Nửa tháng sau cơn lốc ngày 8-3 đến làng chài Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), chúng tôi vẫn bắt gặp những ánh mắt xa xăm ngóng về biển. Nơi đó, những chiếc ghe - tài sản gom góp một đời - đã nằm lại. Nơi đó, ấp ủ mong ước của những ngư dân sẽ một ngày trở lại làm nghề trên những ghe mới…
* Những người thoát hiểm
|
Thuyền đánh cá bị sóng đánh dạt vào bờ |
Chuyện cơn lốc biển vào tối ngày 7, rạng sáng ngày 8-3, với người thôn Trung Lương vẫn còn là chuyện thời sự. Mà không thời sự sao được, khi trên đường vào làng, đập vào mắt chúng tôi vẫn là những mảnh gỗ vỡ vụn, phần còn lại của những thân tàu nằm hai bên đường đi. Anh Đỗ Gặp, một trong những ngư dân này, ánh mắt thẫn thờ, lui cui bên đống gỗ, vốn là những mảnh thân ghe được sóng đánh dạt vào bờ, nhặt nhạnh lại được, phân bua: "Cứ nhìn đống củi này mà đứt ruột. Cả chục năm đi bạn mới gom góp được chừng này, tưởng từ đây mình sẽ làm cho mình. Ai ngờ! Bây giờ thì còn biết làm gì với đống gỗ này, trừ việc đem chụm".
Tạt vào một ngôi nhà đầu xóm. Ông Lê Thị, một ngư dân với khuôn mặt và giọng nói khá đặc trưng của người miệt biển, đang miệt mài thao lại chùm dây câu. Ông nói: "Mớ dây câu này, ngày trước tui đi lưới, sau chuyển sang nghề tôm, bỏ vãi vài năm nay. Bây giờ không còn việc gì làm mới mang ra thao lại, sợ chuột cắn chứ thuyền ghe đâu nữa mà câu với bắt". Ông Thị cho biết, trước đây, gia đình ông cũng từng sắm ghe lớn, làm lưới rút, câu mực ở tận vùng biển Vũng Tàu. Năm 1987, trong cơn bão số 5, thuyền của ông chịu nhiều thiệt hại. Vậy là ông bỏ, trở về quê. Năm 2002, ba cha con góp lại được chừng 70 triệu, tậu được chiếc ghe để làm tôm. "Mới làm được hai mùa tôm. Thấy thu nhập cũng được, đã khấp khởi trong lòng. 18 nhân khẩu của ba gia đình ba cha con tưởng là có thể bám lấy thân ghe này mà sống. Vậy mà chỉ một cơn lốc..." - ông Thị bùi ngùi.
Nhớ lại buổi sáng hôm 8-3, ông Thị vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng. Khoảng 1, 2 giờ sáng, trời bắt đầu trổ gió và những đợt sóng bắt đầu xuất hiện, càng lúc càng lớn. Tảng sáng, con trai ông Thị đang ở trên ghe thấy sóng lớn, tính cho ghe chạy vào Quy Nhơn. Nhưng chưa ra khỏi bãi, dây neo đã vướng vào chân vịt, làm gãy khớp nối tăng tốc, ghe không chạy được nữa. Thấy vậy, con trai ông Thị đành nhoai người xuống nước, bơi vào bờ, bỏ ghe lại cùng với sóng nước. Đến hơn 2 giờ chiều, chiếc ghe đã bị sóng đánh, chìm dần xuống biển. "16, 17 tuổi tui đã làm nghề. Đến năm nay là đã 50 năm trong nghề, vậy mà đây là lần đầu tiên tui mới thấy lốc và sóng lớn như thế này giữa mùa nắng" - ông Thị nói.
