Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành CNTT: Chưa được quan tâm đúng mức
16:19', 20/2/ 2004 (GMT+7)

Học viên lớp lập trình viên quốc tế

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Ở tỉnh Bình Định, do trình độ tiếng Anh của các học viên tương đối thấp, việc đào tạo bằng ngôn ngữ này trong các khóa học chuyên về CNTT ít được chú trọng. Hiện tượng này diễn ra trong các trường đào tạo đại học, cao đẳng chuyên ngành CNTT và ngay cả các khóa đào tạo lập trình viên quốc tế.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển CNTT (Ced@sit) là đơn vị duy nhất ở tỉnh Bình Định tiếp nhận chương trình đào tạo CNTT lập trình viên theo chuẩn quốc tế của tập đoàn Aptech Ấn Độ. Theo nội dung chương trình đào tạo lập trình viên quốc tế của Tập đoàn Aptech Ấn Độ, học viên phải học chương trình trên theo giáo trình được soạn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn các giáo trình được sử dụng là tiếng Việt.

Ông Nguyễn Chánh Thi - Trưởng phòng Tư vấn tiếp thị Ced@sit phân tích: "Có 50 tiết tiếng Anh/khóa học 2 năm cho học viên theo học chương trình lập trình viên quốc tế. Trong số 73 học viên đang học tại Ced@sit, trình độ tiếng Anh của họ được chia làm 2 nhóm rõ rệt. Nhóm thứ nhất gồm 12 học viên là cán bộ, công chức nên trình độ tiếng Anh của họ tốt hơn vì phần lớn đều trải qua quá trình học tập ở trường đại học, cao đẳng hoặc thời gian công tác nên khi tiếp xúc tiếng Anh chuyên ngành CNTT thì họ dễ dàng tiếp thu hơn. Ngược lại, 61 học viên còn lại đều là những học sinh vừa tốt nghiệp THPT, kiến thức tin học và tiếng Anh chuyên ngành CNTT còn thấp nên việc khai thác, tiếp thu những kiến thức CNTT bằng tiếng Anh còn nhiều hạn chế.".

Một học viên lớp lập trình viên quốc tế khóa 2 của Trung tâm, cho biết: "Do trình độ tiếng Anh của khá nhiều học viên còn hạn chế nên chúng tôi phải tiếp thu kiến thức của chương trình học ở Trung tâm bằng tiếng Việt. Thông tin từ sách, báo, Internet... để học thêm kiến thức trong lĩnh vực CNTT trong nước nói riêng và thế giới nói chung phổ biến là tiếng Anh nên chúng tôi cũng gặp một số hạn chế trong việc sưu tầm, nghiên cứu hoặc khai thác. Đây cũng là một trong những khó khăn cho chúng tôi để tìm hiểu những kiến thức và công nghệ đổi mới".

Không chỉ riêng Ced@sit, các đơn vị đào tạo đại học, cao đẳng chuyên ngành CNTT dưới các hình thức chính quy, liên kết như Đại học Quy Nhơn, Trung tâm Tin học Bình Định, Trường Cao đẳng sư phạm Bình Định cũng chưa đầu tư đầy đủ cho việc đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên. Điển hình như Đại học Quy Nhơn, bắt đầu đào tạo đại học chuyên ngành CNTT từ năm 1992, nhưng phần lớn số giờ học tiếng Anh và chương trình học tiếng Anh của sinh viên chuyên ngành CNTT vẫn được áp dụng giảng dạy như nhiều khoa, ngành khác trong trường (trừ khoa ngoại ngữ). Theo nhiều cựu sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT trường Đại học Quy Nhơn, suốt thời gian học ở trường, họ chưa bao giờ được tiếp xúc với tập giáo trình chuyên ngành CNTT nào bằng tiếng Anh. Chưa nói đến chuyện đọc, dịch tài liệu chuyên ngành CNTT, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, chuyên ngành CNTT ở tỉnh Bình Định đã phải đăng ký học cấp tốc lớp tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ để mong có được chứng chỉ A, B tiếng Anh nhằm hợp thức hóa thủ tục xin việc.

Báo cáo gần đây của Công ty tư vấn nhân lực Price Waterhour Cooper tại Việt Nam cho biết, phần lớn các lập trình viên đăng ký tuyển dụng tại các nhà tuyển dụng đều gặp trở ngại về ngoại ngữ - tiếng Anh. Đa số họ đều kém về kỹ năng giao tiếp và đọc tài liệu về tiếng Anh... Tại cuộc hội thảo mới đây do Ced@sit tổ chức nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nâng cao chất lượng tiếng Anh trong CNTT như: khâu tuyển sinh cần được tiến hành nghiêm túc sàng lọc; đào tạo lại hoặc bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên ngành tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên; tăng thời gian đào tạo tiếng Anh cho học viên; bổ sung nguồn sách, giáo trình tham khảo tiếng Anh...

Đã đến lúc tiếng Anh cần được đầu tư hơn nữa ở những đơn vị đào tạo CNTT trong tỉnh Bình Định nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tìm lại thế giới âm thanh cho trẻ em khiếm thính  (19/02/2004)
Chủ tịch phường tuổi 30   (18/02/2004)
Về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư   (17/02/2004)
Chuyện ăn ở trường mầm non  (16/02/2004)
Trò chơi điện tử vi tính: lợi ít, hại nhiều   (15/02/2004)
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong thời kỳ đổi mới  (13/02/2004)
Người "gieo chữ" bên sông  (12/02/2004)
Tự hào thanh niên xung phong  (11/02/2004)
Tưng bừng ngày hội tòng quân  (10/02/2004)
Thực đơn thời... cúm gà ở các trường bán trú, nội trú   (10/02/2004)
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTƯ Đảng (khóa IX) để tạo chuyển biến rõ nét hơn   (09/02/2004)
Xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo: Cái đích đang đến gần  (08/02/2004)
Kon-Tơlok mùa xuân này   (06/02/2004)
Hà Ri một lòng theo Đảng   (05/02/2004)
Một chiến công, một niềm tự hào   (05/02/2004)