Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) "về những vấn đề cấp bách trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân", mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh Bình Định đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, để đến năm 2010, mạng lưới y tế cơ sở đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Y tế thì còn nhiều việc phải làm.
* Một bước tiến dài
|
Một ca cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh (ảnh: Trang Xuân Chi) |
Bình Định triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 vào năm 1993 trong điều kiện mạng lưới y tế cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, 1/3 số xã chưa có trạm y tế và nhân viên của trạm đa số có trình độ y tá; một số bệnh viện tuyến huyện còn nhiều mặt bất cập cả về trang thiết bị, cơ sở vật chất, năng lực tổ chức quản lý, trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ. Đến nay, mạng lưới y tế cơ sở đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện toàn tỉnh có 11 trung tâm y tế, 10 bệnh viện đa khoa, 11 đội y tế dự phòng, 11 đội bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - kế hoạch hóa gia đình, 9 phòng khám đa khoa trung tâm và khu vực với 1.077 người, trong đó có 220 bác sĩ, 12 dược sĩ đại học, 233 y sĩ, 64 kỹ thuật viên, 28 dược sĩ trung học, 120 y tá và 76 nữ hộ sinh. Ở tuyến xã có 769 người, trong đó có 105 bác sĩ (số xã có bác sĩ chiếm 56,8%), 100% số xã, phường có trạm y tế, có 89,7% số trạm y tế được xây dựng mới kiên cố, 12 trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế xã. 100% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động lồng ghép 3 chương trình y tế, dân số - KHHGĐ và bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Hầu hết các bệnh viện đã giải quyết được các bệnh thông thường và một số bệnh khó mà trước đây phải chuyển tuyến. Công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai mạnh mẽ. Từ năm 1993 đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh ở trong nước và thế giới diễn biến phức tạp nhưng tỉnh Bình Định không có dịch lớn xảy ra. Một số bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết giảm mạnh. Năm 1993 có 6.046 bệnh nhân sốt rét, trong đó có 125 ca sốt rét ác tính, 15 ca tử vong, thì đến năm 2003, số bệnh nhân sốt rét giảm còn 1.436 ca, chỉ có 7 ca sốt rét ác tính, không có tử vong do sốt rét. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi như dịch tả, dịch hạch; đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, từng bước giảm số người mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm. Các chương trình phòng chống dịch bệnh ở trẻ em được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ mắc và chết do 6 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng ngừa ở trẻ em giảm rõ rệt.
* Còn đó những khó khăn
Khó khăn lớn nhất đối với mạng lưới y tế cơ sở là trang thiết bị y tế ở một số bệnh viện, nhất là các trạm y tế, thiếu thốn hoặc đã quá cũ, thiếu độ tin cậy trong chẩn đoán lâm sàng. Gần 1/3 số trạm chưa có quầy thuốc. Nhiều trạm chỉ thực hiện các chương trình y tế cộng đồng chứ chưa tổ chức được công tác khám và điều trị chủ yếu. Do thiếu trang thiết bị nên số bác sĩ về xã không phát huy được năng lực chuyên môn. Có nơi trạm y tế có bác sĩ vẫn không hơn gì trạm y tế không có bác sĩ. Một số trạm y tế chưa đủ số phòng chức năng theo quy định. Trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở còn yếu, trong các bệnh viện thiếu cán bộ có trình độ kỹ thuật cao, tay nghề giỏi, nhiều cán bộ y tế thôn chưa được đào tạo chuyên môn, thường chỉ được bồi dưỡng qua các đợt tập huấn, chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Việc bố trí cán bộ chưa đều trên các lĩnh vực, nhiều trạm y tế thiếu cán bộ làm công tác dược, cán bộ nữ hộ sinh và gần 50% trạm chưa có cán bộ chuyên trách y học cổ truyền...
* Định hướng đến năm 2010
Năm 2002 Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2001-2010. Ở Bình Định, đến thời điểm này đã có gần 100% số xã, phường, thị trấn đã xây dựng xong kế hoạch chuẩn quốc gia y tế xã đến năm 2010. Trong năm 2003, đã có 12 xã đạt chuẩn quốc gia y tế xã. Phần lớn các xã còn lại mới chỉ đạt một số chuẩn, còn các chuẩn khác so với thực trạng còn một khoảng cách khá xa. Thực trạng trên đòi hỏi cần có sự điều chỉnh bổ sung kế hoạch, đề ra các mục tiêu phấn đấu số xã đạt chuẩn cho mỗi năm và mỗi giai đoạn; kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu đã được xây dựng trong kế hoạch cho phù hợp với thực tế của từng giai đoạn. Trước mắt, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ y tế cơ sở; tăng cường bác sĩ đến các vùng khó khăn đi đôi với việc tạo môi trường thuận lợi để họ công tác; có kế hoạch đầu tư trang thiết bị cho các trạm y tế...
Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết, nhằm giảm sự quá tải giường bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, đòi hỏi phải có sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
. Hồ Xuân Ánh
|