Bình Định sau đợt sóng gió kinh hoàng
15:54', 10/3/ 2004 (GMT+7)

Suốt mấy ngày qua trên vùng biển Bình Định liên tiếp xảy ra hiện tượng gió to, sóng lớn làm đắm tàu thuyền và chết người. Tính đến chiều 9-3, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Bình Định đã có 6 người chết, 42 tàu thuyền bị đắm chìm...

* Kinh hoàng sóng, gió bất ngờ

Thuyền của ngư dân xã Cát Tiến bị sóng tấp vào bãi đá (ảnh: Tiến Sĩ)

Ngày 4-3, một số ngư dân của xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, đang dùng sõng khai thác hàu ở khu vực bờ Cồn 1 (đầm Thị Nại, Phước Thuận, Tuy Phước) thì bất ngờ một cơn gió mạnh ập đến quật nhào sõng, làm cho những ngư dân này rơi xuống nước. Hậu quả là 3 ngư dân trong số đó bị thiệt mạng là bà Lương Thị Ngọc Tuyết (43 tuổi), Phạm Thị Năm (36 tuổi), Đào Thị Hằng (14 tuổi). Tiếp đó ngày 5-3, cũng tại đầm Thị Nại, thuộc khu vực gần tháp Thầy Bói lại xảy ra một vụ lật thuyền do gió to, sóng lớn. Một số ngư dân của TP Quy Nhơn đang hành nghề gõ, đánh bắt cá thì gió to, sóng lớn ập đến bất ngờ làm lật thuyền. Hậu quả là có thêm 3 người bị thiệt mạng. Nhưng kinh hoàng nhất là đợt gió to, sóng lớn liên tiếp xảy ra vào đêm mồng 7 và các ngày 8, 9-3 do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh. Những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là TP Quy Nhơn, huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ... Gió to, sóng lớn đã quật nhào và nhận chìm hàng chục chiếc tàu thuyền và đánh vỡ hàng chục thuyền khác, cùng hàng trăm lồng nuôi tôm hùm, lưới đăng...

Ngay sau khi nhận được tin báo của ngư dân và báo cáo của các địa phương, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn. Tỉnh đã điều gấp 2 chiếc tàu hải quân và 1 tàu của Cảng vụ Quy Nhơn ứng cứu. Cùng lúc, Ban Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn (Sở Thủy sản Bình Định) cũng khẩn cấp chuyển hàng trăm chiếc áo phao giúp ngư dân thoát khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên, do sóng to, gió mạnh lại bất ngờ nên nhiều người không kịp trở tay.

Ngày 9-3, chúng tôi có mặt tại khu vực Bãi Xếp (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do đợt sóng, gió vừa qua. Mặc dù sóng gió đã qua nhưng cảnh tượng tan hoang, mất mát ở đây vẫn còn hiển hiện. Ngày 8-3, một đợt gió mạnh khủng khiếp bất ngờ ập tới, gây sóng to dữ dội. Hàng chục chiếc thuyền bị sóng biển nhồi lên dập xuống. Hậu quả là có 6 chiếc thuyền bị đắm, trong đó có 3 chiếc bị sóng biển đánh bể tan nát. Đó là 3 chiếc thuyền của các hộ: Võ Văn Vạn (khu vực 1, Bãi Xếp), Huỳnh Văn Hùng, Nguyễn Thạch Phố (tổ 10, khu vực 2, Quy Hòa). 3 chiếc thuyền còn lại bị hư hỏng khoảng 40% là của các hộ: Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Văn Kính. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Sanh Ngọc, Chủ tịch phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn) cho biết: Ngoài 6 chiếc thuyền nói trên, sóng, gió còn cướp đi của người dân Bãi Xếp hàng trăm lồng tôm hùm, với khoảng trên 2.000 con. Giá mỗi con tôm hùm giống hiện tại là khoảng 100.000 đồng. Vì vậy, thiệt hại mà ngư dân Ghềnh Ráng phải gánh chịu lên đến hàng trăm triệu đồng.

Những gì còn lại sau đợt sóng gió (ảnh: Tiến Sĩ)

Cùng lúc trên địa bàn huyện Phù Cát, nhiều tàu thuyền của bà con ngư dân hai xã Cát Tiến và Cát Hải đang khai thác, neo đậu tại bãi ngang đã bị sóng to gió lớn nhấn chìm và đánh vỡ. Thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống bão lụt huyện, đã có 18 tàu thuyền bị nhấn chìm trong đó có 4 chiếc bị đánh nát hoàn toàn. Ngoài số tàu thuyền bị nhấn chìm và đánh vỡ, nhiều thuyền vào đến bờ an toàn cũng bị sóng lớn giật mất toàn bộ ngư cụ đánh cá.

