Vợ hai liệt sĩ
16:24', 1/3/ 2004 (GMT+7)

. Ghi chép của Trần Đăng

                  Chị Nga

Hàng năm, cứ đến ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, người dân thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn) lại thấy một người đàn bà ôm hương và hoa đến viếng hai nghĩa trang. Một ở xã Hoài Châu, một ở Tam Quan. Ở đó có hai người lính yên nghỉ mấy chục năm rồi. Cả hai đều là chồng của chị. Chị tên là Nguyễn Thị Hồng Nga, hiện là chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Tam Quan.

Cứ lởn vởn trong tôi suốt chặng đường ngót trăm cây số từ Quảng Ngãi vào Bình Định về người phụ nữ này: Chịu đựng trong khắc khổ, thu mình trong lặng lẽ, chai sạn và lãnh cảm. Tôi cứ biện hộ cho sự tưởng tượng ấy của mình với lý lẽ: Đội trên đầu hai lần tang tóc, gánh trên vai hai cuộc chiến tranh như thế, làm sao mà đủ sức khỏe và nghị lực để trụ được với cuộc sống quá khó khăn này suốt mấy chục năm qua? Nhưng tôi đã nhầm. Tôi đã nghe ấm áp từ bàn tay chị - bàn tay đã từng cầm súng và cuốc cày, từng dìu bao nhiêu chị phụ nữ ở cái thị trấn nhỏ bé và nổi tiếng ấy vượt qua cơn bĩ cực suốt mấy chục năm rồi. Khuôn mặt ấy, nụ cười ấy đã nói với tôi rằng, những lo toan phức tạp ở đời chỉ làm cho chị thêm rắn rỏi hơn, bản lĩnh hơn và cũng nhân hậu hơn. Chị bắt đầu câu chuyện với tôi không phải chuyện về hai người chồng liệt sĩ mà là chuyện làm… nước mắm: "Cha mẹ tôi có nghề làm nước mắm lâu đời ở Tam Quan này. Tôi lớn lên từ nước mắm, đi đánh giặc cũng vì muốn được nghe tiếng nhỏ giọt của nước mắm trong sự tĩnh lặng chứ không trộn lẫn với tiếng bom của kẻ thù, và nuôi 4 đứa con ăn học tử tế cũng bằng nước mắm!". Tôi bèn lái sang câu chuyện về hai người chồng của chị: "Nghe nói chị quen người chồng trước cũng từ… nước mắm?". Chị cười và lấy tay che mặt. 58 tuổi rồi, có cháu ngoại cháu nội cả rồi mà nghe nhắc đến "mối tình đầu", chị như trẻ lại cái tuổi… mười lăm. Câu chuyện bắt đầu bằng những hồi ức tươi nguyên về người chồng thứ nhất.

* Năm hai mươi mốt tuổi

     Bên những vò nước mắm

Quen anh Nguyễn Trữ, người cùng làng được vài năm, chị Nga quyết định lấy anh. Năm ấy chị 18 tuổi, nhỏ hơn chồng 3 tuổi. Một năm sau thì chị sinh con đầu lòng. Cuộc chiến tranh lúc bấy giờ đang vào hồi khốc liệt. Những đợt xua quân bắt lính vây ráp liên tục của ngụy quyền Sài Gòn lúc ấy đã đặt anh thanh niên tên Trữ đứng trước sự chọn lựa: Hoặc là theo ngụy, hai là nhảy núi. Anh đã chọn cách thứ hai. Chia tay người vợ trẻ và đứa con vừa mới sinh, anh Trữ lên rừng tham gia kháng chiến. Tam Quan khi ấy đang là vùng "da beo" nên anh du kích Trữ vẫn thường "tập kích" về thăm vợ con mỗi tháng vài bận. Một chiều mùa đông của năm 1967, như mọi lần, anh Trữ cùng đội du kích rời căn cứ để về vùng sâu. Ba chiếc tàu rọ của Mỹ đi từ hướng biển bất ngờ ập đến. Chúng đã bắn tỉa từng người một. Anh Trữ hy sinh.

Hung tin đã đến với chị Nga trong một ngày đông. Chị đã băng đồng trong chiều giá rét để tìm xác chồng. Nuốt nước mắt vào trong, chị cùng những người dân tốt bụng mang anh về hóc núi. Đắp xong mộ chồng, chị cũng vừa kịp nhận ra rằng mình đã mang thai đứa con thứ hai. Năm ấy chị vừa tròn 21 tuổi. Chưa hết tang chồng, nhà tù đế quốc đã mở rộng cửa để "đón" mẹ con chị. Truy bức nhiều ngày, thấy không moi được gì từ người đàn bà gan dạ này, chúng thả chị ra. Biết không thể ở yên với chúng, chị lên rừng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

* Năm ba mươi tám tuổi

Anh Trữ là người con áp út và là người thứ 3 hy sinh trong một gia đình có 10 anh chị em. Vì vậy, chị Nga đau một thì bà Trần Thị Nho - mẹ chồng chị - đau ba. Thế nhưng, vì thương đứa con dâu phận bạc, bà luôn khuyên chị Nga đi bước nữa. Chị lắc đầu. Đến 9 năm sau kể từ ngày anh Trữ hy sinh, một anh bộ đội khác tên là Lương Đại đã xuất hiện trong đời chị. Thực ra anh Đại đã "nhòm ngó" người đàn bà xuân sắc ấy từ những ngày ở chiến khu nhưng bom đạn thời chiến đã không cho phép họ tính chuyện dài lâu. "Anh ấy có một đời vợ và hai đứa con. Vợ anh và người con trai đầu đều hy sinh trong kháng chiến. Tôi cứ đắn đo mãi cho cái việc hệ trọng ấy suốt mấy năm liền để đi đến quyết định lấy anh" - chị Nga nhớ lại. Rồi hai đứa con nữa lần lượt ra đời. Chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra. Những người lính vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ mịt mù khói súng, lại khoác ba lô lên đường. Anh Đại cũng nhập vào đoàn quân ấy, bỏ lại sau lưng mình một quê hương với những rặng dừa vừa mới khôi phục và một người vợ cùng bầy con nheo nhóc.

