Đời thợ xây
17:22', 25/3/ 2004 (GMT+7)

"Chỉ làm ruộng thì còn khó khăn lắm nên đàn ông của thôn này đều đi làm thợ xây". Đó là lời của cụ Nghiêm, 75 tuổi, ở thôn Tri Thiện (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), một người có thâm niên làm nghề thợ xây trên 50 năm.

Các thợ xây đang làm việc (ảnh: Công Tâm)

Thôn Tri Thiện là một thôn nhỏ, lâu nay thuần nghề nông, nơi mà cái cuốc, cái cày vẫn hiện hữu trong cuộc sống thường nhật. Nhiều lớp trai trong thôn lớn lên, không thể và không muốn nối tiếp nghề nông, đã rời bỏ thôn vào TP Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh phía Nam để kiếm sống bằng nghề "tay trái" - thợ xây dựng. Nhiều người đã ra đi, nhiều người cũng đã quay về khi không chịu đựng nổi cái khắc nghiệt của cuộc sống đô thành, nhưng cũng có không ít người đã "thành đạt" bằng cái nghề thợ xây này…

Theo ông Nguyễn Công Du, Phó Chủ tịch xã Phước Quang, toàn xã có 11 thôn nhưng thôn nào cũng có người đi làm thợ xây ở khắp nơi, chủ yếu là tập trung vào TP Hồ Chí Minh. Trong đó, chỉ tính riêng thôn Tri Thiện có khoảng 90% số hộ có người đi làm thợ xây. Nhưng để mang được cái khoản thu nhập nhập 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng (gấp 10-20 lần thu nhập 1 tháng nếu ở quê), cuộc sống của những người thợ xây cũng đâu có dễ dàng.

Chúng tôi may mắn gặp được anh Bùi Trung Hậu, ở đội 5, thôn Tri Thiện, trong lúc anh tranh thủ về thăm gia đình và phụ vợ con thu hoạch lúa vụ mùa. Anh Hậu cho biết: "Làm cái nghề thợ xây này vất vả lắm, tuổi thọ sẽ giảm, vì công việc nặng nhọc mà suốt ngày đứng ở ngoài nắng. Nếu không làm thợ xây thì chẳng biết làm gì mà sống, nhà có 4 người chỉ có 2 sào ruộng. Mà làm ruộng như ngày nay thì có mà đói, giá phân bón tăng vùn vụt, rồi giá xăng dầu lại tăng kéo theo giá công cày ruộng, giá tuốt lúa, giá thuê công tăng theo, còn giá lúa bán ra thì có tăng đâu. Tuy làm nghề thợ xây cực mà dành dụm được ít tiền lo cho con cái có được miếng ăn, cái học".

Những người thợ đi quanh năm, chỉ về dăm lần vào những dịp giỗ, tết, mùa màng... Cả năm họ sống với xi măng, vôi vữa, bê tông... cần cù làm việc, mong ngóng được một khoản tiền gởi về cho vợ nuôi con. Ngày nay, nghề thợ xây không những đòi hỏi sức khỏe tốt mà còn phải nhanh nhẹn. Các công trình xây dựng không còn mướn công nhật, mà khoán từng công đoạn. Mỗi nhóm thợ phụ trách một công đoạn như: nhóm chuyên xây móng, nhóm chuyên đóng cốp pha, nhóm chuyên xây tường, nhóm chuyên tô tường... Để chắt cóp từng đồng, những người thợ phải tiết kiệm tối đa, họ không dám mướn nhà ở mà phải đi theo công trình, bạ đâu ngủ đó. Ăn thì cũng chọn quán cơm rẻ nhất mà ăn.

Họ thì vậy. Ở nhà vợ con của những người thợ xây cũng chịu vất vả không kém. Khi người đàn ông đi làm xa nhà, còn bao nhiêu khó khăn khác một mình người vợ phải lo toan: cha mẹ già, con dại, ruộng vườn, chợ búa... trăm thứ bà rằn. Cứ rảnh tay chân ra là họ nhớ đến chồng đang ở một nơi nào đó, vất vả kiếm tiền, mong ngóng một cuộc sống khấm khá hơn.

