Hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954-7.5.2004)
Điện Biên Phủ với chiến dịch Átlăng
15:51', 9/3/ 2004 (GMT+7)

Đoàn xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bị sa lầy trong cuộc chiến tranh Đông Dương, Pháp và Mỹ cố tìm ra lối thoát. Giữa năm 1953, Pháp chỉ định tướng Nava sang thay Salăng, với hy vọng tìm ra lối thoát trong danh dự bằng quân sự. Nava tổ chức lực lượng cơ động mạnh, thực hành tiến công cả 2 miền, chia làm 2 bước.

Đông - Xuân năm 1953-1954, Nava tập trung "bình định" và lấn chiếm các vùng tự do của ta còn lại ở miền Nam; Đông - Xuân 1954-1955, chúng dùng khối chủ lực với 27 tiểu đoàn cơ động, quyết chiến với chủ lực ta ở miền Bắc để giành thắng lợi quyết định kết thúc chiến tranh, Nava dự kiến trong vòng 18 tháng.

Đầu tháng 10-1953, tại Khui Tát, Bác Hồ chủ trì Hội nghị của Bộ Chính trị. Tại hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về âm mưu và ý đồ chiến lược của địch, do tên tướng 4 sao Hăngri Nava cầm đầu. Báo cáo cho hay, Nava tỏ ra năng động và rất táo bạo, trong tháng 8 đột nhiên hắn rút quân Pháp khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Đại tướng báo cáo về tình hình quân ta và đề nghị của Tổng quân ủy về kế hoạch hoạt động Đông - Xuân 1953-1954. Ta giữ và phát huy quyền chủ động, chỉ dùng một bộ phận quân chủ lực và địa phương tấn công hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán, tạo thế trận mới, thời cơ mới, khi thời cơ xuất hiện, ta nhanh chóng tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh. Trên chiến trường Bắc bộ, ta mở hướng tiến công lên Tây Bắc uy hiếp Thượng Lào; Trung Lào là hướng thứ 2; Hạ Lào là hướng thứ 3; hướng thứ 4 là bắc Tây Nguyên.

Bộ Chính trị đã nhất trí và góp nhiều ý kiến quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh phương châm: "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt". Kết thúc hội nghị, Bác nói: "Hướng hoạt động lấy Tây Bắc làm chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi, phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa". Thực hiện Nghị quyết trên, ngày 15-10, đại đoàn đầu tiên của ta tiến lên Tây Bắc, lúc ấy 3 chữ "Điện Biên Phủ" chưa xuất hiện, nhưng số phận Nava đã định đoạt trong hội nghị này.

Tại chiến trường Liên khu V, đầu tháng 12-1953, Nava chuẩn bị cuộc hành quân Átlăng. Với lực lượng địch tăng lên 40 tiểu đoàn cơ động, chúng chia làm 3 bước: bước 1 đánh chiếm Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên; bước 2 đánh chiếm Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định; bước 3 từ 4 hướng đánh chiếm thị xã và toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Đông - Xuân 1953-1954, Liên khu V tấn công lên Tây Nguyên là nhiệm vụ quan trọng thứ nhất; giữ vững vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai. Tỉnh ủy Bình Định đề ra 2 nhiệm vụ: phục vụ đắc lực cho mặt trận Tây Nguyên và chiến đấu bảo vệ vùng tự do. Do đó tỉnh vừa huy động lực lượng dân công bằng mọi phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí phục vụ bắc Tây Nguyên vừa phát động chiến tranh du kích, tiến hành bố phòng ven biển và vùng giáp ranh An Khê. Chia tỉnh ra làm 2 khu vực: Từ Phù Mỹ trở ra gồm có bộ đội huyện, du kích và đại đội 105 độc lập của tỉnh; khu vực phía nam gồm các huyện còn lại, tập trung cho mặt trận Quy Nhơn. Thành lập gấp tiểu đoàn 80 gồm 3 đại đội 101, 102, 103, đại đội 100 độc lập của tỉnh và có một đại đội của chủ lực Khu, phối hợp với bộ đội địa phương huyện và du kích do Ban chỉ huy tỉnh đội phân công trực tiếp từng khu vực. Lập ngay phương án tác chiến và khu vực ảnh hướng mặt trận Quy Nhơn, gồm các xã của huyện Tuy Phước, xã Nhơn Phong, Nhơn Hạnh của huyện An Nhơn, Cát Thắng, Cát Chánh của huyện Phù Cát. Nhân dân trong khu vực này phải tản cư, thực hiện vườn không nhà trống. Du kích và cán bộ ở lại chiến đấu.

Cùng thời điểm, trên chiến trường Tây Bắc, khi xuất hiện đại đoàn quân đầu tiên của ta thì ngày 20 và 21-1-1953, quân Pháp dùng 6 tiểu đoàn đổ xuống Điện Biên Phủ.

Lập tức đại đoàn 308, 316 của ta tiến gấp lên Tây Bắc, chận đánh quân Pháp từ Lai Châu chạy về Điện Biên Phủ diệt 14 đại đội địch, sau đó hai đại đoàn tiến hành bao vây Điện Biên Phủ, chốt giữ đề phòng địch rút sang Lào, bởi lúc đó lực lượng Việt - Lào đã giải phóng tỉnh Thà Khẹt và Atôpơ. Lập tức tướng Nava cho đổ tiếp xuống Điện Biên Phủ khoảng 10 tiểu đoàn, một tập đoàn cứ điểm xuất hiện ở núi rừng Tây Bắc.

Ngày 1-1-1954, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.

Một kế hoạch huy động lực lượng dân công và bộ đội được triển khai. Đại đoàn 312, 351, 304 cùng các đơn vị pháo cao xạ tiếp tục lên Điện Biên Phủ.

Trước khi lên đường, Đại tướng đến chào Bác. Bác hỏi công việc rồi nói: "Tổng tư lệnh ra mặt trận, "Tướng quân tại ngoại", trao cho chú toàn quyền quyết định, trận này quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh".

(Còn tiếp)

. Đinh Bá Lộc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trung Bình - Làng văn hóa tiên tiến   (08/03/2004)
Hôm nay ngày tám tháng ba  (07/03/2004)
Vai trò của phụ nữ trong chiến dịch Điện Biên Phủ  (05/03/2004)
Tưng bừng những ngày đầu ra quân   (04/03/2004)
An toàn và kiểm soát bức xạ ở Bình Định   (03/03/2004)
Tăng cường xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh   (02/03/2004)
Vợ hai liệt sĩ   (01/03/2004)
Khi lính biên phòng nhập cuộc  (29/02/2004)
Một tập thể giỏi chuyên môn và giàu y đức   (27/02/2004)
Từ khu vườn tượng danh nhân y học ở Quy Hòa: Nghĩ về y đức thời nay  (26/02/2004)
Những người gắn bó với… côn trùng  (25/02/2004)
Chuyện học ở Bãi Xép   (24/02/2004)
Chuyện "vượt cạn" thời nay  (23/02/2004)
Nghề giúp việc nhà  (22/02/2004)
Đào tạo tiếng Anh chuyên ngành CNTT: Chưa được quan tâm đúng mức   (20/02/2004)