Vui buồn công nhân nữ
16:37', 17/3/ 2004 (GMT+7)

. Phóng sự của Thu Hà

Công nhân sản xuất gỗ trong KCN Phú Tài

Xẩm tối, dọc theo tuyến Quốc lộ 1A ở đoạn ngã ba Phú Tài từng lớp công nhân kẻ vào ca người tan ca tấp nập ngược xuôi trên đường. Chị bán chè vỉa hè chép miệng: "Ở đây có hàng trăm cái xưởng, mỗi lần công nhân ra là nghẹt cả đường. Nữ công nhân đông lắm. Nhiều người, tôi không những quen mặt mà còn biết được hoàn cảnh nữa. Có cô mới vào tháng trước, tháng sau đã có người yêu dẫn đi ăn chè, cũng có cô mấy năm nay chỉ đi về lủi thủi…".

* Chuyện vui

Chúng tôi đến khu nhà trọ công nhân thuộc phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn, tầm 10 giờ sáng. Khu nhà với chừng gần chục phòng cho thuê thì 7 phòng cửa đóng im ỉm. "Giờ này đi làm hết rồi chị ơi. Có gì chị qua phòng em ngồi đợi", cô gái ở phòng số 3 liến thoắng mời. Căn phòng nhỏ non chục thước vuông được bày biện đơn sơ nhưng trông khá gọn gàng, trên tường treo tấm hình cô dâu chú rể trong ngày cưới, phía dưới là bó hoa khô. "Hình cưới bọn em hôm tháng Chạp đấy chị. Thấy bó hoa cưới đẹp nên em treo lên để khô chơi", Bích - tên cô gái - giới thiệu căn phòng của vợ chồng mình. Bích quê ở Nhơn Mỹ, An Nhơn. Thi đại học hai năm không đậu, Bích xin gia đình cho vào Quy Nhơn làm công nhân gỗ. Tính ra, đây là năm thứ ba Bích "ly hương" và "ly nông". "Năm thứ hai em có người yêu và năm thứ ba thì cưới. Bọn em cùng làm một tổ ở xưởng chế biến gỗ lâm sản thuộc Tổng Công ty PISICO", cô cho biết thêm. Hiện lương tháng của hai vợ chồng sau khi trừ tiền thuê nhà, tiền ăn còn được hơn triệu bạc. "Anh Nam chồng em bàn mua lấy cái xe máy nhưng em tính để mua đất xây nhà thì hơn" - Bích tính toán.

Ly hương, vào Quy Nhơn làm công nhân gỗ rồi nên vợ chồng như Bích là chuyện thường gặp của các nữ công nhân tại các khu nhà trọ. Họ thường là người cùng trong một chỗ làm, thậm chí là chung cả một tổ. Ngay chỗ Bích trọ còn có 3 cặp vợ chồng khác. Lan, cũng lấy chồng cùng chỗ làm, ở một khu trọ khác nói như phân bua: "Thì chị xem, thông thường bọn em làm tăng ca. Trưa về tạt qua quán ăn cơm, về nghỉ một tí rồi đi ngay. Đêm khi về tới nhà thì đã 10 giờ, chỉ thiết lăn ra ngủ, thời gian đâu mà tìm hiểu, tiếp xúc với người này, người nọ. Không lấy người trong tổ thì lấy ai".

Lập gia đình rồi nhưng nhiều cặp vợ chồng, dù muốn, vẫn chưa dám có con. Trường hợp chị Thanh, chị chồng của Bích, là một điển hình. Hai vợ chồng cưới nhau đã hai năm, chị cũng đã 27 tuổi, anh chồng muốn có con nhưng mỗi lần bàn tới là chị lại bảo "gắng thêm thời gian nữa. Chờ mua được đất". Chị tâm sự: "Thuê nhà một tháng mất 150.000 đồng, tốn kém đã đành nhưng không lẽ cứ ở mãi nhà thuê hay sao. Bọn em cố dành dụm mua lấy miếng đất, xó xỉnh nào cũng được miễn là có nhà của mình, rồi mới dám tính chuyện có con sau".

* Chuyện buồn

Không được may mắn như Bích, Thanh, cô công nhân Nguyễn T. M., 22 tuổi, làm ở Công ty THHH Quốc Thắng phải chịu cảnh làm vợ hờ người ta. M quen và yêu anh công nhân ở xưởng cạnh bên. Đến khi có thai, M mới biết rằng người yêu mình đã có gia đình, vợ con đuề huề. Cô ức quá, nhiều lần tìm cách phá thai nhưng không thành. Hậu quả là cô sinh non, đứa bé ra đời nặng chỉ 2,2 kg. Anh chồng thuê cho vợ một căn phòng trọ ở phường Nhơn Phú. Hôm chúng tôi đến thằng bé chưa tròn 3 tháng. Căn phòng đã chật lại như càng chật thêm bởi xô, chậu, cùng la liệt quần áo trẻ con. Góc phòng đặt một chiếc bếp dầu, trên đó lỏng chỏng hai miếng thịt kho khô và một bó rau cải héo. M. ôm con nói trong nước mắt: "Ảnh mua được gì thì em ăn nấy, lắm hôm phải nhịn đói. Tiền thì có nhưng chợ xa, em mới sinh dậy không đi nổi. Chỉ tại em quá tin lời ảnh nên mới ra cơ sự này. Mẹ em bảo đem con đi cho nhưng em quyết không chịu". Bây giờ mỗi buổi chiều tối, anh chồng hờ lại lén xuống với mẹ con M., lo giặt giũ, cơm nước và dấm dúi cho vợ vài chục ngàn đồng. "Em định tương lai như thế nào?" - tôi hỏi. "Em cũng chẳng biết nữa. May mà bà nội nhận cháu và hứa sẽ lo cho mẹ con em", M. trả lời giọng buồn buồn.