Đời làm thợ xây cũng không ít lần gặp tai nạn, như trường hợp thương tâm của anh Võ Trí (đội 2, thôn Tri Thiện), đang đứng xây trên một tầng 3 của căn nhà thì bất ngờ giàn giáo bị sập rơi xuống đất và chết ngay tại chỗ. Hay trường hợp của anh Ngô Văn Trị (ở thôn Phục Thiện, xã Phước Quang) dù thoát chết trong gang tấc (cũng do sập giàn giáo) nhưng phải mổ lấy đi một lá lách do bị dập. Hoặc như trường hợp anh Tấn Văn Phòng ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, để kiếm sống, năm 1997 anh vào TP Hồ Chí Minh làm thợ xây. Tại đây, năm 1999 anh xây dựng gia đình với một chị cùng nghề quê ở tận miền Tây Nam Bộ. Đầu năm 2000, anh chị có con gái đầu lòng. Tiếc thay, tai họa bất ngờ đến với anh: khi đang lao động anh bị ngã, dập vùng thắt lưng, bất tỉnh. Được anh chị em thợ nghèo cưu mang và được sự thông cảm của Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị miễn phí 3 tháng nhưng anh vẫn bất động hoàn toàn không chủ động được tiểu, đại tiện, nằm lâu một chỗ sinh ra lở loét ở lưng… Không lo nổi, vợ anh đã bỏ anh và con. Các bạn thợ phải quyên góp tiền tàu xe giúp anh và con về lại Cát Chánh.

Đời thợ xây có khi bạc bẽo vậy, nhưng cũng không ít người trở nên giàu có từ cái nghề này. Như trường hợp của anh Bùi Ngọc Ảnh (ở thôn Tri Thiện), xuất phát từ một tay thợ xây, đi làm thuê, làm mướn cho các chủ thầu; giờ đây sau nhiều năm tích cóp, dành dụm đã trở thành một doanh nghiệp tư nhân chuyên thầu các công trình xây dựng tại Bình Định. Còn tại TP Hồ Chí Minh thì phải nhắc đến chủ thầu xây dựng Bốn Võ (quê ở thôn Tri Thiện). Cũng xuất phát từ một tay thợ đi làm thuê, làm mướn cho các chủ thầu, sau một thời gian tự đứng ra nhận các công trình nho nhỏ, rồi tiến đến nhận các công trình lớn hơn. Giờ thì chủ thầu xây dựng Bốn Võ đã trở nên có tiếng ở vùng Bình Chánh. Các công trình lớn, các ngôi nhà cao tầng nằm ở khu vực huyện Bình Chánh đều do đám thợ của ông xây nên. Hiện nay, chủ thầu Bốn Võ có trong tay hơn 100 thợ, chủ yếu là người ở trong thôn hoặc trong xã. Từ thợ, bằng nỗ lực không ngừng, ông trở thành chủ với tài sản trị giá hàng tỷ bạc.

Nghề thợ xây đã giải quyết được một lượng lớn lao động tại các vùng nông thôn. Dù nghề không mang lại giàu có nhưng đã giúp nhiều gia đình vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Đất nước đang chuyển mình, nhiều ngôi nhà mới, công trình mới thi nhau mọc lên, cũng có nghĩa là những người làm nghề thợ xây tiếp tục có việc làm dài dài.

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tạo thêm cơ hội cho người lao động   (24/03/2004)
Con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin   (23/03/2004)
Kinh doanh dịch vụ truy cập Internet: Đã đến giai đoạn chọn lọc  (22/03/2004)
Nhìn lại đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng bộ tỉnh Bình Định  (21/03/2004)
"Lính xế" đường dài  (19/03/2004)
Tấm lòng một người Bình Định xa quê và phần mềm Quản trị bán hàng  (19/03/2004)
Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta   (18/03/2004)
Vui buồn công nhân nữ   (17/03/2004)
Ghi nhận qua Hội thi báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định năm 2004   (16/03/2004)
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sự huênh hoang của giặc Pháp   (16/03/2004)
Cơ chế một cửa: bước đột phá trong cải cách hành chính   (15/03/2004)
Bác Hồ và nơi khởi phát Điện Biên Phủ  (14/03/2004)
Điên Biên Phủ với chiến thắng Átlăng   (12/03/2004)
Tuổi trẻ học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: Học để trưởng thành   (11/03/2004)
Bình Định sau đợt sóng gió kinh hoàng   (10/03/2004)