|
TP Quy Nhơn, nơi thí điểm thực hiện cơ chế một cửa từ tháng 8-2003 |
Từ 1-1-2004, cơ chế một cửa (CCMC) trong giải quyết công việc với tổ chức, công dân đã được triển khai đồng loạt tại UBND các huyện, thành phố và 13 cơ quan cấp sở của tỉnh. Sau hơn hai tháng triển khai, CCMC đã tạo nên một bước đột phá trong cải cách hành chính, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.
* Người dân thuận lợi hơn
Tháng 8-2003, thành phố Quy Nhơn đã được chọn làm điểm thực hiện CCMC để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Tháng 11-2003, thêm ba huyện: Tuy Phước, Hoài Nhơn, An Nhơn thực hiện và rồi, từ 1-1-2004, thêm 6 huyện: Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân triển khai CCMC, riêng An Lão triển khai từ tháng 2-2004.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ và xây dựng các phương án phân công cán bộ phụ trách, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, nên quá trình triển khai ở cấp huyện diễn ra tương đối đồng bộ và đáp ứng được tiến độ thời gian đề ra.
Theo đánh giá chung, hầu hết các huyện đều bố trí thực hiện đầy đủ 8 lĩnh vực theo quy định của UBND tỉnh. Thủ tục hồ sơ quy trình, thời gian giải quyết đối với từng loại công việc được niêm yết công khai, tạo điều kiện cho công dân thực hiện thuận lợi. Quy trình giải quyết từ khâu tiếp nhận hồ sơ, chuyển giao xử lý, trình ký, hoàn trả kết quả, thu phí, lệ phí đều công khai, đảm bảo đúng quy trình. Tình trạng công dân có nhu cầu phải đi nhiều nơi, vào nhiều cửa để giải quyết công việc như trước đây đã được căn bản khắc phục. Thông qua việc ban hành quy chế làm việc, quy chế phối hợp, hoạt động điều hành của UBND cấp huyện, mối quan hệ hoạt động giữa bộ phận tiếp nhận và các phòng chuyên môn chức năng đã được cải tiến. Tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ công chức được nâng cao.
Ngoài các huyện, thành phố, tính đến giữa tháng 2-2004, đã có 13 sở, ban thuộc tỉnh đăng ký triển khai thực hiện CCMC. Các đơn vị này đã cố gắng xây dựng đề án, bố trí cán bộ, cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai. Trong đó, có 9 cơ quan triển khai áp dụng CCMC theo danh mục lĩnh vực công việc đã đăng ký từ tháng 1-2004.
* Vẫn còn nhiều cái khó
Các lĩnh vực công việc áp dụng giải quyết theo CCMC tại các cơ quan hành chính của tỉnh:
1. Phê duyệt dự án đầu tư.
2. Thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư quy hoạch, xây dựng thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình.
3. Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề.
4. Cấp giấy phép xây dựng.
5. Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất.
6. Đăng ký hộ khẩu.
7. Công chứng, chứng thực.
8. Giải quyết chính sách xã hội. |
Một trong những cái khó đầu tiên là trang thiết bị vật chất. Ngoại trừ 4 huyện, thành phố đã thực hiện CCMC từ năm 2003 đã được dự án cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) hỗ trợ trang thiết bị, trị giá khoảng 100 triệu đồng/đơn vị, để trang bị cơ sở vật chất, máy móc, phương tiện; còn lại, hầu hết các cơ quan khác đều gặp khó khăn về nguồn kinh phí để tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ và mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho triển khai CCMC ở ngành, cấp mình. Việc bố trí phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở một số sở, ban, UBND cấp huyện phần lớn sơ sài, chưa bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, các huyện miền núi như An Lão và Vân Canh do điều kiện Văn phòng UBND chật hẹp, không có nơi để bố trí hoặc bố trí địa điểm không phù hợp nên thiếu tập trung đồng bộ.
Việc xây dựng đề án, chuẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện tại sở, ban thuộc tỉnh còn lúng túng trong chỉ đạo bố trí cán bộ, xây dựng quy trình điều hành phối hợp giữa các bộ phận liên quan theo yêu cầu cơ chế. Mặt khác, do thời gian chuẩn bị ngắn, điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất còn có nhiều khó khăn… nên nhìn chung so với cấp huyện, việc triển khai CCMC giải quyết công việc với tổ chức, công dân tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số đơn vị có nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực công việc quy định phải thực hiện giải quyết theo CCMC, nhưng lại không thực hiện, dẫn đến sự phối hợp giữa đơn vị thiếu đồng bộ. Một số huyện còn lúng túng trong xây dựng các phương án thực hiện cơ chế, chưa tập trung được bộ phận tiếp nhận và trả kết quả về một nơi. Vẫn còn tình trạng để cán bộ tiếp nhận hồ sơ làm việc tại phòng chuyên môn, công dân, tổ chức muốn liên hệ giải quyết công việc phải đi lại nhiều nơi, nhất là trên lĩnh vực công chứng, chứng thực, hộ khẩu.
Công tác điều hành thực hiện quy trình giải quyết công việc theo CCMC từ khâu tiếp nhận, kiểm tra, chuyển giao hồ sơ, thu lệ phí chưa đi vào quy chế thống nhất. Một số cơ quan, đơn vị chậm quy định lại chức năng nhiệm vụ, phân công lại nhiệm vụ cán bộ ở bộ phận tiếp nhận và các phòng chuyên môn theo hướng phục vụ cơ chế một cửa, dẫn đến xử lý công việc còn lúng túng.
Do không được bổ sung biên chế nên các cơ quan đã phải rút cán bộ có trình độ nghiệp vụ từ phòng chuyên môn sang làm việc tại bộ phận tiếp nhận và giao trả kết quả, đã làm cho các phòng chuyên môn thiếu cán bộ, nên hiệu quả hoàn thành công tác thấp. Hiện nay, 11/11 huyện, thành phố đều có kiến nghị với UBND tỉnh xem xét bổ sung biên chế để bố trí cho bộ phận tiếp nhận, hoàn trả hồ sơ.
. Khải Nhân
|