn quan tâm là chuyện ăn. Con bạn đang học mẫu giáo thì chúng được ăn ở trường nhiều hơn ở nhà.

* Cháu ăn ở trường

Tôi đến Trường Mầm non bán công Hoa Hồng (Quy Nhơn) vào lúc các cháu sắp bắt đầu giờ ăn. Trong khi chờ cô giáo đi nhận những suất ăn từ nhà bếp, những đứa trẻ bắt đầu khiêng bàn, xếp ghế và tự động ngồi vào vị trí của mình. Mỗi nhóm cử ra một bạn làm công tác trực nhật và bạn này có nhiệm vụ chuẩn bị khăn ướt cho cả bàn lau tay. Trước khi ăn, cả lớp được cô giáo bắt nhịp đọc thơ và hát: "Mẹ cha công tác. Nhà máy Bát Tràng. Mang về cho bé. Cái bát xinh xinh… Nâng niu bé giữ. Mỗi bữa hàng ngày. Công cha, công mẹ. Bé cầm trên tay." Đứa nào cũng cố sức đọc. Đọc thật to bằng tất cả sự hồn nhiên của chúng. Và hình như sau mỗi bài hát, mỗi bài thơ chúng thấy bụng mình cồn cào thêm nên đứa nào cũng hớn hở "cháu xin cô!" khi được nhận bát cơm từ tay cô giáo. Rồi chúng ăn, thật ngon lành.

Cô Nguyễn Thị Phường, giáo viên của một lớp Lá cho biết: "Bát đầu tiên cô giáo xới cho các cháu để kiểm soát khẩu phần ăn. Đến bát thứ hai, các cháu nhận cơm, canh về từng bàn để được tự phục vụ". Thì ra, chuyện ăn ở trường mầm non không đơn giản là được ăn mà là được học. Chúng được học cách ăn sao cho gọn gàng, vét bát không kêu, khi ho phải quay mặt đi chỗ khác, trước khi ăn phải rửa tay sạch sẽ, phải "mời cô dùng cơm và các bạn cùng dùng cơm!". Những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy sẽ hình thành nên tính cách của chúng sau này. Trong khi ăn, cô giáo còn giới thiệu cho chúng các món ăn và những chất dinh dưỡng chúng sẽ nhận được qua món ăn ấy. Không khí ăn chính là chất xúc tác giúp chúng ngon miệng. Đang là mùa đông, nếu để cơm canh nguội lạnh, trẻ sẽ ăn không hứng thú. "Nhà trường đã trang bị thùng đựng cơm cách nhiệt và thùng inốc 2 ngăn dựng đồ ăn mặn và canh cho mỗi lớp" - Cô Phan Thị Thiện, Hiệu trưởng Trường Mầm non bán công Hoa Hồng, cho biết như vậy.

Khẩu phần ăn trưa của mỗi cháu ở lớp lá là hai bát cơm. Cô giáo hình như thuộc từng nết ăn của mỗi đứa. Cháu nào ăn ít, ăn chậm cô theo dõi, động viên, đôn đốc thực hiện cho hết phần ăn. Cháu nào ăn khỏe thì được ăn tự do. Tuy nhiên, đang trong tình trạng béo phì như bạn Duy thì cô phải hãm bớt nhu cầu lại… Tại lớp mầm 2, trong khi các bạn khác đã chuẩn bị đi ngủ thì cô giáo Phó Thị Kim Xuyến vẫn kiên nhẫn ngồi đút cơm cho hai cháu Ngọc Linh và Thục Oanh. Cô cho biết: "Chúng ngậm từ đầu bữa đến cuối bữa!". Để đảm bảo cho các cháu ăn hết khẩu phần, cô Xuyến đã phải sử dụng hết "biện pháp", nào là động viên, khích lệ rồi hò, hét, thúc ép. Cô Hiệu trưởng cho biết: "Lớp nào để thừa cơm, cô giáo sẽ bị đánh giá thi đua…". Tuy nhiên, để cho các cháu ăn, các cô giáo không chỉ làm tròn trách nhiệm mà còn dồn hết tình thương của mình vào mỗi bát cơm.

