Xong bữa cơm chiều, anh Nguyễn Văn Bích kéo chiếc xe xích lô lặng lẽ đạp ra khỏi con hẻm 848 Trần Hưng Đạo - Quy Nhơn, cũng là lúc nhà nhà lên đèn tụ họp sau một ngày làm việc. Bến đỗ của anh là trước cổng Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, ở đó đã có 8 chiếc xe xích lô của đồng đội anh đang chờ đợi khách.
Có người chạy thâm về đêm, số còn lại chuyên chạy trong lúc nhà nhà đang yên giấc ngủ. Họ lặng lẽ, kiên nhẫn chờ đợi từng người khách. Anh nói: "Ban ngày các phương tiện giao thông hành nghề nhiều quá, nào xe lam, xe buýt, xe tắc xi, Honda thồ… cho nên tìm được "một cuốc" rất khó. Hành khách lại ít thích đi loại xe "ba bánh này", đa số họ đi xe máy, có người vì công việc gấp nên thuê hẳn một chiếc xe máy vì thế xích lô thất nghiệp dài, tôi chuyển hẳn chạy vào ban đêm." Ở đây, họ phân công từng người, ai chạy trước rồi thì nhường lại cho người chạy sau, khách đi đường thường là những người nhà đi nuôi bệnh nhân, khách ở xa đến thăm, những người lỡ đường và những người buôn bán đêm. Anh Kh. trong tổ nói thêm: "Có hôm ế khách, đạp xe đi vòng vòng gặp một ông khách là mừng quýnh".
Anh Th. sinh năm 1965, ở đường Hoàng Văn Thụ (Quy Nhơn), cha mẹ chia tay nhau, anh ở với bà nội làm nghề "tài xế" từ lúc lên 15 tuổi, chỗ đậu xe của anh là bến cá Khu I, Khu II. Trong tổ của anh có 8 người ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng cùng chung một hoàn cảnh là gia đình khó khăn. Khó khăn nhất là anh L. nhà ở Phổ Thạnh - Đức Phổ - Quảng Ngãi. Năm 1999, L. theo chủ ghe ở Sa Huỳnh vào biển Quy Nhơn câu mực xà, có hôm được hôm mất, chuyện mất nhiều hơn được vì thế tiền "ứng" của chủ ghe để ăn ở, nằm chờ ngày càng tăng cao, vượt khả năng chi trả và không có tiền về quê. Theo mách bảo của bạn bè, anh thuê xích lô chạy trong lúc biển động, ghe nghỉ. Còn anh K. ở Cát Khánh (Phù Cát) cũng vậy, theo bạn đi câu mực ở Vũng Tàu, bị cơn bão năm 1998 nhấn chìm, thoát nạn anh bỏ luôn nghề câu mực vào Quy Nhơn hành nghề xích lô.
Anh L. ở Nhơn Bình (Quy Nhơn) chuyên chở rau, hoa quả cho chợ đêm phường Nhơn Phú, khoảng 8-9 giờ đêm anh đến nhà "bạn hàng" gom hàng chở cho đủ chuyến. Anh nói: "Tôi từng chở rau từ mùa nắng đến mùa mưa, chỉ được nghỉ những ngày Tết, tôi chở giá mềm nên bạn hàng tin tưởng". Anh Bảy K. ở Tuy Phước trước kia là công nhân thủy lợi, công ty giải thể, về nhà vợ chồng bàn tính làm ăn, thế là anh mượn bạn bè 3 chỉ vàng mua xích lô xuống Quy Nhơn hành nghề, gặp gì chở đó, lúc đầu bỡ ngỡ sau dần thành quen, khi gia đình có việc anh mới về nhà.
Còn cánh xe ôm đêm (xe máy) thì họ cũng nài nỉ tìm từng người khách để đưa như các bác tài "3 bánh" nhưng họ cơ động, thuận lợi hơn, thời gian đưa khách nhanh hơn, bến của họ thường là bến ô tô, tàu hỏa, nhà hàng khách sạn, bệnh viện, trường học, ngã ba, ngã tư… ở đó nhu cầu đi lại nhiều. Anh Ba ở Đống Đa (Quy Nhơn) hành nghề xe ôm đêm từ lúc còn bến xe nội thành (đường Lê Hồng Phong nối dài và đường Bạch Đằng) với chiếc Simson uống xăng như nước. Anh nói: "Lúc đó cánh xe ôm ít ai hành nghề, ở Quy Nhơn chỉ vài mươi chiếc nên thu nhập đủ nuôi 4 đứa con, có hôm chở khách đi vừa về đứng chưa nóng chỗ là có người gọi, có mệt nhưng vui vì có đồng ra đồng vô, nay thì ế quá, hơn nữa nhu cầu của khách ngày càng cao, tôi thay xe cọc cạch bằng chiếc Wave".
Tôi vào vai một người khách đến ngã ba Phú Tài nhờ tìm xe ôm chở về Quy Nhơn, có đến hơn 10 bác tài đon đả. Về khuya, giá cả "trên trời, dưới đất". Tôi nói: ban ngày 7.000 đ/người, còn đêm thì gấp đôi thế là vừa, cuối cùng cả hai đồng ý. Trên tuyến xe về Quy Nhơn tôi biết đó là anh Ng. ở phường Trần Quang Diệu hành nghề đã 6 năm, ban ngày anh bốc vác cho các xưởng gỗ tư nhân, đêm đến chạy xe ôm. Còn tại ngã tư cầu Bà Di, mỗi khi có chiếc xe dừng lại "thả" khách đêm cũng có đến 5-7 chiếc xe ôm níu kéo chào mời. Ngã ba Phú Tài, ngã tư cầu Bà Di cánh xe ôm hoạt động nhộn nhịp hơn, họ thức suốt đêm để chờ và đón khách.
. Bùi Tĩnh |