Chuyện nhói lòng về 5 đứa trẻ mồ côi
16:19', 30/3/ 2004 (GMT+7)

Nhiều độc giả đã không cầm được nước mắt khi đọc bài "5 trẻ mồ côi cần sự giúp đỡ" trên Bình Định điện tử (cập nhật ngày 15-3-2004, mục Cùng chia sẻ nỗi đau). Mới đây, cùng tổ công tác do Giám đốc Công an tỉnh Bình Định ủy quyền về Lộc Hạ thăm và chuyển tiền của cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an tỉnh quyên góp giúp các cháu, chúng tôi một lần nữa nhói lòng khi biết thêm những thiệt thòi của 5 đứa trẻ bất hạnh này.

* Từ nỗi cơ cực của cha mẹ…

Anh em Tí bên bàn thờ cha mẹ (ảnh: MLG)

Bà con thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cho biết, năm 1983 anh Đỗ Cao Thái (sinh năm 1963) đi làm thuê kiếm sống đã gặp và yêu thương cô gái quê tên Lương Thị Ngọc Tuyết (1963) ở xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn. Do không có tiền để tổ chức đám cưới nên anh Thái và chị Ngọc đã xin cha mẹ hai bên cho họ được về chung sống với nhau. Cha mẹ nghèo, nhà cửa chật hẹp nên khi đưa vợ về quê, anh Thái đã che một túp lều tranh ở tạm và hai vợ chồng bàn nhau sẽ cố gắng dành dụm cất một ngôi nhà tươm tất hơn. Nhưng rồi 20 năm trôi qua, họ vẫn không thể nâng túp lều lên thành nhà được. 5 đứa con của họ lần lượt ra đời trong túp lều rách nát này và đến cuối năm 2000, cũng tại đây anh Đỗ Cao Thái trút hơi thở cuối cùng vì bệnh nặng mà không có tiền chữa trị. Hai vợ chồng làm lụng quên ngày quên đêm còn chưa làm được nhà huống hồ giờ một mình với bầy con nheo nhóc, chị Tuyết nghĩ vậy nên không dám mơ đến việc làm nhà nữa. Có thể chị Tuyết  và các con sẽ trú ngụ mãi trong túp lều ấy nếu như vào tháng 8 năm 2003 không có 3 triệu đồng của UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà.

Ngôi nhà chưa đến 20 m2 lợp tole, tường không tô, cửa không có khung nhưng với chị Tuyết là một cơ ngơi mà chị chỉ dám nghĩ đến trong mơ. Dọn về nhà mới chưa được bao lâu thì chị Tuyết gặp nạn. Sáng ngày 3-3-2004, chị cùng con là Đỗ Văn Lùn (sinh năm 1991) và ba người hàng xóm là Phạm Thị Phượng, Đào Thị Hằng, Đỗ Thị Hà chống sõng đi bắt hàu trên đầm Thị Nại. Đến khoảng 10 giờ trưa sóng gió nổi lên, chiếc sõng lật úp giữa đầm. Bà con nghe tiếng kêu của họ đã vội cho thuyền máy ra nhưng chỉ cứu được Đỗ Thị Hà và Đỗ Văn Lùn, 3 người còn lại chỉ vớt được xác…

