An toàn và kiểm soát bức xạ ở Bình Định
17:25', 3/3/ 2004 (GMT+7)

An toàn và kiểm soát bức xạ (AT-KSBX) là một lĩnh vực được biết đến ở Việt Nam khoảng 7-8 năm nay. Riêng đối với tỉnh Bình Định vấn đề AT-KSBX xem ra còn khá mới mẻ.

Bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn, nơi có hoạt động y học hạt nhân và bức xạ

Từ giữa năm 1996, vấn đề AT-KSBX đã được Đảng và nhà nước ta quan tâm. Ở Bình Định, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về AT-KSBX của địa phương, ngành khoa học - công nghệ tỉnh cũng đã ban hành khá nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị, cơ sở y tế có hoạt động bức xạ thực hiện nghiêm công tác ATBX theo quy định của Nhà nước. Thế nhưng, thời gian qua việc triển khai thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về AT-KSBX ở Bình Định vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, quản lý, thực thi các quy định về ATBX vẫn còn nhiều bất cập. Thậm chí, một số đơn vị, cơ sở trong tỉnh đã vi phạm pháp luật về AT-KSBX.

Vừa qua, Sở KH-CN Bình Định đã tiến hành kiểm tra công tác AT-KSBX tại 22/23 đơn vị, cơ sở có hoạt động bức xạ trên địa bàn tỉnh. Trong số này có 8 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 4 bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, 9 Trung tâm Y tế huyện, 5 cơ sở X quang tư nhân… Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện khá nhiều vi phạm: Chỉ có 11 đơn vị có giấy phép hoạt động về bức xạ và 6 đơn vị đã nộp hồ sơ nhưng chưa hoàn tất thủ tục bổ sung; điều kiện về che chắn chưa tốt (còn để lọt tia bức xạ vượt giới hạn cho phép) và chưa bổ nhiệm cán bộ phụ trách ATBX; không nộp hồ sơ để xem xét cấp phép; không lưu giữ được các hồ sơ gốc liên qua đến thiết kế xây dựng, yếu cầu kỹ thuật về nhà bao che, nơi đặt thiết bị bức xạ; chỉ có 10 phòng chiếu chụp X quang cơ bản đạt được kích thước theo tiêu chuẩn Việt Nam... Thậm chí, có đơn vị chưa có giấy phép hoạt động phóng xạ hạt nhân nhưng vẫn tiến hành hoạt động. Một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc việc treo biển báo nguy hiểm, bản hướng dẫn vận hành thiết bị và nội quy làm việc tại khu vực có bức xạ. Hiện tượng để rò rỉ, lọt tia bức xạ ra ngoài vượt quá giới hạn cho phép tại một số đơn vị vẫn xảy ra.

Cũng qua kiểm tra, đã phát hiện một số đơn vị có vị trí liều bức xạ đo được vượt tới… 188 lần so với tiêu chuẩn. Đáng lo ngại hơn cả là việc quan tâm đến sức khỏe của những nhân viên bức xạ chưa được chú ý, nếu không nói là bị xem nhẹ. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, có tới 50% số đơn vị hoạt động ATBX không quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên theo quy định. Thật là những hiểm họa khôn lường!

Thực ra, vấn đề AT-KSBX đã được "thể chế hóa" từ lâu bằng Pháp lệnh về AT-KSBX đã được Quốc Hội thông qua. Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định liên quan. Liên Bộ KH-CN, Y tế và ngành KH-CN tỉnh cũng đã ra Thông tư và văn bản hướng dẫn thực hiện AT-KSBX. Như vậy, vấn đề còn lại là nhận thức đối với lĩnh vực AT-KSBX và biện pháp ngăn ngừa, xử lý của cơ quan chức năng đối với những trường hợp vi phạm. Thiết nghĩ, đã đến lúc, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về AT-KSBX; thường xuyên kiểm tra, quản lý, giám sát các hoạt động bức xạ và có kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm đối với loại hình đặc biệt này. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tổ chức tuyên truyền về hoạt động bức xạ sâu rộng trong cộng đồng.

Riêng đối với ngành Y tế, ngoài vấn đề thực hiện nghiêm túc Thông tư Liên tịch về AT-KSBX, phải quan tâm đến công tác kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, hiệu chuẩn các thiết bị bức xạ dùng trong khám và điều trị bệnh; trang bị đồng bộ liều kế cá nhân cho đội ngũ nhân viên bức xạ; tổ chức khám định kỳ, điều trị bệnh nghề nghiệp cho nhân viên bức xạ theo quy định. Ngành Y tế tỉnh cũng cần rà soát, xem xét lại diện tích, kích thước, điều kiện che chắn bảo vệ của một số cơ sở X quang, cơ sở y học hạt nhân; có kế hoạch đầu tư sửa chữa phòng ốc, lắp đặt thiết bị, điều chỉnh thiết kế, đảm bảo các yêu cầu che chắn theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Đơn vị có hoạt động phóng xạ bằng y học hạt nhân phải có giấy phép của cớ quan chức năng mới được hoạt động.

Đối với các cơ sở bức xạ, phải thực hiện ngay các biện pháp gia cố, che chắn các vị trí không an toàn bức xạ; tổ chức kiểm tra lại về mức độ ATBX; thực hiện cải tạo lại mặt bằng cơ sở theo đúng kích thước quy định, trang bị các thiết bị kiểm xạ, biển báo, xây dựng các nội quy, quy định, hướng dẫn về ATBX và thiết lập các hồ sơ liên quan về ATBX, cử nhân viên đi đào tạo, tập huấn kiến thức về ATBX do cơ quan quản lý về AT-KSBX tổ chức và nhất là phải sớm hoàn thành các thủ tục khai báo, nộp hồ sơ cấp phép hoạt động…

Những đơn vị, cơ sở vi phạm phải cương quyết xử lý, xử phạt theo quy định và buộc đình chỉ hoạt động.

Hy vọng rằng với những giải pháp đồng bộ nêu trên, tình hình ATBX ở Bình Định sẽ dần được khắc phục, ổn định, đồng thời vấn đề AT-KSBX không còn là những hiểm họa tiềm ẩn.

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh   (02/03/2004)
Vợ hai liệt sĩ   (01/03/2004)
Khi lính biên phòng nhập cuộc  (29/02/2004)
Một tập thể giỏi chuyên môn và giàu y đức   (27/02/2004)
Từ khu vườn tượng danh nhân y học ở Quy Hòa: Nghĩ về y đức thời nay  (26/02/2004)
Những người gắn bó với… côn trùng  (25/02/2004)
Chuyện học ở Bãi Xép   (24/02/2004)
Chuyện "vượt cạn" thời nay  (23/02/2004)
Nghề giúp việc nhà  (22/02/2004)
Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành CNTT: Chưa được quan tâm đúng mức   (20/02/2004)
Tìm lại thế giới âm thanh cho trẻ em khiếm thính  (19/02/2004)
Chủ tịch phường tuổi 30   (18/02/2004)
Về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư   (17/02/2004)
Chuyện ăn ở trường mầm non  (16/02/2004)
Trò chơi điện tử vi tính: lợi ít, hại nhiều   (15/02/2004)