Còn anh Nguyễn Hùng Anh, một ngư dân khác cùng thôn, cũng trong tình cảnh tương tự. Anh kể: "Sáng 8-3, nghe nói sóng lớn, tui và thằng con rể bơi ra giữ ghe. Lúc này, đã có vài chiếc ghe bị đánh chìm rồi. Càng về chiều, sóng càng lừng. Những mảnh gỗ trên thân ghe bị sóng đánh vào kêu rôm rốp. 2 giờ chiều, nhắm là không thể trụ lại được, hai cha con nhảy xuống biển bơi vào bờ. Tui bơi quen, chỉ 30 phút là dạt được vào bãi và được bà con nắm tay kéo lên. Thằng con tui chưa có kinh nghiệm, hễ bơi được vào gần bờ rồi lại bị sóng dạt ra, mãi mà vẫn không vào được. Tui ngồi trên bờ mà nóng hết ruột gan mà không biết làm gì. Đến khi nó vào được rồi, tay chân tím tái hết cả. Vừa dìu được con lên mỏm đá, nhìn ra, thì chiếc ghe của mình đã từ từ chìm xuống. Vậy là thôi, hai cha con cùng gục xuống, không còn biết trời đất gì nữa". Có mặt trong những người dân làng đổ ra bãi biển thời điểm đó, chị Nguyễn Thị Loan, vợ anh Anh, kể: "Lúc đó, mọi người trong làng kéo cả lên đường đèo Vĩnh Hội. Dễ có đến cả năm, sáu trăm người. Mọi người, già có, trẻ có, nhưng tất cả đều chỉ biết đứng trên bờ nhìn xuống, vái trời vái Phật. Ông sóng nào qua mà ghe nhà mình thoát là mừng được một chút".
* Rồi sẽ ra sao?
Bãi biển Cát Tiến trước đây, đông đúc ghe thuyền, nay thưa thớt hẳn. "Toàn thôn có 42 chiếc ghe bắt tôm giống thì đã có 17 chiếc nằm lại với biển rồi còn gì" - ông Đặng Đình Cảnh, Văn phòng UBND xã Cát Tiến, cho biết. Theo ông Cảnh, trận lốc và sóng lớn ngày 8-3 đã làm ngư dân thôn Trung Lương thiệt hại 17 chiếc thuyền của 33 hộ dân và làm hư hỏng 25 chiếc khác; tổng thiệt hại ước tính khoảng 961 triệu đồng. Trong đó, hộ có mức thiệt hại cao nhất là 75 triệu đồng. Sau khi xảy ra sự cố, ngành chức năng mới hỗ trợ cho bà con vài chục áo phao để "vớt vát" những tài sản còn lại, chủ yếu là những mảnh thân ghe đã vỡ vụn.
Đập vào mắt chúng tôi, trên bãi cát, 4 chiếc ghe bị hư hỏng nặng vẫn còn nằm chỏng chơ, vì người dân chưa có tiền để sửa chữa. Đi thêm một đoạn, đến ghềnh đá, lại thêm hai chiếc ghe khác bị sóng đánh dạt vào, vẫn còn nằm chênh vênh trên mỏm đá và hy vọng trục ra được là rất mong manh. Vừa chỉ cho chúng tôi những chiếc ghe đã bị hư hỏng nặng, ông Trần Văn Ái, Trưởng thôn Trung Lương, vừa phân bua: "Thực ra, những hộ ngư dân này vẫn còn được an ủi đôi phần vì ghe dù bị hư hỏng nặng, vẫn có thể sửa chữa được. Gay go nhất hiện nay là 33 hộ có ghe bị thiệt hại, bây giờ không biết làm nghề gì mà sống. Phần đông họ đều là hộ khó khăn, trưởng thành từ nghề đi bạn, gom góp được chút ít, vay mượn thêm. Nay trắng tay, đời sống sẽ càng khốn khó". Gia đình ông Trần Thị thì còn có thể dựa vào chiếc quán cóc bán trước nhà, còn những gia đình khác, người thì đành trở về nghề đi bạn, người phụ vợ, làm thêm nghề vá lưới thuê, ngày kiếm chừng 25.000 đồng. "Mong muốn lớn nhất của tụi tui là Nhà nước có cách gì hỗ trợ, cho vay chẳng hạn, để chúng tôi sớm được trở về với nghề cũ" - ông Thị nói.
Còn anh Anh, trước khi từ biệt chúng tôi, thì tiết lộ: "Bà vợ tui tính bán nhà, lại sắm ghe làm nghề. Bả nói: Có sắm ghe thì mới hy vọng tích lũy lại, chứ đi bạn thì chỉ đủ chi dùng. Mà có ghe, mọi người mới được làm nghề, được sống với nhau ngay trên thôn này. Cuộc đời đi bạn nay đây mai đó, cực lắm. Còn thằng con rể tui gốc Quảng Trị, mới từ giã nghề đi bạn hai năm, về đây sống với gia đình tui lại đang sắm sanh vào Vũng Tàu đi bạn".
. Lê Viết Thọ |