Con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin
16:6', 23/3/ 2004 (GMT+7)

Từ khi học thuyết Mác-Lê nin ra đời đến nay đã có nhiều người tiếp cận, nhưng không phải ai cũng thành công, thậm chí có người còn phản bội lại nó. Điều đó phụ thuộc vào phẩm chất cá nhân của từng người. Hồ Chí Minh đã đến và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê nin bằng con đường riêng của mình.

* Sang phương Tây

Hồ Chí Minh lớn lên khi tiếng súng của phong trào Cần Vương đã tắt. Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám cũng kết thúc trong sự thất bại. Con đường cứu nước Việt Nam chuyển dần sang một hướng mới mà nhiều người kỳ vọng. Đó là con đường chịu ảnh hưởng ý thức hệ tư sản, với lãnh tụ nổi tiếng là Phan Bội Châu. Lúc bấy giờ không ít thanh niên Việt Nam lên đường sang Nhật trong phong trào Đông du của chí sĩ họ Phan. Nhưng Nguyễn Tất Thành đã từ chối. Người chọn một hướng đi mới: sang phương Tây.

Tại sao sang Phương Tây? Phương Tây có gì hấp dẫn? Câu trả lời được tìm thấy ngay trong lời kể của Người: "Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái (…). Và từ thưở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau ba chữ ấy"1. Thế là Người sang phương Tây, sang Pháp, "đến tận hang ổ của kẻ xâm lược để xem nước Pháp và các nước khác làm ăn như thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Đây là điểm mới rất quan trọng thể hiện bản lĩnh độc lập và tư duy sáng tạo của Nguyễn Tất Thành"2. Và mục đích sang phương Tây của Người cũng khác với những người đi ra nước ngoài khác. Cụ Phan Chu Trinh cũng đã nhiều năm sống ở Pa-ri nhưng không phát hiện được bản chất của chủ nghĩa thực dân, Cụ vẫn đặt niềm tin vào con đường "ỷ Pháp cầu tiến". Còn Nguyễn Tất Thành sang phương Tây là để khảo sát, nghiên cứu, "xem người ta làm thế nào", chứ không phải đi cầu viện. Chính vậy, Người đã hiểu rất sâu sắc bản chất của chủ nghĩa thực dân. Đây là điểm khác biệt đầu tiên của Hồ Chí Minh so với những nhà yêu nước Việt Nam tiền bối và đương thời trong việc tìm đường cứu nước.

* Bằng lao động của chính mình và đi vào quần chúng

Một sự độc đáo nữa của Hồ Chí Minh là Người ra đi nước ngoài không phải bằng một sự trợ giúp nào. Cụ Phan Chu Trinh sang Pháp nhờ vào Hội nhân quyền của Pháp. Cụ Phan Bội Châu sang Nhật nhờ vào lòng "hằng tâm hằng sản" của nhiều người. Còn Nguyễn Tất Thành ra đi bằng chính sức lao động của mình. Người chấp nhận cuộc đời lao động chân tay rẻ mạt của một người vô sản làm thuê để kiếm sống. Và bằng con đường "vô sản hóa" đó, Người đã đặt chân lên hầu khắp các lục địa - điều mà chưa một nhà cách mạng nào cho đến lúc bấy giờ làm được. Các Mác, Lê nin dù có đi nhiều nơi, nhưng cũng chưa đến phương Đông. Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc đời của mình chỉ có một lần duy nhất đi ra nước ngoài là đến Liên xô năm 1957 để dự Hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân các nước họp ở Mát-xcơ-va. Có thể nói Hồ Chí Minh đã làm một cuộc khảo sát có một không hai về chủ nghĩa thực dân, về các chính quốc và thuộc địa.         

Cần nói thêm rằng, trong thời gian từ khi Người đặt chân lên đất Pháp cho đến khoảng 10 năm sau đó, ở Pháp cũng như ở châu Âu chủ nghĩa cơ hội đang hoành hành. Nhưng nhờ phương pháp đi vào quần chúng "bên dưới" mà Hồ Chí Minh không sa vào chủ nghĩa cơ hội. Nhờ vậy, Người đã thâm nhập vào đời sống thực tế của quần chúng lao động, hiểu sâu sắc cuộc sống của họ. Từ đó Người khái quát: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản"3. Đây là một bước phát triển mới về nhận thức của Hồ Chí Minh. Nhận thức đó đã đưa Hồ Chí Minh đến gần với chủ nghĩa Mác-Lê nin.

