Từ khu vườn tượng danh nhân y học ở Quy Hòa: Nghĩ về y đức thời nay
15:11', 26/2/ 2004 (GMT+7)

Vườn tượng danh nhân ở Quy Hòa

Có dịp chiêm ngưỡng khu vườn tượng danh nhân y học trong khuôn viên của Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa, dù không là thầy thuốc, bạn cũng sẽ cảm nhận được bài học quý về lòng nhân ái.

* Vườn tượng và thần tượng

Khu vườn tượng danh nhân y học là một nét độc đáo của Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa được xây dựng từ ý tưởng của nguyên giám đốc bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, một con người nổi tiếng về lòng nhân từ, từng đưa vi khuẩn Hansen vào người mình để thí nghiệm cho một công trình nghiên cứu về bệnh phong.

Những pho tượng danh nhân y học của thế giới và Việt Nam được làm bằng chất liệu đá từ năm 1995 và được bổ sung cho đến giờ đã đến hơn 40 pho. Tuy nhiên, theo bác sĩ giám đốc Nguyễn Thanh Tân, vườn tượng sẽ không dừng lại ở con số này. Những pho tượng được xây dựng từ nguồn tiền ủng hộ của những tấm lòng từ thiện bốn phương đã tạo ra nét văn hóa đặc sắc trong một cảnh quan đẹp, trầm mặc nhằm mời gọi du khách và cộng đồng xã hội tìm đến đây trước khi biết cảm thông, chia sẻ với những người mắc bệnh phong. Hơn cả ý nghĩa ấy là sự trân trọng giá trị vĩnh hằng của những con người mà cuộc đời của họ là những bài học lớn về nhân cách, về y đức, về lòng kiên nhẫn và sự lao động không mệt mỏi để mở ra chân trời khoa học mà con người ngày nay thụ hưởng.

Những dòng ghi tiểu sử ngắn ngủi dưới chân dung A.Paré cho biết ông là người đã mở ra trang sử đầu tiên về phẫu thuật của Pháp thời Phục hưng cứu giúp được bao nhiêu mạng người. Nhưng điều đáng quý hơn là ông đã nêu một tấm gương về một thầy thuốc quan tâm tới người bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông tự tay nấu ăn cho người bệnh, làm mưa giả cho người bệnh ngủ được, làm tiếng chim hót bên cửa sổ buồng bệnh cho bệnh nhân vui.

Với đại danh y Việt Nam của thế kỷ XVIII là Hải Thượng Lãn Ông, bia công đức ghi: Ông đã để lại cho đất nước nhiều sách thuốc, bài thuốc có giá trị. Bài học lớn về y đức của ông là: người làm nghề y không phải để kiếm phú quý mà để thực hành y đạo; người bệnh hễ mời là đi không ngại mưa nắng, đêm khuya; đến là chữa không phân biệt sang hèn…

Từ thời trung cổ, Avicenne, nhân vật xuất chúng của Hy Lạp cũng đã nêu một tấm gương về lòng thương yêu người bệnh nghèo: chữa cho người nghèo không bao giờ nhận tiền. Ông lâm bệnh suy kiệt vì làm việc quá sức. Khi biết bệnh mình không có thuốc chữa, ông đã bán hết tài sản phân phát cho những nghèo khổ rồi đọc kinh Koran cầu nguyện cho tâm hồn mình giữ được trong sạch cho đến lúc ngừng thở.

Từ trước kỷ nguyên dương lịch, y học phương tây đã có một Hippo Crate. Ông đã để lại cho cho hậu thế một kho tàng kiến thức đồ sộ về y học và đặt nhiều học thuyết về y học tương lai. Ông đã xây dựng một hiến chương đạo lý hành nghề, những luật lệ và luân lý trong y học. Lời dặn của ông đã trở nên bất hủ cho lớp lớp thầy thuốc hậu thế: Dù bất cứ lúc nào và ở đâu cũng phải vì lợi ích của người bệnh. Hành nghề y là bổn phận, chức nghiệp thiêng liêng đòi hỏi một lương tâm, một lòng bác ái và hy sinh lớn lao, không thể coi như nghề nghiệp kiếm sống thông thường. Đã là thầy thuốc thì không lấy tiền người nghèo khó, không dùng chức nghiệp làm điều đồi bại…

* Y đức thời nay

Thời nay không hiếm những thầy thuốc trung thành với lời thề Tổ, họ tận tụy với người bệnh mọi lúc mọi nơi, họ chữa bệnh bằng lương tâm chức nghiệp, không quá coi trọng chuyện tiền nong. Tấm gương sáng về lòng yêu thương bệnh nhân của bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, nguyên giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa vẫn được các thế hệ bệnh nhân và người thân của họ ở đây truyền tụng dù ông đã nghỉ hưu và trở về Hà Nội gần chục năm trời. Chính ông đã đưa ra lý thuyết chữa bệnh phong không chỉ đơn thuần bằng thuốc, ông đã làm mọi cách để biến bệnh viện phong của ông thành khu du lịch để người bệnh được tiếp xúc với cộng đồng, xóa đi mặc cảm. Ông còn tạo việc làm cho người bệnh bằng cách để các công trình xây dựng cơ bản của bệnh viện, kể cả việc bê tông một con đường đèo dài cả cây số cho người bệnh phong đã ổn định nhận làm kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Những người bệnh phong thường bị gia đình ruồng bỏ, nếu không có lòng yêu thương của người thầy thuốc, họ khó bề sống được để vượt qua bệnh tật…

Tuy nhiên thời nay cũng không hiếm người coi nghề thầy thuốc như một phương tiện làm giàu. Đây đó vẫn tồn tại những y tá, hộ lý có "phong bao" mới ân cần với bệnh nhân; cũng có những bác sĩ móc nối với trình dược kê đơn là biệt dược của các hãng thuốc đưa giá "trên trời" để kiếm hoa hồng. Lại cũng có chuyện bác sĩ khám bệnh tư kiêm luôn nghề bán thuốc mà chẳng cần kê đơn, thuốc bán thì được bóc nhãn cứ tù mù như đánh đố bệnh nhân…

Ngành y tế đã đưa ra hàng loạt giải pháp và cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra nhưng thật khó mà phát hiện đầy đủ những vấn đề thuộc về lương tâm chức nghiệp.

Vậy thì những bài học của các vị danh y tiền bối trong vườn tượng Quy Hòa thật đáng để những ai làm thấy thuốc ngày nay suy ngẫm.

. Quang Khanh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những người gắn bó với… côn trùng  (25/02/2004)
Chuyện học ở Bãi Xép   (24/02/2004)
Chuyện "vượt cạn" thời nay  (23/02/2004)
Nghề giúp việc nhà  (22/02/2004)
Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành CNTT: Chưa được quan tâm đúng mức   (20/02/2004)
Tìm lại thế giới âm thanh cho trẻ em khiếm thính  (19/02/2004)
Chủ tịch phường tuổi 30   (18/02/2004)
Về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư   (17/02/2004)
Chuyện ăn ở trường mầm non  (16/02/2004)
Trò chơi điện tử vi tính: lợi ít, hại nhiều   (15/02/2004)
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong thời kỳ đổi mới  (13/02/2004)
Người "gieo chữ" bên sông  (12/02/2004)
Tự hào thanh niên xung phong  (11/02/2004)
Tưng bừng ngày hội tòng quân  (10/02/2004)
Thực đơn thời... cúm gà ở các trường bán trú, nội trú   (10/02/2004)