Chúng tôi đến thôn Trung Lương (Cát Tiến, Phù Cát) và đã gặp những cảnh tượng đau lòng. Tại bờ biển đang tập trung nhiều gương mặt phờ phạc, rũ rượi và đau đớn. Toàn thôn có 17 chiếc thuyền đã bị chìm, 15 chiếc khác bị sóng đánh làm hư hỏng trên 50%. Theo ông Trần Văn Ái, Trưởng thôn Trung Lương, trong đợt sóng bất ngờ vừa qua, cả thôn có khoảng 60 chiếc thuyền đang đánh bắt tại ngư trường địa phương nhưng chỉ có một số thuyền kịp thời chạy về lánh nạn tại cửa biển Quy Nhơn nhờ các tàu có công suất lớn dìu đi, số còn lại chưa lánh kịp đã bị gặp nạn.

Tại nhà anh Nguyễn Hùng Anh (xóm Chánh Lương, thôn Trung Lương), chúng tôi thấy chiếc thuyền của anh (vừa mới đóng xong, chưa trả hết số vốn vay) giờ đây đã là đống ván vụn. Vợ anh vừa gánh số ván vụn về nhà, gặp chúng tôi chị khóc tức tưởi: "Trời làm chi mà ác thế, số tiền vay nợ để đóng thuyền đã trả hết đâu. Cả nhà 8 miệng ăn đều sống nhờ vào chiếc thuyền ấy." Tạt qua nhà anh Nguyễn Tường, chúng tôi gặp anh đang "ngậm đắng" khi toàn bộ vốn liếng của gia đình trị giá 40 triệu đồng đã bị sóng chôn vùi dưới đáy biển. Anh Tường cho biết: "Mùa này đâu phải là mùa mưa bão nên chúng tôi có ngờ được đâu. Chiếc thuyền bị đắm một lần vào đêm 30 tết vừa rồi. Sau khi vớt lên đã phải vay một khoản tiền để sửa chữa, chưa trả được nợ. Giờ thì không còn gì nữa!". Gia đình anh Tường có 7 người, nguồn sống phụ thuộc vào chiếc thuyền. Sau hơn 30 năm đi làm thuê cho các chủ thuyền khác, dành dụm được ít vốn cộng với vay mượn thêm rồi đóng được chiếc thuyền, anh cứ tưởng mình đã thoát được cảnh đi làm thuê, ngờ đâu...

Còn tại xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), ông Đặng Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Cả xã có 4 chiếc thuyền bị đắm. Đó là các hộ: Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Trong (thôn Hải Nam) và Nguyễn Thương (thôn Hải Đông). Bên cạnh đó còn có một số hộ dân có lưới mành bị sóng gió làm mất." Riêng xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), tuy không có tàu thuyền bị đắm, nhưng sóng gió đã làm cho nhiều hộ dân địa phương hành nghề mành tè, rúc tủ bị thiệt hại khá nặng. Theo thống kê, chỉ tính 8 hộ dân trong xã đã thiệt hại gần 150 triệu đồng.

Theo tổng hợp sơ bộ của ngành chức năng, tính đến 17 giờ chiều 9-3, ngoài 6 người thiệt mạng trước đó, đợt sóng, gió trong 3 ngày 7, 8 và 9-3 đã làm cho 42 chiếc tàu thuyền bị chìm đắm. Trong số này, tại bến Trung Lương (Cát Tiến - Phù Cát) có 28 chiếc, tại Bãi Xếp (phường Ghềnh Ráng - Quy Nhơn) có 6 chiếc, tại bến Lộ Diêu (Hoài Mỹ - Hoài Nhơn) có 6 chiếc... Thiệt hại do sóng, gió gây ra chưa thể tính đầy đủ, nhưng ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng.

* Làm gì để giảm bớt thương đau?