Buổi sáng 7 giờ vào làm việc, trưa 11 giờ ra ca, nghỉ ngơi ăn uống chút đỉnh rồi vào làm ca chiều đến tận 5 giờ, nếu tăng ca buổi tối thì từ 6 giờ đến 10-11 giờ đêm. Đó là điệp khúc "ngày - đêm " của các nữ công nhân.

Chúng tôi đến phòng trọ "năm cô đơn" vào buổi chiều. Họ đang tất bật chuẩn bị nấu ăn để vào làm ca tối. Phòng họ có biệt hiệu là "năm cô đơn" bởi cả 5 cô đều chưa chồng dù đã qua "hăm". Căn phòng chật hẹp chừng hơn 10 thước vuông dường như không còn chỗ trống. Quần áo treo kéo một dãy dài dọc theo phòng, phía góc nhà lỉnh kỉnh chai lọ mắm muối tương cà, thau chậu, bếp dầu. Họ tự nấu ăn để đỡ tiền chợ. Hoa, một cô trong nhóm tâm sự: "Bọn em đồng cảnh, thuê nhà ở chung đã mấy năm nay. Cũng có vài anh tới ngắm nghía, làm quen cô này cô nọ nhưng chẳng biết có nên cơm cháo gì không. Anh nào lại chẳng ưng những em trẻ, đẹp. Còn bọn em thì dù sao cũng đã qua "hăm" rồi mà".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết số nữ công nhân quá lứa hiện ở các công ty tại KCN Phú Tài rất nhiều. Một nhóm nữ công nhân quê ở Phước An - Tuy Phước làm tại xưởng Thành Vy đang ngồi ăn chè chờ vào làm ca tối, tâm sự: "Cường độ làm việc như thế này thì chỉ chôn vùi tuổi trẻ thôi chị ạ. Nhưng mất nọ thì được kia, lương một tháng bọn em được chừng 600-700 ngàn đồng. So với hồi ở nhà làm ruộng còn sướng hơn nhiều vì ngồi trong mát chứ không ra đồng".

Làm việc căng thẳng là vậy nhưng khi có ngày nghỉ, ngoài việc đi mua sắm, thăm nom người thân họ cũng chẳng biết làm gì hơn bởi ở KCN Phú Tài đâu có gì giải trí hơn là các quán Karaoke, cà phê và quán nhậu. Xuống Quy Nhơn thì xa, cần có xe máy nhưng đâu phải ai cũng có. "Con trai giải trí thì đánh bài, ra quán nhậu sương sương, còn nữ bọn em chả biết đi đâu. Em làm ở đây cả năm mà cũng chỉ biết có ngã ba Phú Tài", Cương - cô gái quê ở Hoài Ân vào làm gỗ cả năm nay, tâm sự.

* Lời kết

Nữ công nhân đa phần là nông dân ly hương ở các huyện hoặc các tỉnh khác đổ về. Với họ, lương tháng từ 700 ngàn - 1 triệu đồng đã là niềm mơ ước so với hồi ở quê. Họ bằng lòng với những gì đang có. Bởi vậy các chế độ nghỉ thai sản, đóng BHXH, BHYT họ hầu như không biết, và cho dù có biết họ cũng không dám mạnh dạn đòi hỏi. Trong khi đó các chủ DN cố "lách" được chừng nào thì hay chừng nấy.

. T.H

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận qua Hội thi báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định năm 2004   (16/03/2004)
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sự huênh hoang của giặc Pháp   (16/03/2004)
Cơ chế một cửa: bước đột phá trong cải cách hành chính   (15/03/2004)
Bác Hồ và nơi khởi phát Điện Biên Phủ  (14/03/2004)
Điên Biên Phủ với chiến thắng Átlăng   (12/03/2004)
Tuổi trẻ học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: Học để trưởng thành   (11/03/2004)
Bình Định sau đợt sóng gió kinh hoàng   (10/03/2004)
Điện Biên Phủ với chiến dịch Átlăng  (09/03/2004)
Trung Bình - Làng văn hóa tiên tiến   (08/03/2004)
Hôm nay ngày tám tháng ba  (07/03/2004)
Vai trò của phụ nữ trong chiến dịch Điện Biên Phủ  (05/03/2004)
Tưng bừng những ngày đầu ra quân   (04/03/2004)
An toàn và kiểm soát bức xạ ở Bình Định   (03/03/2004)
Tăng cường xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh   (02/03/2004)
Vợ hai liệt sĩ   (01/03/2004)