* Calo- mối quan tâm đầu tiên

Để lo cho các cháu ăn, nhiều trường Mầm non đã hợp đồng với các cô cấp dưỡng là những người đã "kinh qua" nhiều lớp học nấu ăn. Từ sáng sớm các cô đã có mặt ở trường để chuẩn bị bữa sáng cho các cháu. Các bữa ăn ở trường phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm chất bột, đạm, dầu mỡ và rau xanh với lượng Calo tương ứng từ 1000-1100 kcalo. Trên cơ sở đó, các cô cấp dưỡng cân đối và tính toán định lượng cho từng lứa tuổi để chế biến các món ăn sao cho đa dạng và thay đổi liên tục, mùa nào thức nấy để các cháu ăn ngon miệng. Bà Phan Thị Mai, 48 tuổi, một "đầu bếp" ở trường Mầm non bán công Hoa Mai đã có thâm niên gần 20 năm nấu ăn cho cháu, mô tả về cách nấu món cháo: "Chúng tôi phải chọn gạo thật ngon, sau đó đưa lên bếp than hầm nhuyễn. Thịt thì phải băm thật nhỏ, phi hành mỡ xào thật thơm, rau xay nhỏ, lọc lấy nước… chờ đến khi cháo chín mới bỏ thịt, bỏ rau vào. Do đó, món cháo bao giờ cũng thật sánh và thơm, ngon." Nấu ăn cho cháu cũng là một nghệ thuật và các món thì được chế biến theo đủ kiểu. Chỉ riêng món cơm cũng phải là cơm hạt cho các cháu mẫu giáo, cơm nát cho các cháu ở nhà trẻ rồi cháo cho các cháu mới tập ăn…

Để cho các món ăn thêm sinh động, hấp dẫn cháu, hàng năm, vào dịp 8-3, các trường còn tổ chức hội thi nấu món ăn mới cho các cô nuôi có dịp trổ tài. Những món nào phù hợp với khẩu vị và lượng Calo của cháu được phổ biến và trường bổ sung vào thực đơn các bữa ăn hàng ngày cho cháu. Nhờ đó, bảng thực đơn các bữa ăn trong tuần của các trường mầm non bao giờ cũng phong phú và đa dạng. Để chọn được thực phẩm ngon, nhiều trường đã hợp đồng với một số cơ sở cung ứng thực phẩm, buộc họ cam kết giao hàng đảm bảo lượng và chất cũng như an toàn thực phẩm. Rau xanh cũng được lấy từ nguồn rau an toàn do các cán bộ nông nghiệp trực tiếp cung ứng. Mỗi khi nấu xong một món ăn, các cô nuôi đều lưu lại một lọ thực phẩm "mẫu" để đề phòng những trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, làm cơ sở giúp các nhà chuyên môn phân tích.

Từ khi các trường mẫu giáo quốc lập ở TP Quy Nhơn chuyển sang mô hình trường bán công thì chuyện ăn lại được các trường quan tâm hơn. Thay vì phục vụ cho các cháu 3 bữa: sáng, trưa, xế, hầu hết các trường đều phục vụ thêm cho các cháu bữa chiều. Cô Nguyễn Thị Chín, Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hương Sen nhận xét: "Tăng thêm một bữa ăn, các cô nuôi, cô giáo phải vất vả hơn nhưng bù lại các cháu lên cân thấy rõ."

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia y tế, thể lực của một người trưởng thành phụ thuộc rất lớn vào chế độ dinh dưỡng hợp lý những năm đầu đời. Mà phần lớn chế độ dinh dưỡng đó được tạo nên từ những bữa ăn của cháu tại trường mầm non. Do đó, quan tâm đến chất lượng bữa ăn của cháu cũng là một cách để các trường tăng uy tín "nuôi" trước các bậc phụ huynh và xã hội.

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trò chơi điện tử vi tính: lợi ít, hại nhiều   (15/02/2004)
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong thời kỳ đổi mới  (13/02/2004)
Người "gieo chữ" bên sông  (12/02/2004)
Tự hào thanh niên xung phong  (11/02/2004)
Tưng bừng ngày hội tòng quân  (10/02/2004)
Thực đơn thời... cúm gà ở các trường bán trú, nội trú   (10/02/2004)
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTƯ Đảng (khóa IX) để tạo chuyển biến rõ nét hơn   (09/02/2004)
Xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo: Cái đích đang đến gần  (08/02/2004)
Kon-Tơlok mùa xuân này   (06/02/2004)
Hà Ri một lòng theo Đảng   (05/02/2004)
Một chiến công, một niềm tự hào   (05/02/2004)
Khi quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống  (04/02/2004)
Bạn trẻ nghĩ gì về Đảng?   (03/02/2004)
Đảng Cộng sản Việt Nam - Ngọn cờ tập hợp trí tuệ và tinh hoa dân tộc   (02/02/2004)
Mùa xuân bên những ngôi nhà mới ở Vân Canh  (01/02/2004)