* Trên tinh thần yêu nước và mục tiêu giải phóng dân tộc

Yêu nước và tìm đường giải phóng dân tộc là yếu tố thường trực trong tâm trí Hồ Chí Minh. Đi đâu, ở đâu, làm gì, Người cũng đều hướng vào mục tiêu này.

Theo nhiều tài liệu, Hồ Chí Minh đã từng đọc "Tư bản" và một số tác phẩm của Các Mác trước khi đọc Luận cương của Lê nin. Nhà sử học Mỹ William J.Duiker cho biết: "Một lần Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu Jean Longuet (cháu ngoại của Các Mác - chú thích của người viết) giải thích về học thuyết Mác, Jean Longuet lưỡng lự và nói rằng câu hỏi quá phức tạp và gợi ý Nguyễn đọc bộ Tư bản của Mác. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã đến thư viện gần Quảng trường Italia mượn tác phẩm đồ sộ đó để đọc cùng với số tác phẩm mác xít khác"4. Sau này Người thừa nhận đó là bộ sách "gối đầu giường" của mình. Tuy nhiên, Người vẫn chưa nhận ra con đường cứu nước, bởi bộ sách đồ sộ này của Mác không có dòng nào về thuộc địa, về cách mạng giải phóng dân tộc - điều mà Người quan tâm bậc nhất. Chỉ đến khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất luận cương các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa do Lê nin viết chuẩn bị trình Đại hội II Quốc tế cộng sản, Người mới phát hiện ra con đường giải phóng dân tộc. Bởi vì, vấn đề thuộc địa và giải phóng dân tộc là một trong những nội dung quan trọng của Luận cương.

Từ đó, Người tin theo Quốc tế III (Quốc tế III cũng đưa vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa vào chương trình nghị sự). Cũng vì tin theo Quốc tế III, Người bỏ phiếu tán thành thành lập Đảng cộng sản Pháp tại Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp (12-1920). Người trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Sau đó, Người có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn chủ nghĩa Mác-Lê nin trong khoảng thời gian từ giữa năm 1923 đến cuối năm 1924 khi học ở Đại học Phương Đông. Đến đây, Người thực sự trở thành "người học trò nhỏ" của Mác-Lê nin.

Và chủ nghĩa Mác-Lê nin trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh.

. Lê Văn Lợi

(Đại học Quy Nhơn)

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập I, tr.477

(2) Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành và phát triển - NXB Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.16

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập I, tr.266

(4) Xem Hoàng Văn Lân - Tạp chí Xưa và Nay số 154, tháng 12 -2003

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kinh doanh dịch vụ truy cập Internet: Đã đến giai đoạn chọn lọc  (22/03/2004)
Nhìn lại đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng bộ tỉnh Bình Định  (21/03/2004)
"Lính xế" đường dài  (19/03/2004)
Tấm lòng một người Bình Định xa quê và phần mềm Quản trị bán hàng  (19/03/2004)
Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta   (18/03/2004)
Vui buồn công nhân nữ   (17/03/2004)
Ghi nhận qua Hội thi báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định năm 2004   (16/03/2004)
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sự huênh hoang của giặc Pháp   (16/03/2004)
Cơ chế một cửa: bước đột phá trong cải cách hành chính   (15/03/2004)
Bác Hồ và nơi khởi phát Điện Biên Phủ  (14/03/2004)
Điên Biên Phủ với chiến thắng Átlăng   (12/03/2004)
Tuổi trẻ học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: Học để trưởng thành   (11/03/2004)
Bình Định sau đợt sóng gió kinh hoàng   (10/03/2004)
Điện Biên Phủ với chiến dịch Átlăng  (09/03/2004)
Trung Bình - Làng văn hóa tiên tiến   (08/03/2004)