|
Cán bộ trẻ làm việc trong phòng thí nghiệm |
Những chuyến đi dài ngày vượt đèo cao suối sâu để đến vùng sâu vùng xa của 15 tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên, những lần phải lấy thân mình làm… mồi nhử muỗi là điều kiện để các cán bộ trẻ là đoàn viên thanh niên ở Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (SRKST-CT) khẳng định mình.
* Từ phòng thí nghiệm
Viện SRKST-CT Quy Nhơn là một Viện quốc gia, có chức năng nghiên cứu khoa học (NCKH) và giúp Bộ Y tế chỉ đạo chuyên khoa về bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng, các côn trùng truyền bệnh và biện pháp phòng chống bệnh tại các tỉnh ven biển miền Trung và tỉnh Tây Nguyên. Nói đến viện nghiên cứu, người ta thường liên tưởng đến những giáo sư tóc bạc, phòng thí nghiệm, kính hiển vi, chai lọ, hóa chất… Ở Viện SRKST-CT Quy Nhơn quả có như vậy, nhưng không hẳn thế. Ngoài một số giáo sư, tiến sĩ và các cán bộ nghiên cứu lớn tuổi còn có một lực lượng cán bộ trẻ. Chính họ đã góp phần đáng kể vào nhiều công trình khoa học nghiên cứu về sốt rét, các bệnh ký sinh trùng mang tính thực tiễn cao.
Trong công tác NCKH, tất cả 17 đoàn viên thuộc chi đoàn cán bộ đều tham gia tích cực. Không những đóng vai trò chính trong các đề tài cấp cơ sở, mà họ còn được tham gia vào các đề tài cấp bộ và đề tài thuộc các dự án hợp tác quốc tế. Nhiều đoàn viên đã làm chủ nhiệm các đề tài mang tính thực tiễn cao như: bác sĩ Đào Trịnh Khánh Ly với đề tài "Tìm hiểu mức độ đáp ứng miễn dịch sốt rét cho cộng đồng dân cư sống trong vùng sốt rét lưu hành", bác sĩ Huỳnh Hồng Quang với đề tài: "Đánh giá tình hình thiếu men G6PD trong cộng đồng dân cư sống trong vùng sốt rét lưu hành ở một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên"… Ngoài ra, một số đoàn viên còn đi sâu vào lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật cao như Đoàn Đức Hùng với đề tài "Ứng dụng kỹ thuật điện di và di truyền tế bào để phân biệt các loài trong phức hợp An. dirus và An. minimus ở hai tỉnh Bình Định và Bình Thuận".
* Đến thực tế
Công việc NCKH đòi hỏi phải thường xuyên thực hiện các chuyến đi dài ngày lên các vùng rừng núi. Với những chuyến đi mà đích đến là những vùng miền núi cách xa thị trấn thì hành trang của các đoàn công tác, ngoài các dụng cụ nghiên cứu còn là gạo, mì tôm, thực phẩm đóng gói, xoong nồi… Anh Đào Ngọc Trung - Bí thư Đoàn Viện SRKST-CT kể: "Trong những chuyến đi như thế, ngoài việc nghiên cứu, mình còn phải tuyên truyền cho bà con người dân tộc thiểu số cách phòng tránh bệnh do ký sinh trùng gây ra, ví dụ như phải nằm mùng để tránh muỗi cắn, không nuôi gia súc gia cầm dưới gầm nhà sàn, vì ý thức của bà con về vấn đề này còn kém lắm". Một đoàn viên khác cho biết: "Đi lên các vùng đồng bào dân tộc thì mình cũng phải học một số từ tiếng dân tộc cơ bản như ăn cơm, uống nước, uống thuốc để giao tiếp với họ". Còn chuyện lấy thân mình làm mồi nhử muỗi mới nghe có vẻ hơi hãi nhưng đó là một trong những phương pháp hiệu quả để nghiên cứu về côn trùng, mà dân trong ngành gọi là… "mồi người". Cứ mỗi nhóm 2 người (chỉ được mặc quần short) thay phiên nhau ra bìa rừng ngồi chờ muỗi đến đậu lên người để… bắt xem giờ nào thì loại muỗi nào hoạt động nhiều nhất. Thế có khi nào cán bộ của Viện SRKST-CT bị sốt rét không? Một bạn cười: "Có chứ. Dĩ nhiên tụi mình phải cẩn thận khi làm việc ở môi trường rừng núi, nhất là khi làm "mồi người", dù cẩn thận nhưng cũng có khi sơ suất và vẫn bị muỗi cắn, bị sốt rét như thường".
Tất cả các đề tài khoa học được Viện SRKST-CT Quy Nhơn thực hiện, đều có sự đóng góp của lực lượng đoàn viên thanh niên, đã được ứng dụng có hiệu quả vào việc phòng chống sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
. Minh Khương |