* Đến những thiệt thòi của con trẻ

Do quá nghèo nên vợ chồng anh Thái không quan tâm vấn đề gì khác ngoài việc lo chạy cái ăn cho con. Ngay cả việc đặt tên con họ cũng không chú ý. Đứa con đầu sinh năm con Tí (1984) nên họ gọi là Tí; đứa thứ hai lúc chào đời môi bị vỉnh nên gọi là cu Dỉnh; đứa thứ 3 do thấp bé quá nên được gọi thằng Lùn; đứa thứ 4, lúc chào đời mặt mũi chẳng khác gì chú khỉ con nên cả nhà gọi bằng Tề Thiên, tức thằng Thiên; đứa kế tiếp được gọi theo thứ là thằng Sáu. Những cái tên ngẫu hứng đó sau này được ghép với họ Đỗ Văn thành tên của những đứa trẻ, chứ thật ra cho đến ngày mẹ chết - mất chỗ dựa cuối cùng - những đứa trẻ này không có tên trong sổ bộ hộ khẩu của địa phương, không có khai sinh. Trong 5 đứa trẻ bất hạnh, Sáu là đứa duy nhất được đi học, các anh của Sáu mới 7,8 tuổi đầu đã theo cha mẹ lặn hụp ngoài đầm mò cua, bắt ốc kiếm ăn, không biết trường lớp là gì và chưa ai đọc được chữ A. Để vào lớp 1, năm 2002 Đỗ Văn Sáu được người bác là ông Đỗ Văn Bốn cho mượn giấy khai sinh con mình là Đỗ Văn Danh để đính kèm hồ sơ nhập học. Hiện nay, Sáu đã hơn 10 tuổi nhưng mới học lớp 2 với giấy tờ của người khác, do vậy ở nhà mọi người gọi Sáu, đến trường bạn bè kêu Danh…

Cật ruột của 5 đứa trẻ là hai người bác ruột, ông Đỗ Văn Bốn (1952) và ông Đỗ Văn Phương (1960) và người cô Đỗ Thị Vân nhưng cả 3 đều nghèo khổ, con cái nheo nhóc nên không mong gì cưu mang nổi những đứa cháu mồ côi này. Hiện nay Đỗ Văn Dỉnh đang theo người làng phụ hồ ở Gia Lai, Đỗ Văn Tí ở nhà chăm sóc các em và nhang khói cha mẹ. Và như lúc mẹ còn sống, hàng ngày Tí ra đầm Thị Nại mò cua, bắt ốc - công việc mà Tí đã làm từ lúc lên 7 tuổi - để kiếm tiền nuôi các em.

Ông Hoàng Việt Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, xót xa thừa nhận với chúng tôi về thiếu sót của chính quyền khi để địa phương mình xảy ra trường hợp như vậy. Ông cho biết, sau khi phát hiện các cháu không có hộ khẩu, không có khai sinh, không chứng minh nhân dân (với hai cháu lớn),  UBND xã đã chỉ đạo Công an, trưởng thôn nhanh chóng làm thủ tục để các cháu có đủ giấy tờ như những công dân khác và bổ sung ngay danh sách cử tri đối với Đỗ Văn Tí để em được thực hiện quyền công dân trong ngày bầu cử HĐND 3 cấp sắp tới.

Không được học hành, không nghề nghiệp, không có giấy tờ tùy thân và bây giờ không còn cha mẹ… không biết ngày mai của 5 đứa trẻ này sẽ ra sao? Các em đang chờ những bàn tay nhân ái dìu về phía trước.

. Mai Linh Giang

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng văn hóa Trung Định  (29/03/2004)
Những cuốc xe đêm  (29/03/2004)
Dân chủ, đúng luật, đúng quy trình  (28/03/2004)
Trung Lương: Nỗi niềm đọng lại  (28/03/2004)
Hành trình về cội nguồn   (26/03/2004)
Đời thợ xây  (25/03/2004)
Tạo thêm cơ hội cho người lao động   (24/03/2004)
Con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin   (23/03/2004)
Kinh doanh dịch vụ truy cập Internet: Đã đến giai đoạn chọn lọc  (22/03/2004)
Nhìn lại đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng bộ tỉnh Bình Định  (21/03/2004)
"Lính xế" đường dài  (19/03/2004)
Tấm lòng một người Bình Định xa quê và phần mềm Quản trị bán hàng  (19/03/2004)
Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta   (18/03/2004)
Vui buồn công nhân nữ   (17/03/2004)
Ghi nhận qua Hội thi báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định năm 2004   (16/03/2004)