Nghề giúp việc nhà
12:18', 22/2/ 2004 (GMT+7)

Giúp việc gia đình, nghề đang cần (ảnh: Văn Lưu)

"Biết ở đâu có "oshin", giới thiệu cho một người. Tiêu chuẩn chỉ cần thật thà, chịu khó, lớn tuổi một chút thì càng hay, trả lương hậu. Kiếm gần cả năm mà chưa ra đấy!" - Một người bạn nhờ vả… Xem ra, thời nay kiếm được người giúp việc gia đình (hay còn gọi là "oshin") cũng thật khó.

* Nghề đang cần

Vợ chồng anh N. có việc làm tương đối ổn định và thu nhập cao. Hai vợ chồng ra riêng từ hơn ba năm nay. Mọi việc rắc rối bắt đầu từ khi đứa con ra đời. Thứ nhất, đứa con đầu mới được hơn 7 tháng tuổi không ai trông nom vì không nhờ được ông bà. Thứ hai, cả hai đều rất bận, chị Thảo, vợ anh đi làm xa không thể cáng đáng thêm công việc đi chợ nấu ăn ngày hai bữa. Anh tâm sự: "Lúc còn son rỗi thì sao cũng xong nhưng có con thì mọi việc không đơn giản. Mới đầu hai vợ chồng bàn nhau hay là cứ để cô ấy tạm nghỉ việc lo tề gia nội trợ. Nhưng nghĩ lại thấy tiếc chỗ làm lương cao, vả lại vợ tôi cũng không muốn ở nhà. Cuối cùng chúng tôi quyết định thuê oshin". Cả hai vợ chồng về quê nhờ được người bà con xa lớn tuổi nhưng còn khỏe mạnh để trông con và lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Lương tháng 350.000 đồng bao luôn cơm. Một năm may vài bộ đồ, dịp lễ, Tết và khi bà về quê đều có quà cáp. "Rất sướng! Có bà ở nhà trông con mình yên tâm. Về đã có cơm ăn sẵn. Ngày nghỉ bà xã đi chợ để nấu mấy món mà mình thích", anh N. khoe. Còn đối với chị Hảo, tuy gia cảnh chưa lấy gì khấm khá cho cam, nhưng vì hoàn cảnh neo đơn, anh chị cũng đành "bấm bụng" nhịn các khoản chi khác để thuê oshin giữ con. "Nghỉ sinh 4 tháng tôi phải đi làm, trước đó tôi đã nhờ người thân giới thiệu cho một cô bé ở quê lên trông em. Cơm nước chợ búa tôi lo, cô ấy chỉ có việc giữ em, dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ. Lương tháng 250.000 đồng"…

Nhịp sống ở Quy Nhơn tuy chưa gấp gáp, hối hả như ở các thành phố lớn nhưng cũng đang khá bận rộn. Nhiều gia đình trẻ ra riêng, đi làm thông tầm tại các công ty ở xa như ở KCN Phú Tài hay lo buôn bán không có thời gian về lo cho con cái nên phải thuê người ở. Chị Bảo đang làm việc tại một công ty ở KCN Phú Tài than thở: "Cả ngày tôi ở trên công ty đến 6-7 giờ tối mới về thì lấy đâu thời gian mà đi chợ, nấu cơm. Con gởi nhà trẻ đã đành, còn ông xã phải ăn ké ở nhà ông bà buổi trưa. Buổi tối về đến nhà tạt qua chợ dở, ngon gì cũng đều mua tất. Nhưng lắm hôm đến tận 8-9 giờ đêm mới về đến nhà, thế là cả nhà đành kéo nhau đi ăn cơm bụi vậy. Tôi cũng ưng thuê oshin lắm nhưng điều kiện chưa cho phép".

* Oshin đủ hạng

Oshin ngày nay có người làm chuyên nghiệp, lấy nghề đi ở làm kế sinh nhai, song nhiều người trong số họ chỉ làm bán thời gian để tăng thêm thu nhập. Chị Hai, bán rau ở ngoài chợ tâm sự: "Một buổi tôi đi bán rau, còn buổi nữa đi làm thêm kiếm tiền phụ nuôi con cái. Chồng công nhân, lương lúc có lúc không lại thêm mấy cái tàu há mồm đang tuổi ăn học, không kiếm thêm vài trăm thì kẹt lắm". Cách thức thuê bây giờ cũng đa dạng hơn: chủ trả tiền hàng tháng, hoặc tính tiền theo buổi làm. Và xu hướng sau có lẽ vừa hợp với chủ nhà mà cũng phù hợp với người chỉ cần làm việc bán thời gian. Chị Thương, một công chức, cho biết: "Tôi chỉ yêu cầu dọn dẹp đồ đạc gọn gàng trong nhà, không để chỗ nào trong nhà có bụi. Còn tôi tự giặt đồ, nấu ăn. Ông xã hơi bị khó tính trong chuyện ăn uống, người khác nấu ổng không chịu". Hàng ngày sau giờ làm việc, chiều chị về nhà mở cửa để cô ấy vào dọn dẹp. Công việc chấm dứt tầm 7 giờ tối. Mỗi buổi chị Thương trả công 10.000 đồng.

