Hiện nay, kênh thông tin về lao động - việc làm của tỉnh chưa được chú trọng đúng mức. Hầu hết các cơ sở dạy nghề đào tạo "những gì có sẵn" chứ chưa đào tạo những gì mà thị trường cần. Một phần là do thiếu thông tin về lao động - việc làm, một phần vì trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu. Tại các TTDVVL và giới thiệu việc làm có chức năng vừa dạy nghề vừa tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng hầu hết vẫn nặng phần dạy nghề, lĩnh vực giới thiệu việc làm cho NLĐ và cung ứng nguồn lao động cho các DN trong và ngoài tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi các TTDVVL gặp khó khăn khi tìm đầu ra cho nguồn nhân lực thì khu vực tư nhân cho đến nay vẫn chưa vào cuộc. Thực tế ở các địa phương khác cho thấy, chính khu vực tư nhân là những "đầu mối" nhanh nhạy nhất. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về XKLĐ chưa sâu rộng và thường xuyên. Nhiều nơi chưa hình thành được Ban chỉ đạo XKLĐ nên công tác chỉ đạo, điều hành chưa đồng bộ, chưa tạo điều kiện cho DN tuyên truyền, tuyển chọn lao động xuất khẩu.
Một vấn đề được đặt ra nữa là cho vay vốn GQVL, dù đã góp phần không nhỏ trong việc GQVL cho lao động tại địa phương nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ tạo việc làm mới từ các dự án chỉ chiếm khoảng 50%. Ông Nguyễn Mỹ Quang, Trưởng phòng Lao động - Việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, nhận xét: "Các dự án vay vốn tập trung phát triển chăn nuôi với quy mô nhỏ, đánh bắt cá, cải tạo vườn tạp… chiếm đến gần 90%. Với cơ cấu như vậy thì chưa thể tạo ra được nhiều việc làm mới". Cũng theo ông Quang, dự án tạo được nhiều việc làm và việc làm có chất lượng chính là các dự án vay vốn sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) hay dịch vụ nhưng các dự án này chỉ chiếm tỷ lệ rất ít khoảng trên 10%. Ngay tại thành phố Quy Nhơn, năm qua chỉ có 6/33 dự án xin vay vốn để phát triển sản xuất TTCN, dịch vụ. Nguyên nhân chính là do NLĐ và các hội, đoàn thể chưa dám mạnh dạn đầu tư vào các dự án sản xuất TTCN vì độ rủi ro cao. Hiện bình quân một chỗ làm việc được cho vay hỗ trợ là 3,67 triệu đồng, còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.
* Giải pháp nào?
Như vậy để tạo thêm nhiều việc làm cho NLĐ, song song với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, phổ cập nghề cho NLĐ để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm trong thị trường lao động, tạo môi trường thuận lợi để NLĐ tự kiếm việc và hỗ trợ trực tiếp để GQVL cho NLĐ và phát triển thị trường lao động. Cụ thể là các ngành chức năng cần thường xuyên mở các hội chợ việc làm, tăng cường nâng cao hoạt động dịch vụ, giới thiệu việc làm tại các TTDVVL đồng thời khuyến khích phát triển các TTDVVL tư nhân phát triển… Bên cạnh đó, cho vay vốn GQVL nên ưu tiên cho các dự án phát triển ngành nghề, TTCN, nuôi trồng thủy sản, các dự án nuôi bò sữa tại những địa phương đã được quy hoạch, các cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút được nhiều lao động…
Kết hợp đồng bộ các giải pháp trên, NLĐ sẽ thêm nhiều cơ hội để có được việc làm.
. Thu Hà
|