Kinh doanh dịch vụ truy cập Internet công cộng (DVTCICC) là lĩnh vực kinh doanh nở rộ trong thời gian vừa qua ở Bình Định. Tuy nhiên, sau thời "trăm hoa đua nở", nay nhiều "bông" đã thoi thóp...
* Nhanh hơn, rẻ hơn
|
Một điểm truy cập Internet tại Tuy Phước |
Tại Quy Nhơn, đường Lê Hồng Phong trở thành nơi hội tụ của các DVTCICC. Cách đây 4 năm, khu vực này chỉ có 1 điểm DVTCICC nhưng nay, trên đoạn đường chừng 1.000m này có cả chục điểm. Đầu năm 2003 là thời điểm bùng nổ dịch vụ Internet công cộng ở Bình Định với gần 100 DVTCICC, trong đó Quy Nhơn có khoảng 40 điểm, mỗi thị trấn ở huyện có từ 3-5 điểm. Các điểm DVTCICC cạnh tranh bằng "chiêu" hạ giá. Ban đầu, giá truy cập Internet khoảng 5.000-6.000 đồng/giờ, đến giữa năm 2003 hầu hết các cửa hàng từ Quy Nhơn đến các thị trấn trong tỉnh đã hạ giá xuống còn 3.000 đồng/giờ. Để tránh tình trạng giá truy cập rơi tự do, các điểm DVTCICC ở Quy Nhơn đã tổ chức hiệp thương và thỏa thuận một giá thống nhất. Cạnh tranh sẽ chỉ diễn ra trên những dịch vụ kèm theo.
Trong khi một số điểm dịch vụ Internet đầu tư lớn ở Quy Nhơn đang tìm cách vượt qua "sóng gió" bằng cách mở rộng kinh doanh thì hầu hết những điểm dịch vụ nhỏ lâm vào tình trạng thua lỗ, nhất là ở phố huyện. Tại thị trấn Phù Mỹ, nhiều DVTCICC lâm vào cảnh "sống dở chết dở". Cửa hàng Internet 688 - DVTCICC đầu tiên của huyện Phù Mỹ là một điển hình. Anh Phạm Quang Hoàng - chủ cửa hàng Internet 688 - cho biết: "Chỉ trong tháng đầu tiên, cửa hàng 15 máy nối mạng Internet đã thu lợi nhuận trên 3 triệu đồng. Tuy nhiên, qua tháng thứ 2 đến nay, sau khi 3 điểm DVTCICC cùng mọc lên thì cung đã vượt cầu rất xa. Hệ quả là tất cả cùng lâm vào tình trạng èo uột lớn không lớn nổi, chết thì không được vì chưa thu hồi được vốn. Điểm dịch vụ nào đông khách cũng chỉ thu được chừng 50.000-70.000đ/ngày". Anh Hùng - chủ một điểm truy cập Inernet ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) - chọn hình thức thanh toán 1260P, dùng loại thẻ 1.000.000 đồng bởi được hạ giá còn 700.000 đồng nhờ khuyến mãi. Ấy vậy mà với giá cước 3.000 đồng/giờ như hiện nay, cố lắm cũng chỉ đến mức hòa vốn. Đến đầu năm 2004, khi dịch vụ truy cập tốc độ cao, băng thông rộng mở ra thì ngay tại Quy Nhơn không ít DVTCICC đã rút lui không kèn không trống. Nhiều điểm DVTCICC đóng cửa chỉ còn lại những chiếc bảng hiệu hoặc đã chuyển sang buôn bán thứ khác.
* Và những chiếc phao
Những dịch vụ còn sống sót trong cuộc chiến Internet trông chờ vào chiếc phao ADSL và đợt giảm giá mới đây. Tháng 9-2003, Quy Nhơn đã khai trương dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao ADSL với mức giá thuê bao 1 triệu đồng/tháng. Đây quả là một mức giá tuyệt vời đối với DVTCICC, bởi trước đây họ thường phải trả từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng cho nhà cung cấp, mà tốc độ truy cập thì chậm vì sử dụng modem quay số. Từ khi có ADSL lĩnh vực kinh doanh dịch vụ Internet bùng phát trở lại và tất cả những DVTCICC nào muốn sống sót đều phải lên đời trang thiết bị để thích ứng với dịch vụ mới ADSL. ADSL không chỉ mang lại hiệu quả về tốc độ, giá rẻ mà còn có thể cung cấp các dịch vụ cộng thêm như gọi điện thoại qua Internet, xem phim, nghe nhạc trực tuyến, hoặc dịch vụ tải phần mềm trên mạng...
Thế nhưng ADSL cũng chỉ cứu được DVTCICC ở Quy Nhơn, còn các điểm DVTCICC ở phố huyện vẫn lâm vào tình cảnh lay lắt. Nhiều điểm DVTCICC dưới 20 máy tính còn "sống sót" đang chuẩn bị rút lui thì có tin giảm giá truy cập Internet của dịch vụ VNN1268 xuống còn 20 đồng/phút kể từ ngày 1-3-2004. Anh Nguyễn Văn Khanh - chủ một DVTCICC ở Phù Mỹ - cho biết: "Đang định giải tán DVTCICC của mình thì được tin giảm giá. Với mức giá như hiện nay thì giảm được 1/4 chi phí truy cập, tuy nhiên cũng chưa biết lời lỗ thế nào. Phóng lao thì phải theo lao, thôi đành liều thời gian thử xem sao".
. Anh Tú |