"Làm nghề này cần nhất là sự thật thà, cẩn thận, phải coi việc nhà người ta như việc nhà mình thì mới được", chị Uyên làm việc này nhiều năm tâm sự. Chị Uyên là công nhân chỉ làm thêm việc trong ngày nghỉ để kiếm thêm thu nhập. Chính vì tính chị thật thà, chăm chỉ nên chủ nhà rất ưng bụng và thường được thưởng thêm ngoài tiền lương mặc dù được trả lương khá cao. Còn chị Hai, làm việc cho nhà chị Thương, lại có quan niệm khác: "Tôi là người tự trọng, đi làm là để kiếm thêm tiền mua gạo cho con chứ không phải là hạng trộm cắp. Tiền bạc, tư trang của chủ để đâu là còn đó, tôi không tham của người khác".

Tuy nhiên, để làm vừa lòng chủ thì những đức tính ấy chưa hẳn đã đủ. Minh là một oshin được việc nhưng cô lại mắc một tật là hay "thèo lẻo" chuyện nhà chủ với những người hàng xóm. Nhiều việc chủ đã dặn đi dặn lại "chỉ trong nhà biết với nhau", vậy mà chẳng hiểu sao một thời gian ngắn sau cả xóm đã biết chuyện. Sau mỗi lần như vậy Minh đã hứa là không vi phạm nhưng rồi vẫn không bỏ được tật xấu ấy. Cuối cùng chịu không được nữa chủ nhà đành phải mời ra khỏi nhà. "Nó chăm chỉ, sạch sẽ lắm, đuổi nó đi thì tiếc thật đấy nhưng bực quá không chịu được", chị Loan, chủ nhà tâm sự.

Bên cạnh đó, không ít oshin gặp phải những chủ nhà cực kỳ khó tính, làm sao cũng không vừa lòng họ, nhất là những gia đình có người già đau yếu lâu ngày. Nhiều người còn thị của, hạch sách đủ điều để cho đáng "đồng tiền bát gạo" mình bỏ ra. "Nhiều lúc, con cái của họ cũng tỏ ra xấc xược, hỗn láo với tôi nhưng vì mưu sinh mình cũng đành nín nhịn. Riết rồi cũng quen, cô à", bà Bảy, một oshin lâu năm, nói trong ngậm ngùi.

* Vĩ thanh

Kiếm được oshin vừa ý thật không dễ - là kết luận chung của các gia chủ. Thậm chí nhiều oshin cũng tỏ ra xấc láo, hoặc tính nết không thật thà. Chị Phạm kể: "Trước đây tôi cũng thuê một người nhưng cô ta gian giảo lắm. Túi quần túi áo của mọi người trong nhà đều bị cô ta lục tung. Có lần cô ta lấy cắp chiếc nhẫn của tôi rồi ngậm trong miệng, ai hỏi gì cũng không đáp đến khi ra về, mãi sau tôi mới phát hiện ra. Sau đận ấy, tôi đuổi cô ta luôn". Bây giờ chị Thương muốn tìm thêm một người khác giúp việc cho người thân kiếm cả năm mà vẫn chưa ra. "Người làm thì nhiều đấy, nhưng tìm người ưng ý thì khó lắm", chị bảo vậy. Quả thật, có người lạ trong nhà thật không dễ chịu, nhất là trong chuyện sinh hoạt hàng ngày. "Nhiều người cứ giữ nếp sống như ở nhà của họ, bảo mãi mới chịu sửa. Trong công việc cũng phải dạy bảo, nhắc nhở họ nhiều. Khi quá đáng lắm thì mình mới lên tiếng nhắc nhở, nhiều khi mình cũng phải chín bỏ làm mười mới được", một chủ nhà tâm sự.

. Thu Hà

 

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Phụ nữ của Hội LHPN tỉnh

Qua tham khảo ý kiến của nhiều người và điều tra trong xã hội, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu cần người giúp việc gia đình là có thật và ngày càng tăng trong cuộc sống ngày nay, nhất là các gia đình trẻ có con nhỏ, có người già cần chăm sóc, hoặc gia đình hay đi công tác hoặc các vợ chồng doanh nghiệp bận rộn vào chuyện thương trường. Họ cần có người giúp việc để quán xuyến công việc nhà, chăm sóc con cái… Bởi vậy, năm nay Cơ sở Dạy nghề chúng tôi dự kiến sẽ đào tạo thêm một nghề mới: đó là nghề giúp việc gia đình cho các chị em phụ nữ có nhu cầu. Chúng tôi sẽ trang bị cho họ các kiến thức về nấu ăn, chăm sóc trẻ em, tâm lý người già và học cách sử dụng các thiết bị trong nhà hiện đại như: máy giặt, máy lạnh, máy hút bụi, lò vi sóng…

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành CNTT: Chưa được quan tâm đúng mức   (20/02/2004)
Tìm lại thế giới âm thanh cho trẻ em khiếm thính  (19/02/2004)
Chủ tịch phường tuổi 30   (18/02/2004)
Về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư   (17/02/2004)
Chuyện ăn ở trường mầm non  (16/02/2004)
Trò chơi điện tử vi tính: lợi ít, hại nhiều   (15/02/2004)
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong thời kỳ đổi mới  (13/02/2004)
Người "gieo chữ" bên sông  (12/02/2004)
Tự hào thanh niên xung phong  (11/02/2004)
Tưng bừng ngày hội tòng quân  (10/02/2004)
Thực đơn thời... cúm gà ở các trường bán trú, nội trú   (10/02/2004)
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTƯ Đảng (khóa IX) để tạo chuyển biến rõ nét hơn   (09/02/2004)
Xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo: Cái đích đang đến gần  (08/02/2004)
Kon-Tơlok mùa xuân này   (06/02/2004)
Hà Ri một lòng theo Đảng   (05/02/2004)