|
Các chiến sĩ trung đoàn 50 tiến công vào dinh Tỉnh trưởng |
Đêm 30-3-1975, chấp hành mệnh lệnh của Sở chỉ huy tiền phương, Trung đoàn 93 hành quân triển khai lực lượng, chiếm lĩnh bàn đạp Phước Hậu. 8 giờ ngày 31-3, Sở chỉ huy gồm các đồng chí Vũ Tấn Hạt, Tỉnh đội trưởng, Đinh Bá Lộc, Chính trị viên Tỉnh đội và Ban chỉ huy Trung đoàn 93 họp xác định phương án tiến công Quy Nhơn: Tiểu đoàn 52 đánh chiếm bàn đạp khu 5; Tiểu đoàn 8 phát triển vào một phần khu 5, chiếm khu 4 và khu 1, liên lạc với đội 598 (đặc công nước) đánh chiếm toàn bộ cảng; Tiểu đoàn 50 cùng Đ20, Đ30 liên lạc với biệt động tiến công Dinh tỉnh trưởng, khu 2, một phần khu 3, phát triển lên sân bay, chiếm toàn bộ khu 6, liên lạc với tiểu đoàn 405 và tiểu đoàn 51; Tiểu đoàn 73 pháo binh hình thành một cụm hỏa lực tại núi Một, núi Bà Hỏa, bắn chặn không cho địch thoát ra biển.
13 giờ ngày 31-3, Tiểu đoàn 52 đánh chiếm Chợ Dinh và khu 5 làm bàn đạp cho Trung đoàn tiến đánh thị xã. 15 giờ Tiểu đoàn 8 đánh chiếm Cầu Đôi. Cùng ngày, quân địch ở khu vực Phú Tài, Đá Đen, ngã ba Thanh Long bị Tiểu đoàn 405 và Tiểu đoàn 19 công binh đánh phải tháo chạy về Quy Nhơn, đến Cầu Đôi bị lực lượng của ta ở đây tiêu diệt hầu hết.
Từ bàn đạp khu 5, Tiểu đoàn 8 phát triển tiến công vào khu 4, đến nhà thờ Nhọn gặp địch chống trả quyết liệt. Sau 3 giờ chiến đấu, ta đánh chiếm khu vực nhà thờ Nhọn. Tiểu đoàn 8 phối hợp cùng đội 598 và lực lượng du kích ở mũi Tấn nổ súng tiến công, chiếm thương cảng và quân cảng Quy Nhơn. Tiểu đoàn 52 cũng từ bàn đạp khu 5 đánh chiếm bến xe, ga xe lửa, công viên và phát triển theo đường Nguyễn Thái Học.
Theo đúng kế hoạch hiệp đồng, 18 giờ ngày 31-3, đội biệt động Quy Nhơn đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng, phá nhà lao giải thoát hơn 1.000 đồng bào, cán bộ và cơ sở của ta bị địch giam giữ. Trong lúc này Tiểu đoàn 50 cùng với Đ20, Đ30 đặc công và Đại đội 2 Phù Cát phát triển đánh chiếm sân bay, Tiểu khu Bình Định, Liên đoàn 6 công binh, Liên đoàn 2 tiếp vận và toàn bộ khu 6. Đại đội 2 Tiểu đoàn 50 cùng với đội biệt động Quy Nhơn cắm cờ trên Dinh tỉnh trưởng lúc 24 giờ ngày 31-3-1975. Cũng trong thời gian này, Tiểu đoàn 405 đánh chiếm núi Bà Hỏa, lầu Bảo Đại; Đ20 đánh chiếm Trạm viễn thông (núi Vũng Chua); Tiểu đoàn 51 hình thành 2 cánh, đánh chiếm khu kho Đèo Son. Chiếm đến đâu ta cắm cờ đến đó. 6 giờ sáng hôm sau, cờ giải phóng phất phới tung bay trên khắp các căn cứ, cơ quan, công sở của địch.
Trải qua 35 ngày đêm (6-3 đến 10-4-1975), lực lượng vũ trang Bình Định đã đánh 410 trận, diệt hơn 7.000 tên, bắt và làm tan rã 11.000 tên; tổng cộng đã loại khỏi vòng chiến đấu 26.000 tên; thu 19.000 súng các loại, 191 xe quân sự, có 13 xe M113; phá hủy 200 xe, có 58 xe bọc thép; bắn chìm 13 tàu chiến và bắn rơi 8 máy bay lên thẳng. |
Tuy vậy cuộc chiến đấu chưa chấm dứt. Theo phán đoán của Sở chỉ huy và các nguồn tin từ phía tây báo về, tàn quân ngụy bị đánh tung tóe từ khắp nơi tập hợp ở cầu Bà Di trên 6.000 tên và 300 xe các loại định xuống Quy Nhơn thoát bằng đường biển.
Để bảo đảm tiêu diệt toàn bộ quân địch mà không ảnh hưởng đến phố phường đông đúc, ta chủ trương phá cầu Sông Ngang và bố trí Tiểu đoàn 52 chặn đánh quân địch ở đây buộc chúng phải theo đường Quang Trung nơi có địa hình thuận lợi và ở đây ta dàn sẵn lực lượng tiêu diệt địch.
Đúng như dự kiến, địch đến cầu Sông Ngang, cầu sập lại bị Tiểu đoàn 52 đánh mạnh phải dồn đội hình quay lại đường Quang Trung. Khi toàn bộ đội hình địch đến khu vực Đèo Son - khu 6, lọt vào trận địa phục kích của Đại đội 2 (Phù Cát), Đ30, Đ20 nổ súng. Tiểu đoàn 51 vận động theo đường Quang Trung tiến sâu vào phía sau đội hình địch, diệt một số và bắt sống một xe M.113. Nhưng do địch quá đông nên vượt qua được khu 2 định thoát ra biển. Ở đây đã có Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 50, Thị đội Quy Nhơn bao vây chặn đánh.
Lúc này, ngoài khơi Quy Nhơn có khoảng 30 tàu thuyền địch, chúng đang cho xà lan, bo bo vào bờ để vớt bọn lính thất trận thì lập tức bị trận địa pháo 105, cối 120 của Tiểu đoàn pháo binh 73 cùng hỏa lực trợ chiến của các Tiểu đoàn 8, 50 dội đạn tới tấp làm 13 chiếc chìm tại chỗ, số còn lại bỏ chạy. Cuộc chiến đấu trên bờ kéo dài suốt 7 giờ đồng hồ. Xác xe tăng, xác pháo, xe cộ, súng ống cùng với xác lính ngụy nằm ngổn ngang trên đường phố, bãi biển. Đến 16 giờ ngày 1-4 tiếng súng mới hoàn toàn chấm dứt.
Quy Nhơn rợp một màu đỏ. Trong buổi hoàng hôn của ngày đầu giải phóng, không còn có thể phân biệt đâu là màu đỏ của cờ, màu đỏ của hoa giấy và hoa phượng vĩ. Cả Quy Nhơn như ùa ra, bùng lên nhưng lại rất lắng đọng, sâu sắc.
. (Theo Bình Định - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975) do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định xuất bản năm 1992)
(*) Đầu đề do Báo Bình Định đặt
|