Theo các lão ngư dân địa phương, vẫn biết là trong dân gian thường có câu "Tháng giêng động dài, tháng hai động tố", nhưng những đợt gió to, sóng lớn vừa qua ở vùng biển Bình Định quả là hiện tượng bất thường. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn ở Trung tâm Khí tượng - Thủy văn miền Trung lại có lý giải khác. Họ cho rằng, đây không phải là những cơn gió lốc mà chỉ là những đợt gió mạnh. Qua số liệu tổng hợp của Trung tâm, máy đo tại đây xác định, đợt gió mạnh nhất xảy ra vào khoảng trưa ngày 8-3 là 16m/giây. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết, những ngày gần đây Bình Định bị ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường, với sức gió trung bình khoảng cấp 6-7. Còn ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bình Định thì phân tích: "Tuy không phải là gió lốc nhưng có thể do sóng gió xảy ra bất ngờ và cũng do một số ngư dân chủ quan, nên không kịp đối phó".

Ngày 9-3, lãnh đạo tỉnh Bình Định và ngành chức năng đã tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra tình hình và chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả do sóng gió gây ra. Đoàn do ông Nguyễn Văn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, đã trực tiếp đi kiểm tra tại Cát Tiến - Phù Cát; đoàn do ông Nguyễn Văn Mong, Phó giám đốc Sở Thủy sản, đi kiểm tra tại Hoài Mỹ - Hoài Nhơn và đoàn do ông Đinh Văn Tiên, Phó giám đốc Sở Thủy sản, dẫn đầu đi kiểm tra tại Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị phải khẩn trương giúp dân đưa tàu thuyền vào bờ an toàn và nhanh chóng khắc phục hậu quả. Trước mắt, các địa phương, ban ngành sớm thực hiện việc thống kê, tổng hợp thiệt hại và đề xuất giải pháp để tỉnh có hướng giúp dân khắc phục hậu quả.

Chiều ngày 9-3, sau chuyến công tác, kiểm tra tại Ghềnh Ráng trở về, ông Đinh Văn Tiên đã cho chúng tôi biết: Hiện các địa phương, đơn vị vẫn chưa thể thống kê, tổng hợp chính thức số tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, mất tích nên chưa thể xác định chính xác mức độ thiệt hại do đợt sóng gió gây ra. Sau chuyến kiểm tra tình hình của Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thiện và lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, tỉnh sẽ có chỉ đạo cụ thể đối với công tác khắc phục hậu quả.

Còn ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay: "Trước mắt trong thời điểm gió to sóng mạnh, các đơn vị cứu nạn lo tập trung cứu người. Sau đó, sẽ triển khai cơ chế, chính sách như vay vốn, hỗ trợ ngư dân mua sắm ngư cụ khôi phục việc đánh bắt". Cũng trong ngày 9-3, các chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn huyện Phù Cát đã vào cuộc, kiểm tra tình hình thiệt hại của người dân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện, cho biết Chi nhánh đã lên kế hoạch sẵn sàng mở vốn vay, chia sẻ những khó khăn với bà con ngư dân.

Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các chủ thuyền bị nạn nói trên đều đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có nhiều hộ, sau nhiều năm làm thuê, làm mướn cho các chủ thuyền lớn, dành dụm được một ít vốn liếng rồi vay mượn thêm để đóng một chiếc thuyền nhỏ chủ yếu đánh bắt tôm hùm và khai thác gần bờ. Tuy nhiên, đợt sóng lớn bất ngờ đã nhấn chìm xuống đáy biển tất cả vốn liếng của họ. Trước tai nạn không ngờ này, họ chỉ còn biết trông chờ vào chính sách ưu đãi và sự hỗ trợ của nhà nước.

. Viết Hiền - Nguyễn Phúc - Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Điện Biên Phủ với chiến dịch Átlăng  (09/03/2004)
Trung Bình - Làng văn hóa tiên tiến   (08/03/2004)
Hôm nay ngày tám tháng ba  (07/03/2004)
Vai trò của phụ nữ trong chiến dịch Điện Biên Phủ  (05/03/2004)
Tưng bừng những ngày đầu ra quân   (04/03/2004)
An toàn và kiểm soát bức xạ ở Bình Định   (03/03/2004)
Tăng cường xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh   (02/03/2004)
Vợ hai liệt sĩ   (01/03/2004)
Khi lính biên phòng nhập cuộc  (29/02/2004)
Một tập thể giỏi chuyên môn và giàu y đức   (27/02/2004)
Từ khu vườn tượng danh nhân y học ở Quy Hòa: Nghĩ về y đức thời nay  (26/02/2004)
Những người gắn bó với… côn trùng  (25/02/2004)
Chuyện học ở Bãi Xép   (24/02/2004)
Chuyện "vượt cạn" thời nay  (23/02/2004)
Nghề giúp việc nhà  (22/02/2004)