Chuyện "vượt cạn" thời nay
17:15', 23/2/ 2004 (GMT+7)

Chăm sóc sản phụ sau khi sinh (ảnh: Viết Thọ)

Người xưa thường ví người sinh nở như đi vào cửa tử: "Người chửa, cửa mả". Ngày nay chuyện sinh nở đã bớt hiểm nguy nhờ sự hỗ trợ của các tiến bộ y khoa. Nhưng chuyện mang nặng đẻ đau thì vẫn là muôn thủa…

* Mổ đẻ - chuyện nhỏ!

Chúng tôi đến Khoa sản (Bệnh viện đa khoa tỉnh) vào một buổi trưa. "Đây chưa phải là lúc cao điểm", bác sĩ Đỗ Văn Mười, Phó trưởng khoa sản, nói. Quả thật, ở tầng dưới nơi dành cho các sản phụ sinh bình thường vẫn còn giường trống. Trong khi đó, ở tầng "hậu phẫu", một số sản phụ phải nằm giường xép cá nhân vì đã không còn giường. "Lúc cao điểm, nhiều sản phụ còn nằm ở hành lang nữa kia" - một phụ nữ nuôi đẻ góp chuyện.

Chị Q. nhà ở Quy Nhơn mới sinh cháu được 4 ngày. Đây là lần sinh mổ thứ hai của chị. Lần trước sinh khó, chị phải mổ lấy thai. Lần này, vì thời gian mang thai lại quá gần (mới 14 tháng) nên chị chủ động xin mổ. "Nhắm đến ngày sinh là tôi vào bệnh viện và đề nghị bác sĩ cho mổ luôn", chị Q cho biết. Ở phòng kế bên, chị K.N quê ở Cát Hiệp, Phù Cát, 36 tuổi, sinh con đầu lòng trong tình trạng vỡ ối sớm. "Em tôi bị tật ở chân, chưa đến ngày sinh mà đã vỡ ối sớm nên tôi vội đưa nó vào đây, chủ động xin bác sĩ mổ" - người chị của K.N cho biết vậy.

Những chỉ định mổ đẻ:

1. Do mẹ: Khung chậu bị hẹp, có những khối u ở tiền đạo, có bệnh lý như tim, hen, thận…;

2. Do con: Ngôi ngược, suy thai, nhau tiền đạo, nhau non….

Theo thống kê của Khoa sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong năm 2003 có 3.664 ca đến sinh tại bệnh viện thì đã có 1.753 ca đẻ khó và số phải mổ đẻ là 1.405, chiếm tỷ lệ 54%. Đây là một tỷ lệ tương đối cao so với một số nơi khác.

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ mổ đẻ tăng. Bên cạnh các trường hợp sinh khó phải đẻ mổ do bác sĩ chỉ định cũng có không ít trường hợp thai phụ chủ động xin đẻ mổ vì hiếm muộn, lớn tuổi để thai được an toàn, hoặc do quan niệm đẻ mổ thì con sẽ thông minh hơn. Cũng có không ít trường hợp đẻ mổ để chủ động giờ sinh do mê tín hoặc do mẹ sợ đẻ đau.

Với sự tiến bộ của y học thời nay, chuyện phẫu thuật mổ lấy thai đã trở nên đơn giản, chỉ chừng ba mươi phút; nguy cơ biến chứng xấu sau mổ ít. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho tỷ lệ đẻ mổ tăng.

* Đẻ mổ… khi nào?

Trả lời câu hỏi tại sao ngày nay phụ nữ lại cần sự can thiệp quá nhiều của y học trong sinh nở? Bác sĩ Mười cho biết: "Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những trường hợp sinh khó thường rơi vào những phụ nữ ít phải lao động chân tay. Mặt khác, đời sống xã hội ngày một nâng lên, các bà mẹ có chế độ ăn uống đầy đủ hơn trong thời gian mang thai nên thai nhi thường có chỉ số cân nặng cao hơn. Do đó, cần phải nhờ đến kỹ thuật mổ lấy thai...".

Ngoài những trường hợp bất khả kháng cần phải mổ can thiệp thì việc chuyển dạ của phụ nữ là một cuộc sinh lý bình thường. Vậy nên cứ để nó diễn biến theo tự nhiên là tốt hơn cả - nhiều bác sĩ đã kết luận như vậy. Đẻ mổ sản phụ phải chịu nhiều tác động của thuốc mê, thuốc tê và nguy cơ rủi ro nhiễm trùng vết mổ cao. Khoảng cách giữa hai lần mổ lấy thai phải cách nhau ít nhất là 24 tháng, nếu không  sẽ có những nguy cơ xảy ra như rạn nứt vết mổ khi sản phụ chuyển dạ. Mặt khác, theo những công bố mới nhất của y học thì quan niệm đẻ mổ, con thông minh hơn là hoàn toàn sai lầm. Một đứa trẻ được ra đời bằng con đường tự nhiên bao giờ cũng là đứa trẻ được "thử lửa" nhiều hơn trước những nguy cơ bệnh tật và khả năng khiếm khuyết về thể chất và tâm thần. Bác sĩ Mười cho biết: "Ở Bệnh viện đa khoa tỉnh có nhiều trường hợp đến xin đẻ mổ chủ động nhưng xét thấy thai phụ và thai nhi bình thường, các bác sĩ đã vận động nên đẻ tự nhiên...".

Mang nặng đẻ đau đã là thiên chức của người phụ nữ. Bởi thế mới có những lời ca bất tận về tình mẹ con. Nếu có một ngày, phụ nữ trên thế giới toàn đẻ mổ thì thật là… đáng sợ!

. Quỳnh Ngọc - Hà Thu

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề giúp việc nhà  (22/02/2004)
Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành CNTT: Chưa được quan tâm đúng mức   (20/02/2004)
Tìm lại thế giới âm thanh cho trẻ em khiếm thính  (19/02/2004)
Chủ tịch phường tuổi 30   (18/02/2004)
Về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư   (17/02/2004)
Chuyện ăn ở trường mầm non  (16/02/2004)
Trò chơi điện tử vi tính: lợi ít, hại nhiều   (15/02/2004)
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong thời kỳ đổi mới  (13/02/2004)
Người "gieo chữ" bên sông  (12/02/2004)
Tự hào thanh niên xung phong  (11/02/2004)
Tưng bừng ngày hội tòng quân  (10/02/2004)
Thực đơn thời... cúm gà ở các trường bán trú, nội trú   (10/02/2004)
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTƯ Đảng (khóa IX) để tạo chuyển biến rõ nét hơn   (09/02/2004)
Xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo: Cái đích đang đến gần  (08/02/2004)
Kon-Tơlok mùa xuân này   (06/02/2004)