Ngày tiễn chồng ra trận, chị Nga nuôi hy vọng là sẽ đón anh trong niềm vui như những người lính đã từng trở về sau ngày thắng Mỹ. Nhưng anh Đại đã không về, vĩnh viễn không về. Đúng hơn là anh đã trở về Hoài Hương quê anh nhưng đó là lần trở về cuối cùng sau một cuộc hành quân dài ngót 35 năm của một người lính đã đi qua hai cuộc chiến tranh. Đó là năm 1984. Một lần nữa, chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu của chị. Một lần nữa, tang tóc lại giáng xuống đầu chị. 38 tuổi, 4 đứa con, hai lần bị đắm đò đầy, ấy thế mà chị vẫn vượt lên tất cả để sống, nuôi con và cống hiến cho đời những việc mà bất cứ một phụ nữ nào ở Tam Quan khi nhắc đến "bà Nga" cũng đều bái phục!

* Chủ tịch 29 năm

Có lẽ trên đất nước mình, không một phụ nữ nào giữ chức chủ tịch hội phụ nữ xã lâu như chị Nga. Năm 1975, chị đã là chủ tịch Hội phụ nữ Tam Quan - chủ tịch trẻ nhất; gần 30 năm sau, năm 2004, chị vẫn y chức cũ nhưng là chủ tịch hội phụ nữ già nhất với tuổi U 60! Tôi hỏi ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thị trấn Tam Quan: "Sao không để lớp trẻ họ lên, giữ hoài bà ấy vậy?". Ông Bình không trả lời thẳng câu hỏi mà lại chuyển sang… tám chữ vàng: "Tôi kể anh nghe chuyện này nhé? Thử hỏi có chị phụ nữ nào mà hai người chồng đều là liệt sĩ, lại chăm sóc bà mẹ chồng trước là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho đến khi qua đời và phụng dưỡng bà mẹ chồng sau suốt 6 năm trong mù lòa như chị Nga không? Đã vậy, chị còn nuôi đến 4 đứa con, đứa nào cũng được học hành đàng hoàng, lo vợ gả chồng cho chúng tử tế. Bấy nhiêu đó đủ để bà ấy làm chủ tịch hội đến lúc xuống mồ luôn!". Tôi vặn: "Nhưng chủ tịch hội là làm phong trào chứ có phải là làm "tấm gương" đâu, thưa anh?". Ông Bình gãi đầu: "Là tôi nói vậy thôi, chứ ở Tam Quan mà không có bà Nga, chị em biết dựa vào đâu?".

Chị Nga là người không thích nói về mình nhưng những việc chị làm được ở Tam Quan thì ai cũng biết. Ví như chuyện vận động gần 80 triệu bạc cho chị em ở địa phương mượn "xoay vòng" để thoát nghèo. Ở Tam Quan mà "moi" cho được ngần ấy tiền để bỏ vào "quỹ xoay vòng" như thế là chuyện không hề đơn giản. Nhiều người đã vượt qua được phận nghèo nhờ vào những đồng vốn mà "bà Nga" đã kỳ công đi vận động này. Như trường hợp chị Đặng Thị Tâm, chị ấy sẽ suốt đời ơn nghĩa vì nhờ đồng vốn của quỹ mà từ một người quanh năm vay mượn ăn đong đã trở nên khá giả, được đi dự Hội nghị báo cáo điển hình của phụ nữ miền Trung vừa rồi. Tôi hỏi chị Nga: "Để có một phong trào mang tính điển hình của Bình Định như thế đòi hỏi chị phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức, chị lại là trụ cột trong gia đình, vậy "việc nhà" ai lo?". "Vẫn là tôi lo. Vẫn dựa vào nghề làm nước mắm". Nói rồi chị chỉ vào ngôi nhà khá xinh xắn của mình: "Nước mắm mà ra đấy!". Và chị cười trong veo như thể chị chưa từng gánh trên vai những khổ đau nhọc nhằn nhất của đời mình.

Tiếng lá reo trên những rặng dừa Tam Quan mà tôi ngỡ như đang nghe một khúc nhạc vui - vui như khi nghe tiếng cười của chị.

. T.Đ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khi lính biên phòng nhập cuộc  (29/02/2004)
Một tập thể giỏi chuyên môn và giàu y đức   (27/02/2004)
Từ khu vườn tượng danh nhân y học ở Quy Hòa: Nghĩ về y đức thời nay  (26/02/2004)
Những người gắn bó với… côn trùng  (25/02/2004)
Chuyện học ở Bãi Xép   (24/02/2004)
Chuyện "vượt cạn" thời nay  (23/02/2004)
Nghề giúp việc nhà  (22/02/2004)
Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành CNTT: Chưa được quan tâm đúng mức   (20/02/2004)
Tìm lại thế giới âm thanh cho trẻ em khiếm thính  (19/02/2004)
Chủ tịch phường tuổi 30   (18/02/2004)
Về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư   (17/02/2004)
Chuyện ăn ở trường mầm non  (16/02/2004)
Trò chơi điện tử vi tính: lợi ít, hại nhiều   (15/02/2004)
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong thời kỳ đổi mới  (13/02/2004)
Người "gieo chữ" bên sông  (12/02/2004)