Hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta
16:4', 18/3/ 2004 (GMT+7)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong hai ngày 7 và 8-3 tại TP Điện Biên Phủ, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia cùng tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết bản tham luận với tựa đề "Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Tác giả phân tích, đánh giá rất sâu sắc và khoa học về chiến thắng này. Chúng tôi xin trích đăng một đoạn trong bản tham luận này.

... Kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ viết: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn". "Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới".

Năm nay kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhìn lại tiến trình lịch sử của dân tộc ta và của nhân loại qua nửa thế kỷ, chúng ta càng thấy ý nghĩa to lớn và sâu sắc của chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là trận đánh tiêu diệt và bắt sống quân viễn chinh xâm lược lớn nhất, gọn nhất của quân đội ta, dân tộc ta và của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân xâm lược Pháp.

Ông cha ta trước đây từng tiêu diệt quân xâm lược ở Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... để giải phóng Thăng Long. Đến thời đại Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đánh một trận tiêu diệt lớn quân xâm lược ở Điện Biên Phủ, buộc đối phương phải đi đến ký kết Hiệp nghị Giơnevơ, giải phóng nửa nước, giải phóng thủ đô Hà Nội. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, được xây dựng ngày càng vững mạnh trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Đó là "nhân tố quyết định nhất", trong khi phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam Thành đồng Tổ quốc là "nhân tố quyết định trực tiếp" của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Như chúng ta đã biết, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với sức mạnh mới của một nửa nước được hoàn toàn giải phóng, xây dựng chế độ xã hội mới với sự giúp đỡ của các nước anh em cả về kinh tế và quốc phòng. Ta có một quân đội nhân dân được xây dựng theo phương hướng chính quy và hiện đại, gồm nhiều binh chủng và quân chủng, với một đội ngũ cán bộ dạn dày kinh nghiệm, đã được bồi dưỡng, đào tạo trưởng thành. Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó hàng vạn "chiến sĩ Điện Biên Phủ" đã lập công xuất sắc. Hàng ngàn "chiến sĩ Điện Biên Phủ" đã tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó có 3 trong 4 tư lệnh quân đoàn từng là trung đoàn trưởng chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

Như vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên chỗ dựa vững chắc, tạo nên lực lượng, ý chí, niềm tin và kinh nghiệm để quân và dân ta tiến lên, đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, thống nhất hoàn toàn, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, qua 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã làm nên trận Đại thắng Điện Biên Phủ giải phóng nửa nước, tạo điều kiện để 21 năm kháng chiến tiếp theo, làm nên trận toàn thắng mùa Xuân 1975 giải phóng nửa nước còn lại, đưa giang sơn về một mối. Điều trùng lặp kỳ lạ là về thời gian, hai trận quyết chiến chiến lược ấy đều diễn ra trong 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và chiến thắng vẻ vang. Cũng một điều trùng lặp nữa là khi tình thế thay đổi thì cả hai trận đã kịp thời thay đổi quyết sách. Trận trước dự định đánh trong 2 ngày 3 đêm đã chuyển sang đánh gần 2 tháng; trận sau dự định đánh trong 2 năm nhưng khi thời cơ đến đã tiến công thần tốc chỉ đánh trong gần 2 tháng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại mới.

Ý nghĩa to lớn của chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đối với dân tộc ta là như vậy.

Trên phạm vi thế giới, với chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại: Một dân tộc vốn là thuộc địa nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, kinh tế còn lạc hậu, vũ khí kém cỏi, đã đánh thắng quân đội xâm lược của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn, trang bị vũ khí hiện đại.

Trong lần đến thăm Việt Nam gần đây, Chủ tịch Fidel Castro đã nói: "Tôi đã đọc lịch sử chiến tranh. Từ trước đến nay chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song. Trên thế giới chưa từng có. Trong lịch sử chưa từng thấy".

"Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngửng cao đầu". Tiếng sấm Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, vang tới những vùng xa xôi còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, thức tỉnh và tạo niềm tin cho các dân tộc bị áp bức vùng lên. Gần hai thập kỷ sau Điện Biên Phủ, hàng loạt nước thuộc địa ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh đã lần lượt giành độc lập với hình thức và mức độ khác nhau. Phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sâu rộng.

Với Điện Biên Phủ, Việt Nam trở thành nước đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ - một vết nhơ trong lịch sử nhân loại.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Ý nghĩa quốc tế lớn lao của Điện Biên Phủ là như vậy.

. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vui buồn công nhân nữ   (17/03/2004)
Ghi nhận qua Hội thi báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định năm 2004   (16/03/2004)
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sự huênh hoang của giặc Pháp   (16/03/2004)
Cơ chế một cửa: bước đột phá trong cải cách hành chính   (15/03/2004)
Bác Hồ và nơi khởi phát Điện Biên Phủ  (14/03/2004)
Điên Biên Phủ với chiến thắng Átlăng   (12/03/2004)
Tuổi trẻ học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: Học để trưởng thành   (11/03/2004)
Bình Định sau đợt sóng gió kinh hoàng   (10/03/2004)
Điện Biên Phủ với chiến dịch Átlăng  (09/03/2004)
Trung Bình - Làng văn hóa tiên tiến   (08/03/2004)
Hôm nay ngày tám tháng ba  (07/03/2004)
Vai trò của phụ nữ trong chiến dịch Điện Biên Phủ  (05/03/2004)
Tưng bừng những ngày đầu ra quân   (04/03/2004)
An toàn và kiểm soát bức xạ ở Bình Định   (03/03/2004)
Tăng cường xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh   (02/03/2004)